Bữa cơm sum họp đầu năm - kết nối các thế hệ người Êđê

Ngày đầu xuân, bữa cơm đoàn tụ của gia đình người Êđê ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có những nét độc đáo mang sự kết nối, sum vầy.

 

Từ những nguyên vật liệu dân dã, sẵn có, người Êđê đã chế biến ra những món ăn hấp dẫn với vị chủ đạo là cay, đắng và chua. Gia đình ông Y Sum Êban, ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk rộn ràng tiếng nói tiếng cười. Ông Y Sum có 4 người con trai, trong đó 2 người con lấy vợ xa nhà nên ngày xuân là dịp để cả gia đình sum họp, ăn bữa cơm đoàn tụ.

Từ sáng sớm, con trai cả của ông Y Sum Êbanlà - anh Y Ser Bkrông đã vào rẫy bắt kiến vàng để chuẩn bị làm món canh cá lóc nấu kiến vàng. Anh Y Ser giới thiệu, loại kiến vàng này sống và làm tổ thành từng cụm ở trên ngọn cây. Người Êđê thường chọn những cụm kiến vàng ở vùng rẫy xa khu dân cư. Kiến vàng có thể xem là đặc sản, dùng để chế biến với nhiều nguyên liệu khác thành các món ăn rất ngon. Đối với món cá lóc nấu kiến vàng, ngoài kiến vàng và cá lóc, nguyên liệu không thể thiếu gồm có củ hành tăm (củ nén), xả, ớt và các loại gia vị. Món này không dùng dầu mà chỉ nấu xuông với gia vị, do đó, để khử tanh thì trước khi nấu cá sẽ được hong trên than hồng.

"Món này thì lâu lâu mới có, bây giờ kiếm kiến vàng hơi khó, bắt đầu mùa này có trứng thì mới có nhiều kiến vàng. Với món kiến vàng nấu các lóc, đầu tiên mình phải giã các nguyên liệu, tiếp đó nấu nước sôi chứ không nấu dầu như các canh khác. Chờ nước sôi rồi bắt đầu mình cho gia vị vào, tiếp đó chờ sôi lại thì cho kiến vàng, khi kiến vàng chín thì mới cho cá lóc sau", anh Y Ser nói.

Các thành viên trong gia đình cùng tham gia chuẩn bị bữa cơm sum họp đầu năm

Các thành viên khác trong gia đình ông Y Sum cũng mỗi người một việc để tham gia chuẩn bị bữa cơm. Người ra vườn hái lá mì, cà đắng, người đi chặt thân cây chuối non. Riêng ông Y Sum làm món cơm lam và gà nướng. Ông Y Sum kể, ngày xưa với người Êđê, cơm lam và gà nướng được xem là món ăn quý, vì dịp đặc biệt mới làm món này. Các nguyên liệu chuẩn bị công phu hơn, từ hôm trước ông đã đi chặt ống nứa về, rồi ngâm gạo nếp qua đêm cho gạo dẻo và thơm.

Ông Y Sum chia sẻ: "Ngày xưa để làm món cơm nướng ống tre thì phải chọn loại ống tre vừa già tới, tốt nhất là tre lứa thứ 2. Gạo nếp phải ngâm và trộn với lá dứa cho thơm. Khi nướng phải nướng trên than hồng. Đối với gà nướng cũng vậy, phải nướng trên than hồng, trước khi nướng cũng phải tẩm ướp gia vị và để cho ngấm, tiếp đó nướng trên bếp than, không để gần ngọn lửa mà để xa cho gà chín từ từ, đều và thơm, giòn".

Từ những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà, với sự giúp đỡ của các thành viên, mâm cơm đã hoàn thành với rất nhiều món độc đáo như canh cà đắng nấu vếch (đoạn đầu ruột non của bò), cá lóc nấu kiến vàng, gà nấu măng chua, tép um lá chuối, lá mì xào vếch, gỏi cây chuối... Mâm cơm được dọn ra, cả gia đình cùng quây quần, thưởng thức bữa cơm đầm ấm, vui vẻ.

Bà H Yam BKrông, ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, ngày nay, cuộc sống của người Êđê có nhiều sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác. Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực vẫn được bà con gìn giữ. Không còn những nếp nhà dài như xưa, khi nhiều thế hệ trong một đại gia đình cùng chung sống. Giờ con cháu được học hành, rồi đi làm ăn xa, lấy vợ lấy chồng ở nơi khác… Ngày lễ tết, các con cháu trở về đoàn tụ là dịp để cả gia đình cùng nhau nấu những món ăn truyền thống, tuy dân dã, mộc mạc nhưng lại tạo nên sự kết nối giữa các thế hệ.

"Khi tết đến Xuân về, bà con cũng chuẩn bị các món như cà đắng nấu vếch, măng chua nấu thịt gà, rồi lá mì, nói chung là những món đặc sản của đồng bào Êđê, cũng là những món cây nhà lá vườn. Trong nhà người ta trồng cây gì, nuôi con gì thì người ta lấy những thứ đó để làm món ăn tiếp khách. Bản thân tôi vẫn luôn duy trì các món ẩm thực của đồng bào, không chỉ riêng mình mà các con cháu sau này cũng sẽ gìn giữ và phát huy", bà H Yam nói.

Cả gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp

Trong không khí Xuân rộn ràng, bên mâm cơm gia đình, các thành viên vừa thưởng thức những món ăn thân thuộc, vừa trò chuyện rôm rả. Đó là cách mà người Êđê ngày nay gắn kết các thành viên trong gia đình, truyền lại cho con cháu những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận