Thái Lan là quốc gia đầu tiên Việt Nam nhập khẩu lợn sống

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ hôm nay (12/6), sẽ cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để bình ổn giá thịt lợn trong nước.

 

Bắt đầu từ ngày 12/6 sẽ cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam và sẽ có khoảng 5 triệu con lợn sống được nhập khẩu về để giết mổ đáp ứng nhu cầu thực phẩm, bình ổn giá thịt lợn trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là thông tin được đưa ra trong buổi gặp gỡ các cơ quan thông tấn báo chí diễn ra cuối giờ chiều nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cung cấp thông tin về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước về Việt Nam.

Về quy trình thủ tục kiểm dịch và nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan phải đảm bảo các quy định của Luật thú y và những văn bản hướng dẫn dưới Luật. Ông Đông nhấn mạnh: “Việt Nam chỉ được nhập khẩu lợn sống từ các trang trại của Thái Lan đã được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan kiểm tra xác nhận và đăng ký xuất khẩu với cơ quan thú y của Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu phải có các xe vận chuyển lợn chuyên dụng đảm bảo đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh thú y kể cả đối với phúc lợi động vật. Đồng thời phải có cơ sở nuôi cách ly kiểm dịch ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu theo quy định và các cơ sở cách ly kiểm dịch này phải được các cơ quan thú y của Việt Nam tổ chức thẩm định kiểm tra, xét nghiệm các chỉ tiêu theo quy định kiểm dịch trước khi đưa lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan đi giết mổ”.

Lô heo bố mẹ nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam. (Ảnh: VG)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá thịt lợn như: nhập khẩu thịt lợn đông lạnh; nhập khẩu lợn bố mẹ để nhân giống, giải pháp nhập khẩu lợn sống giết mổ dự kiến trong vòng 5 ngày sau khi lấy mẫu nếu đảm bảo yêu cầu đủ điều kiện sẽ đưa ra giết mổ. Còn lợn nuôi cách ly dự kiến sẽ trong vòng 14 ngày, các thủ tục quy trình kiểm dịch đều được công khai, minh bạch. Các điều kiện đối với 8 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu đều công khai minh bạch. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, giá lợn nhập khẩu sẽ thấp hơn giá lợn hơi trong nước hiện nay.

“Giá lợn nhập khẩu về Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chi phí vận chuyển, hao hụt, chi phí nuôi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển đến nơi cách ly, giết mổ việc này của do doanh nghiệp tính toán. Nhưng chắc chắn giá lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về sẽ thấp hơn giá trong nước hiện nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Trả lời câu hỏi việc nhập khẩu lợn sống đảm bảo lợi ích của cả 3 nhóm đối tượng gồm: người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng như thế nào, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Khi đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người chăn nuôi và người phân phối và đảm bảo giá được bình ổn theo chỉ đạo của Thủ tướng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì chúng ta thông báo trước 1 tháng không cho nhập nữa. Còn lợi ích của người chăn nuôi ở đây có 2 đối tượng đó là chăn nuôi trang trại mà theo chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, chuồng trại nuôi bán thì giá thành khác. Còn người mua giống giá thành sẽ khác, việc này các cơ quan chuyên môn sẽ phải tính toán để lợi ích của 3 đối tượng này được đảm bảo thì chúng ta sẽ cho dừng nhập khẩu lợn”.

Làm rõ thêm tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay sau khi nhận được thông tin đã yêu cầu Cục thú y báo cáo chi tiết và chuẩn bị có văn bản gửi các địa phương yêu cầu phối hợp để ngăn chặn tình trạng này.

“Cơ quan thú y phải báo cáo trên cơ sở này Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố quản lý nhập khẩu ở các cửa khẩu đặc biệt là đối với lợn sống. Cùng với đó có sự tham gia của 389 và những đơn vị chức năng có liên quan sẽ tăng cường ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới. Ngay sau đây, Bộ sẽ ký văn bản để gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

Minh Long/VOV1

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận