Hải quan Lao Bảo trên thương trường đường 9

Chống buôn lậu không nên chỉ dừng lại ở địa bàn biên giới, mà phải truy sâu, bao vây kiên quyết ngay cả trong nội địa...

 

Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại đang thách thức pháp luật và đe dọa chủ quyền quốc gia. Để kiểm soát được tình trạng này là trăn trở và quyết tâm hành động của Hải quan cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị.

 Để đẩy lùi buôn lậu qua biên giới

Đường số 9 - con đường xuyên Á quả thật là một bức tranh khá sinh động của nền kinh tế thị trường thời mở cửa. Trong những năm qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã có nhiều biện pháp, nhiều cách làm vừa kiểm soát được tình hình buôn lậu và gian lận thương mại, vừa tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa.

Anh Nguyễn An Định, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan của khẩu Lao Bảo, cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập của nước ta hiện nay, buôn lậu đang thách thức trực tiếp đến hiệu lực của pháp luật và năng lực quản lý của Nhà nước.

Cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) và cửa khẩu Đen Sa Vẳn (Lào) là cặp cửa khẩu đã triển khai thực hiện mô hình “Một cửa, một lần dừng” và sau hơn 3 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả đáng kể, đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, du lịch và thúc đẩy giao thương qua lại giữa biên giới hai nước Việt - Lào, đồng thời giúp cho Hải quan 2 tỉnh Quảng Trị và Savanakhet phát huy được vai trò đầu cầu trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đây cũng chính là một trong những biện pháp quan trọng góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn lậu qua biên giới. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép trên tuyến biên giới hiện nay diễn biến rất phức tạp với nhiều chiêu thức và thủ đoạn mới, tinh vi, như gia cố hầm và trần phương tiện để cất giấu hàng hóa. Chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng xe thô sơ, gùi cõng qua các đường mòn, lối mở và hai bên cánh gà cửa khẩu...

Trao đổi với chúng tôi về nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, anh Nguyễn Ngọc Hải, Phó chi Cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cho biết: “Cùng với việc thực thi đúng pháp luật và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, thì việc tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt là bà con ở các thôn bản là rất quan trọng, qua quần chúng để nghiên cứu thông tin về địa bàn, tuyến vận chuyển hàng hóa, hiện tượng, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh, quá cảnh, người có liên quan... Nói tóm lại, công tác phòng, chống buôn lậu cần có được chỗ dựa vững chắc trong dân, có sự đồng tình giúp đỡ của nhân dân và biết nghe, biết nhìn bằng tai mắt của nhân dân thì không một đối tượng buôn lậu nào có thể lọt được”.

Những thủ đoạn tinh vi từ gian lận thương mại

Buôn lậu ngày nay có liên quan chặt chẽ với hối lộ, tham nhũng làm lũng đoạn bộ máy Nhà nước, làm đảo lộn trật tự kinh tế - xã hội, làm cho tài nguyên Quốc gia, tiền của và sức lao động của nhân dân bị bóc lột và tước đoạt, làm mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng.

Đường số 9 - con đường xuyên Á là một bức tranh khá sinh động của nền kinh tế thị trường thời mở cửa.

Một số nước thực hiện chính sách bù lỗ, hạ giá thành sản phẩm và bằng con đường tiểu ngạch, con đường buôn lậu để đẩy hàng thừa vào thị trường nước ta với mục đích vừa khỏi bị ứ đọng vốn, vừa giải quyết vấn đề thất nghiệp. Ngoài động cơ kinh tế và thông qua kinh tế, có những kẻ tìm mọi cách đẩy hàng hóa vào nước ta bằng con đường buôn lậu nhằm áp đảo về mặt kinh tế để gây mất ổn định về mặt chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng. Vì vậy, buôn lậu dưới hình thức nào, của loại đối tượng nào cũng đều gây ra những tác hại lâu dài, nghiêm trọng.

Khi nói đến vấn đề phải làm gì để đấu tranh phòng, chống buôn lậu có hiệu quả, anh Nguyễn An Định, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cho rằng: “Chống buôn lậu ở cửa khẩu là rất quan trọng, nhưng ở nội địa cũng không nên bỏ qua, vì hàng hóa nhập lậu dưới hình thức nào, bằng con đường nào cũng đều tiêu thụ ở trong nước. Cho nên chống buôn lậu không nên chỉ dừng lại ở địa bàn biên giới, mà phải truy sâu, bao vây kiên quyết ngay cả trong nội địa, hay nói cách khác là ở đâu có buôn lậu và có hàng lậu thì ở đó phải có lực lượng chống buôn lậu”.

Có thể nói, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu hiện nay là một trận tuyến không có tiếng súng, không có kẻ thù nhưng rất gian khổ và vẫn có hy sinh. Vì vậy cuộc đấu tranh giành giật “ai thắng ai” trong cuộc chiến thương trường cũng không kém phần gay go quyết liệt. Chiến tranh thị trường - một kiểu thực dân mới, một hình thức bóc lột mới và cũng là con đường “diễn biến hòa bình” của cuộc chiến tranh biên giới “mềm”, mà ở đó chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa không phải bằng lưỡi lê, xe tăng mà bằng hàng hóa, bằng tiền và công nghệ.

Buôn lậu đang hằng ngày, hằng giờ làm cho đạo đức bị tha hóa, làm nảy sinh các tệ nạn xã hội. Vì vậy, chặn được buôn lậu là dập tắt được một “quốc nạn”, đẩy lùi được một hiểm họa cho nước nhà... Đó là nhận thức, là chương trình hành động và cũng là quyết tâm của cán bộ công chức Chi cục Hải quan của khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị trên thương trường đường 9.

Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT phục vụ thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thanh toán điện tử, các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến ổn định an toàn 24/7 đã tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và phương tiện vận tải, giảm chi phí, giảm thời gian nhờ vậy đã thu hút nhân dân và doanh nghiệp qua cửa khẩu Lao Bảo ngày một tăng.

Phan Sáu

 

Bình luận

    Chưa có bình luận