Để văn hóa trở thành hệ điều tiết sự phát triển bền vững đất nước

Quy hoạch tổng thể Quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm, được xem xét từ nhiều hướng tiếp cận, và chắc chắn văn hóa phải là một trong số đó.

 

Theo tờ trình quy hoạch tổng thể Quốc gia tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc

Quy hoạch tổng thể Quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trên cơ sở Quy hoạch này, các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành mới được triển khai, tạo thành hệ thống đồng bộ, bảo đảm cho sự phát triển chung, thống nhất của cả nước. Trong kỳ họp bất thường của Quốc hội năm 2023, Quy hoạch tổng thể Quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm, được xem xét từ nhiều hướng tiếp cận, và chắc chắn văn hóa phải là một trong số đó.

Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Theo Quy hoạch tổng thể Quốc gia, trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về xã hội đến năm 2030, với lĩnh vực văn hóa sẽ là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mọi mặt đời sống xã hội. Trong 7 định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp Quốc gia, Quy hoạch nêu rõ, phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội; phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và gắn với việc hình thành, phát triển các không gian văn hóa của đất nước. Xây dựng các cơ sở văn hóa Quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước.

“Các nhà nghiên cứu vẫn nói nhiều đến việc chúng ta có nhiều vùng văn hóa khác nhau, mỗi vùng có đặc trưng, giá trị và đặc điểm riêng. Những đặc điểm riêng về văn hóa này cũng có thể ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể của Quốc gia. Vậy thì những sinh hoạt khác nhau về văn hóa này sẽ được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia. Đó là điều đáng lưu ý”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cần cụ thể hoá các chỉ tiêu trong phát triển văn hóa

Trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 không có bất kỳ một chỉ tiêu nào mang tính định lượng: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực đời sống xã hội; Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước...

Cần làm rõ định hướng xã hội hóa lĩnh vực văn hóa.

“Nếu so với các lĩnh vực khác có những chỉ tiêu rất cụ thể để từ đó có thể dễ đánh giá khi thực hiện quy hoạch như y tế “Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%” hay giáo dục “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á…, thì rõ ràng việc không có chỉ tiêu định lượng khiến lĩnh vực văn hóa khó được quan tâm cụ thể, khó có thể huy động nguồn lực đối với những dự án, công trình quan trọng, tạo dấu ấn cho sự phát triển văn hóa Quốc gia” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, điều đáng mừng là Quy hoạch đã có sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Nếu có những thiết chế văn hóa đủ tầm như các bảo tàng, nhà hát, thư viện hay triển lãm, chúng ta sẽ có cơ sở để tổ chức các sự kiện xứng tầm với sự phát triển của đất nước. Điều tích cực là chúng ta đã đưa được những thông điệp đó vào Quy hoạch tổng thể Quốc gia nhưng quan trọng là sẽ triển khai như thế nào?

Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đối với lĩnh vực văn hóa, cần làm rõ định hướng xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là những giải pháp tích cực nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có tiềm năng lớn như thủ công truyền thống, du lịch di sản; phát huy vai trò ngày một lớn của các doanh nghiệp văn hóa ngoài công lập… trên cơ sở đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng, tính hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội gắn với đặc điểm của từng vùng miền trong bối cảnh có sự thay đổi về nhu cầu thụ hưởng văn hóa và bối cảnh hội nhập về văn hóa; bổ sung các nội dung về đầu tư, nâng cấp xây dựng không gian văn hóa. Mặt khác, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phải gắn với du lịch tại các trung tâm du lịch và các điểm đến du lịch quốc gia.

Thực ra, văn hóa là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần nên việc định lượng gặp nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể định lượng được, đặc biệt là trong một quy hoạch quan trọng. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, ở đó, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra, có thể trở thành dữ liệu cho bản quy hoạch tổng thể Quốc gia. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa cũng tồn tại một số vấn đề. Để văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, việc đặt yếu tố văn hóa vào trong quy hoạch tổng thể Quốc gia là hết sức cần thiết. Chúng ta hy vọng rằng, khi thực hiện quy hoạch đặc biệt quan trọng này, giá trị văn hóa sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước.

Văn hóa là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần nên việc định lượng gặp nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể định lượng được, đặc biệt là trong một quy hoạch quan trọng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận