Cải tổ hiến pháp ở Nga

Ở Nga hiện không thấy có nhân vật nào có thể ngang ngửa với ông Putin trong sự tín nhiệm và tin tưởng của cử tri và về uy tín quốc tế.

 

Sau lần thảo luận thứ 2 ở Viện Duma quốc gia Nga, những đề nghị của tổng thống Vladimir Putin về sửa đổi hiến pháp hiện hành đã được cơ quan lập pháp này của Nga thông qua và chuyển lên Hội đồng liên bang. Việc chúng cũng được Hội đồng liên bang thông qua là điều chắc chắn. Ngày 22/4 tới, cử tri Nga sẽ phán quyết đồng ý hay không đồng ý trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Những đề nghị về sửa đổi hiến pháp này được ông Putin bất ngờ đưa ra hồi giữa tháng 2 vừa qua. Cho nên điều đáng được chú ý hiện tại là cùng với việc thông qua những đề nghị sửa đổi hiến pháp của ông Putin, Viện Duma quốc gia Nga còn thông qua luật mới về cách tính thời điểm bắt đầu có hiệu lực của những sửa đổi hiến pháp này.

Theo đó, quy định về tổng thống đương nhiệm chỉ được cầm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp - tổng cộng 12 năm - có hiệu lực cùng với hiệu lực của những sửa đổi hiến pháp kia.

Về lý thuyết thì ông Putin có thể cầm quyền đến tận năm 2036 nếu như đắc cử tổng thống Nga trong năm 2024 tới và tái đắc cử sau đấy 6 năm. (Ảnh: internet)

Cụ thể trong trường hợp của ông Putin thì hai nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại đều không bị tính và có nghĩa là ông Putin lại có thể ra ứng cử tổng thống Nga sau khi kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại vào năm 2024. Cũng theo đó, về lý thuyết thì ông Putin có thể cầm quyền đến tận năm 2036 nếu như đắc cử tổng thống Nga trong năm 2024 tới và tái đắc cử sau đấy 6 năm.

Hai điểm đáng chú ý nữa ở những sửa đổi hiến pháp này ở Nga là việc tăng quyền hạn cho tổng thống, bớt quyền hạn cho thủ tướng và các thể chế quyền lực nhà nước khác và việc xác định đặt hiệu lực của pháp lý quốc tế xuống dưới hiệu lực của pháp luật quốc gia Nga.

Ở việc này của Nga, điều được thế giới bên ngoài nước Nga quan tâm để ý đến nhiều nhất là câu trả lời cho câu hỏi nước Nga sẽ như thế nào sau khi ông Putin kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền thứ 2 vào năm 2024 và liệu ông Putin có tiếp tục cầm quyền nữa hay không. Thiên hạ đều nhìn nhận mục đích chính của ông Putin với việc đưa ra những đề nghị sửa đổi hiến pháp nói trên là mở đường, dọn lối cũng như chuẩn bị dư luận này từ bây giờ cho thời kỳ sau năm 2024 và để tiếp tục nắm thực quyền cả sau năm 2024.

Bản thân ông Putin để ngỏ câu trả lời cho câu hỏi này khi úp mở là có thể chấp nhận cơ hội tiếp tục cầm quyền ở Nga nếu như mọi đề nghị sửa đổi hiến pháp được chính thức hợp pháp hoá bởi toà án hiến pháp và sự chấp thuận của dân chúng trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Mọi dự liệu hiện tại ở bên trong cũng như bên ngoài nước Nga đều theo hướng là hiến pháp nước Nga rồi đây sẽ được sửa đổi theo hướng và tinh thần những đề nghị của ông Putin.

Người ta cũng còn đưa ra luôn hai kịch bản có thể sẽ xảy ra sau khi những sửa đổi hiến pháp ấy được chính thức hợp pháp hoá. Kịch bản thứ nhất là ông Putin cầm quyền trọn vẹn nhiệm kỳ hiện tại và rồi ra ứng cử tổng thống năm 2024. Kịch bản thứ hai là nước Nga tới đây, chứ không chờ cho tới khi ông Putin kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại vào năm 2024, sẽ tiến hành luôn cuộc bầu cử tổng thống theo hiến pháp mới và ông Putin sẽ ứng cử tổng thống.

Trong cả hai kịch bản, những nhiệm kỳ tổng thống Nga trước đấy của ông Putin đều không bị tính đến.

Sửa đổi hiến pháp hiện hành, cho dù có phục vụ cho mưu tính quyền lực của ông Putin sau này, là chuyện chính trị quyền lực, pháp luật và xã hội lớn ở nước Nga. Nó sẽ làm nước Nga thay đổi rất cơ bản, bất kể ông Putin tiếp tục làm tổng thống hay nước Nga có tổng thống mới.

Ở nước Nga hiện tại không thấy có nhân vật nào có thể ngang ngửa với ông Putin trong sự tín nhiệm và tin tưởng của cử tri và về uy tín quốc tế. Cho nên có thể thấy nước Nga với những sửa đổi hiến pháp này đã bắt đầu chuẩn bị trên nhiều phương diện cho thời kỳ mới./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận