Du lịch hè dễ 'nguội' vì thiếu máy bay

Khi các điểm đến, công ty lữ hành đang chuẩn bị tour, sản phẩm phù hợp đón khách mùa du lịch hè thì trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75%...,

 

Khi các điểm đến, công ty lữ hành đang chuẩn bị tour, sản phẩm phù hợp đón khách mùa du lịch hè thì trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75%, Pacific Airlines không còn máy bay, khiến ngành du lịch trở tay không kịp.

Vừa đắt vừa thiếu

Trong khi giá vé máy bay nội địa đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, Bamboo Airlines giảm số lượng máy bay từ 30 chiếc năm 2023 xuống còn 8 chiếc ở thời điểm hiện tại khiến giá vé máy bay đã cao lại thêm cao. Ngày 1/3/2024, Thông tư 34/2023 của Bộ GTVT bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực. Tiếp đến, ngày 18/3/2024, Pacific Airlines ngừng bay vì nhiều lý do khiến các doanh nghiệp (DN) du lịch lại như ngồi trên lửa bởi mùa cao điểm du lịch 30/4 - 1/5 và du lịch hè sắp tới. Việc giá vé máy bay đắt đồng thời thiếu máy bay sẽ tác động lớn tới ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định, nếu không có giải pháp thích hợp, mùa du lịch hè 2024 sẽ “nguội”.

Ngày 18/3/2024, Pacific Airlines ngừng bay vì nhiều lý do.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay các hãng hàng không đều gặp tình trạng khó khăn về máy bay, như: Pacific Airlines vừa trả lại các máy bay, tái cơ cấu các khoản nợ; Bamboo Airway giảm hơn 20 máy bay so với năm ngoái để tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong khi đó, Vietravel Airlines không bổ sung thêm được nên thị trường chỉ còn tập trung vào Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đặc biệt, việc nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) triệu hồi khoảng 600 - 700 động cơ PW1100 trên toàn thế giới sẽ làm một số máy bay A321NEO do Vietnam Airlines và Vietjet Air đang khai thác phải dừng bay trong năm 2024 và 2025. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm ngoái, các hãng bay Việt Nam có hơn 230 máy bay, hiện chỉ còn khoảng 170 chiếc, giảm khoảng 25%.

Theo ông Phạm Anh Vũ, Công ty Du lịch Việt, thực trạng giá vé máy bay tăng cao đã khiến giá tour tăng và làm giảm sự lựa chọn các điểm đến nội địa, khiến một loạt thủ phủ du lịch năm 2023 bất ngờ vắng khách như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh)…

“Chi phí vé máy bay là dịch vụ đầu vào chiếm khoảng 30 - 40% chi phí tour. Việc giảm hẳn nhu cầu du lịch nội địa phần lớn do giá vé máy bay tăng. Hầu hết các DN lữ hành hiện tổ chức đưa du khách nội địa từ tối thiểu 3 điểm chính là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng tới các điểm đến là Hạ Long, Điện Biên, Sa Pa, Cần Thơ, Côn Đảo, Phú Quốc... thuận lợi chính nhờ đường hàng không. Có thể nói rằng, hàng không là xương sống cho các sản phẩm du lịch nội địa và biến động giá vé ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch”, ông Phạm Anh Vũ cho hay.

Chủ động vượt khó

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá việc các hãng hàng không ồ ạt cắt, giảm hầu hết các đường bay ngách, đường bay lẻ tạo ra thách thức rất lớn cho thị trường du lịch nội địa trong năm nay. Trước mắt có thể thấy thị trường du lịch trong nước bằng đường hàng không sẽ khó khăn. Các hãng hàng không ý thức được tác động nhưng do cung - cầu thị trường, chuyến bay giảm, giá cao vẫn đầy khách thì không thể yêu cầu họ giảm giá vé được. Vì thế, các DN lữ hành đang chủ động chuyển hướng, ưu tiên điểm đến gần, đi bằng xe lớn, tàu hỏa hoặc phương tiện cá nhân.

Các DN lữ hành đang chủ động chuyển hướng, ưu tiên điểm đến gần, đi bằng xe lớn, tàu hỏa hoặc phương tiện cá nhân.

Theo ông Cao Trí Dũng, khó khăn lớn nhất là các điểm đến chủ yếu bằng máy bay như Phú Quốc, Côn Đảo… Những điểm đến có thể sử dụng phương tiện cá nhân, phương tiện xe công cộng, xe du lịch, tàu hỏa thì vẫn có khả năng duy trì. “Cả DN và các điểm đến đều nghĩ cách xoay chuyển để duy trì nguồn khách. Mặc dù vậy, hàng không vẫn là thị trường cơ bản nên mục tiêu thị trường nội địa năm nay của ngành du lịch khá khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tiến độ đưa máy bay hoạt động trở lại của các hãng hàng không. Hàng không và du lịch là hai cánh của máy bay. Một cánh lệch là chao đảo ngay”, ông Cao Trí Dũng nhìn nhận.

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa: Xu hướng du lịch nội địa hiện nay thường ít đi theo tour mà đi tự túc theo từng nhóm nhỏ bạn bè, gia đình. Vé máy bay quá cao, nếu khách “hủy kèo” dịch vụ, lưu trú thì du lịch thất thu; còn nếu khách chuyển sang đi tàu hỏa hoặc sử dụng ô tô gia đình thì hành trình sẽ thêm 1 - 2 ngày di chuyển, đồng nghĩa giảm thời gian vui chơi, giảm mức chi tiêu. Nếu tiếp tục tình trạng này, ngành du lịch Việt Nam đứng trước nguy cơ ngậm ngùi nhìn khách sang nước bạn. Chính phủ nên có phương án bình ổn giá vé máy bay.

Theo các DN du lịch, việc triển khai tour kích cầu trong dịp cao điểm hè 2024 là không dễ trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, nhất là đối với các tour sử dụng đường bay nội địa. Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết, để ứng phó giá vé máy bay tăng, các DN đang xây dựng tour tuyến mới theo hướng tăng tour đi bằng xe chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp đi máy bay với tàu hỏa, tàu biển, ô tô.../.

“Khuyến khích DN du lịch đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay. Việc mua tour ngay trong ngày hội cũng giúp du khách mua được tour giá tốt kèm khuyến mãi, khi thành phố đã vận động các DN lữ hành, lưu trú, điểm tham quan tham gia kích cầu, giảm giá để người dân, du khách có kênh tiếp cận tour hè với giá tốt nhất”.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận