Cấp đông thịt lợn để bình ổn thị trường

Việc cấp đông thịt lợn trong khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng lan rộng ra các tỉnh, thành phố là cấp thiết nhằm ổn định thị trường.

 

Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng ra các tỉnh, thành phố. Việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là cấp thiết nhằm ổn định thị trường.

Lo nguồn cung trong dịp tới

Tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung - cầu thị trường mặt hàng thịt lợn vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình dịch bệnh lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, giá tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm, hiện giá lợn hơi tại phía Bắc phổ biến từ 28.000 - 33.0000đ/kg, giá lợn hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000 - 38.000đ/kg (giảm 2.000 - 8.000đ/kg so với tháng trước), giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000 - 90.000đ/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000đ/kg so với tháng trước).

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 53 tỉnh/thành phố, gây thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 24/5, tổng số lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy đã lên tới trên 1 triệu 700 nghìn con (chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước). “Trong thời gian 3 tháng tới, thời tiết nắng nóng, là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu thụ thịt lợn nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới như Thái Bình, Hưng Yên… thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bất ổn thị trường và nguy cơ mất cân đối cung - cầu. Do vậy, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong thời gian tới.

Bài toán cho việc trữ thịt lợn

Tuy nhiên, theo các bộ, ngành và doanh nghiệp có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Trong đó, khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như vấn đề tài chính. Cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về giết mổ.

Việc trữ thịt lợn bằng phương pháp cấp đông nhằm ổn định thị trường trong thời gian tơi (ảnh: KT)Hiện, cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân còn hạn chế cũng khiến không ít doanh nghiệp e ngại. Có người cho rằng cấp đông thịt lợn trong thời điểm này là tốn tiền hỗ trợ, công nghệ không đảm bảo, nhưng theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, trữ thịt lợn bằng phương pháp cấp đông thời điểm này là đúng và cần thiết, bởi nó đem lại lợi ích kép cho người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp: Thứ nhất, nó góp phần giải phóng nhanh các đàn lợn ở trang trại và ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giúp giảm bớt tình trạng lây lan bệnh dịch, đỡ thiệt hại cho người chăn nuôi lợn; Thứ hai, góp phần điều tiết thịt lợn vào những tháng khan hiếm; Thứ ba, giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt Nam sử dụng thịt ấm sang sử dụng thịt mát để đảm bảo VSATTP.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cần nhiều giải pháp để hỗ trợ cho chương trình này: “Chúng tôi sẽ có đề xuất sớm nhất tới các cấp có thẩm quyền để ban hành những chính sách khuyến khích những doanh nghiệp thu mua thịt lợn để đưa vào đông lạnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp để người dân hiểu rằng thịt lợn được thu mua để cấp đông là thực phẩm an toàn”.

Theo đại diện các sở công thương, cần có chính sách hỗ trợ thực tế cho chương trình này, gồm các hộ gia đình cũng như DN triển khai việc cấp đông thịt lợn, trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới các cơ chế chính sách hỗ trợ DN, như hỗ trợ trực tiếp ngay vào giá, cho vay lãi suất ưu đãi đối với DN đăng ký tham gia chương trình...

“Với giá thành hiện nay các DN thu mua chắc chắn sẽ có hiệu quả, nhưng quan trọng hơn đây là lúc chúng ta thể hiện sự quan tâm, đồng lòng với những người chăn nuôi lợn đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, chúng ta cũng phải tiến tới việc thay đổi thói quen không chỉ ăn thịt tươi mà có thể chuyển sang sử dụng thực phẩm chế biến”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn cũng như nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường; Đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch.

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 53 tỉnh, thành phố, tính chung số lợn bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy đến nay khoảng 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130 ngàn tấn, gây thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng. Đặc biệt, khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Đồng Nai - địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước cũng đã bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận