Giá lợn có giảm như kỳ vọng?

Thời gian qua, dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN &PTNT chỉ  đạo, kêu gọi và doanh nghiệp cam kết nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng không giảm.

 

Bởi vậy, người tiêu dùng không mấy mặn mà trước thông tin 15 doanh nghiệp tham dự đã cam kết đưa giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. 

 

Nguồn cung dồi dào

Từ tháng 1/2020, các địa phương đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn .Đến ngày 10/3/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018). Trong đó: Đàn lợn nái còn 2,72 triệu con, bao gồm 109 nghìn con cụ kỵ, ông bà, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống để tái đàn lợn. Dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay phấn đấu đạt 3,9 triệu tấn.

Cùng với đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, từ cuối năm 2019 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Tính đến ngày 27/3, số lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện tại, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn ở mức giá cao.  Ảnh: P.V

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thịt lợn, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Nhằm thúc đẩy việc nhập khẩu thịt lợn, mới đây Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Tập đoàn Miratorg (Nga) - tập đoàn có năng lực sản xuất 500.000 tấn thịt lợn mỗi năm. Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định có thể đáp ứng nhu cầu thịt lợn mà Việt Nam đang cần với chất lượng và giá cả cạnh tranh.Trong tuần vừa qua, hơn 1.500 tấn thịt lợn này đã cập cảng Cát Lái, Hải Phòng và Phước Long. Số hàng trên đang làm xong thủ tục kiểm dịch, chuẩn bị thông quan. Bên cạnh đó, gần 2.000 tấn thịt lợn của Tập đoàn này cũng đã chuyển xuống tàu để nhập về Việt Nam.

Giá vẫn neo ở mức cao?

Để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, đồng thời nhằm giảm áp lực của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ngày 30/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp đưa giá thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg. Trước mắt là đưa giá từ 75.000 đồng/kg xuống mức 70.000 đồng; và lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65.000 - 60.000 đồng/kg.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh và giảm giá bán lợn thịt. Kết quả, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed,…) đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và bán lợn thịt với giá từ 73.000 - 76.000 đồng/kg lợn hơi.

Với mức giá bán ra như thế, giá bán thịt lợn chỉ dao động ở mức 100.000 đồng/kg. Nhưng thực tế giá bán lẻ ngoài thị trường vẫn neo ở mức cao, dao động từ 140.000 - 200.000 đồng/kg. Một người bán thịt tại chợ Phú Vinh, An Khánh, Hoài Đức chia sẻ: “Nghe thông tin giá lợn điều chỉnh giảm nhưng vì buôn bán nhỏ, lẻ phải mua qua trung gian giá họ bán cho chúng tôi không thay đổi vẫn ở mức cao .Giá nhập cao, bắt buộc chúng tôi phải bán cho người tiêu dùng giá cao mới có lãi”.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc tập đoàn Mavin cho biết: “Thực trạng này cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khâu trung gian”. Bên cạnh đó ông Lương đưa ra giải pháp, để cân bằng cung cầu đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định mang tính tổng thể về tín dụng đất đai, nguồn lực, chính sách... để các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương, đặc biệt các địa phương phía Bắc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành chăn nuôi: Trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ ngành thời gian tới xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có tăng mạnh đàn lợn nhưng không làm mất cân đối cung cầu trong dài hạn. Bởi bài học phải “giải cứu” thịt lợn đến nay vẫn còn. Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang tạm thời bị thiếu hụt. Rà soát khâu trung gian trong phân phối thịt lợn; ngăn chặn phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng xuất khẩu lợn và sản phẩm lợn trái phép./.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận