Công nghiệp văn hoá, nhìn từ những sân khấu lớn

Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng, được xác định là phần quan trọng, bền vững trong tiến trình phát triển...

 

Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng, được xác định là phần quan trọng, bền vững trong tiến trình phát triển, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, quảng bá hình ảnh quốc gia.

Nhìn từ những sân khấu lớn

The Wild Dreams Tour - All The Hits! là tour diễn vòng quanh thế giới lớn nhất của ban nhạc Westlife, những chàng trai thanh xuân của thế hệ 8X, 9X Việt. Ngay khi thông tin về đêm diễn của nhóm tại sân vận động Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh ngày 22/11 được công bố, cộng đồng mạng Việt Nam đã dậy sóng. Hơn 15.000 vé của đêm diễn đã được bán hết ngay chỉ sau 4 giờ đồng hồ.

Nhiều khán giả Việt tiếc nuối khi không thể mua nổi vé, đã phản hồi với BTC mong muốn Westlife sẽ mở thêm đêm diễn thứ 2 hoặc bổ sung thêm vé để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ. Và khi đêm diễn thứ 2 của Westlife được ấn định vào ngày 22/11, hơn 16.000 vé đã được bán ra nhưng cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của người hâm mộ.

The Wild Dreams Tour - All The Hits! là tour diễn vòng quanh thế giới lớn nhất của ban nhạc Westlife

The Wild Dreams Tour của Westlife đã tạo nên một làn sóng siêu “hot” tại châu Á trước khi đến Việt Nam. Khi tới Việt Nam, sự kiện này không chỉ nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ cộng đồng người hâm mộ Westlife tại Việt Nam, mà còn tạo ra một cơn sốt lớn trên mạng xã hội. Poster thông báo về đêm diễn của Westlife đã thu hút gần 50.000 lượt tương tác chỉ trong một đêm và chủ đề về tour diễn này nhanh chóng leo lên vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng SocialTrend Ranking với 21.300 lượt thảo luận và 85.820 lượt tương tác.

Đây không phải là lần đầu tiên các chương trình nghệ thuật quốc tế đến biểu diễn ở Việt Nam tạo nên những đợt “thuỷ triều” mạnh mẽ. Tháng 8/2023, 2 đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) chật kín khán giả đã tạo nên “cơn bão” trong đời sống văn hoá, âm nhạc thủ đô, dư âm của nó không chỉ là doanh thu khổng lồ từ hơn 30.000 vé được bán ra mà còn nhiều giá trị tích cực khác không thể định lượng đang tác động đến đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt là giới trẻ thuộc thế hệ genZ, và với cả những người làm công tác quản lý văn hoá.

Trước đó, năm 2018, ban nhạc một thời hoàng kim Boney M và Modern Talking đã có buổi lưu diễn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội; Năm 2019, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival 2019 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long đã thu hút nhiều nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn như ban nhạc Scorpions (CHLB Đức), nữ ca sĩ Joss Stone (Anh), nhóm Kodaline (Ireland), nhóm Bond (Anh). Tiếp đó là ca sĩ Christina Aguilera biểu diễn tại Hà Nội năm 2022. Lễ hội âm nhạc Hay Glamping Music Festival 2022 chào đón 4 nhóm nhạc quốc tế nổi danh một thời là The Moffatts, A1, 911, Blue. Việc các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật quốc tế đến Việt Nam biểu diễn không chỉ thu về lợi nhuận kinh tế, mà còn mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá, giải trí và du lịch Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới.

Những bài học chiến lược

Theo Bloomberg, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp hơn 800 tỉ USD mỗi năm cho GDP Hoa Kỳ, chiếm tỉ trọng lớn hơn các ngành xây dựng, giao thông vận tải và nông nghiệp. Năm 2016, Hoa Kỳ xuất siêu 25 tỉ USD từ các hàng hóa và dịch vụ văn hoá nghệ thuật, xuất khẩu bản quyền phim ảnh, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử.

Ở Hàn Quốc, chỉ riêng các sản phẩm của Hallyu (Hàn lưu - Làn sóng Hàn Quốc) đã đóng góp 9,5 tỉ USD cho nền kinh tế năm 2018; 10,8 tỉ USD vào năm 2019. Riêng trong năm 2017, xuất khẩu K-pop đã đưa bản quyền âm nhạc thành “mặt hàng phi vật chất” đặc biệt có giá trị xuất siêu khoảng 5 tỉ USD.

2 đêm diễn của nhóm nhạc Black Pink trên sân vận động Mỹ Đình đã tạo nên “cơn bão” trong đời sống văn hoá, âm nhạc thủ đô.

Nhật Bản, quốc gia luôn có mặt ở top 5 các quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất hành tinh trong gần 2 thập kỷ nay, đã đặt trọng tâm chiến lược văn hóa Nhật Bản toàn cầu vào manga, anime và ẩm thực, với khẩu hiệu “Cool Japan” tạo ấn tượng về một Nhật Bản bình yên, tươi đẹp, trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống và biết ơn từng tạo vật của thiên nhiên. “Cool Japan” đã trở thành khẩu hiệu tích hợp cả các mục tiêu chính trị và kinh tế của nước Nhật Bản mới. Đến nay, “Cool Japan” với các từ tiếng Nhật đã trở thành ngôn ngữ quốc tế “manga”, “anime”, “sushi”... biểu thị sự lan tỏa toàn cầu của văn hóa truyền thống Nhật Bản, tích cực nâng cao hơn nữa vị thế văn hóa của Nhật Bản trên thế giới.

Thái Lan, quốc gia coi ẩm thực là một trong những trọng tâm của công nghiệp văn hóa đã đầu tư bài bản, không mệt mỏi vào việc quảng bá văn hóa ẩm thực Thái Lan với các sáng kiến để phát huy sức mạnh của ẩm thực Thái trên toàn cầu. Đến nay, doanh thu từ ngành chế biến thực phẩm chiếm hơn 20% GDP của Thái Lan và năm 2020 giá trị xuất khẩu thực phẩm đạt 33 tỉ USD.

Nếu đem so sánh với những con số thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào ngày 20/12/2022, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP sẽ thấy rõ ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam còn quá nhỏ bé.

Kinh nghiệm từ các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh cho thấy sự hội tụ của các điều kiện chính trị - pháp luật - kinh tế - xã hội cũng như sự thống nhất trong chiến lược, mục tiêu và giải pháp phát triển văn hóa cùng sự vào cuộc chung tay của toàn xã hội là “công thức” của thành công. Họ đã thực hiện ra sao?.

“Việt Nam chưa có nhiều tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Ở lĩnh vực điện ảnh, nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, số lượng phim đặt hàng của Nhà nước có thể ra rạp đếm được trên đầu ngón tay và đáng tiếc là hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả hạn chế, được mời xem miễn phí. Trong lĩnh vực âm nhạc, bên cạnh những sản phẩm ghi được dấu ấn khi kết hợp và khai thác các chất liệu của văn hóa dân gian thì có không ít sản phẩm sáng tạo là “hàng lỗi”, “hàng kém chất lượng” bởi mang hơi hướng nửa mùa, lai căng, phản văn hóa”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Cần bắt kịp xu thế

Nhìn vào show diễn của Westlife tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua, rõ ràng, việc các tập đoàn kinh tế tham gia vào lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật biểu diễn không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế đáng ngưỡng mộ, hơn thế, những lợi ích từ hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và các tác động xã hội tích cực là không thể đong đếm được.

Trước show diễn 2 đêm của Westlife tại TP. Hồ Chí Minh, VPBank đã tổ chức nhiều đêm nhạc đỉnh cao đưa các huyền thoại âm nhạc trên thế giới như Richard Clayderman (2014), Kenny G (2015), Paris Ballet (2016) và Thomas Anders (ban nhạc Modern Talking - 2016)… đến với người hâm mộ Việt Nam và đều thu được những thành quả đáng ngưỡng mộ. Điều đó cho thấy các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp văn hóa không chỉ giúp khẳng định thương hiệu quốc gia mà còn đóng góp doanh thu không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Đây cũng là lý do khiến công nghiệp văn hoá đang trở thành xu thế trên thế giới.

Ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, khai thác các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đã hình thành một số thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, nở rộ khá nhiều tác phẩm mới, từ điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn tuy nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm không cao, chưa có sản phẩm văn hóa đại chúng có sức thu hút trên toàn cầu. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, cơ sở hạ tầng văn hoá và các không gian sáng tạo xuất hiện ở đô thị có chiều hướng phát triển không bền vững...

“Việt Nam nên tổ chức nhiều lễ hội nghệ thuật quy mô lớn, bởi lễ hội là không gian biểu diễn rộng mở, nơi nhiều đối tượng công chúng, du khách có thể tham dự vào các hoạt động trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Với khả năng tích hợp đa dạng nhiều nội dung biểu diễn, thu hút đông người tham dự và tạo sức lan tỏa lớn, các festival nghệ thuật có thể mang đến những góc nhìn khác nhau về nghệ thuật, giúp mỗi người tiếp nhận và thu về những giá trị riêng”.

Tiến sĩ Israfil Shaheen, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Sân khấu biểu diễn, Đại học Dhaka (Bangladesh)

Tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp văn hóa là cần thiết, nhưng song song với đó cần nâng cao vai trò quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng để thị trường này phát triển đúng hướng. Bên cạnh những trở ngại từ cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển, chưa bắt kịp xu thế. Các nhà quản lý và người thực hiện đều khá mơ hồ, lúng túng, chưa hình dung rõ ràng thế nào là một ngành công nghiệp âm nhạc hay công nghiệp điện ảnh... nên chưa có sự đầu tư bài bản, xứng tầm. Mặt khác, việc khai thác giá trị văn hóa, sử dụng chất liệu văn hóa bản địa chưa đúng cách, chưa tạo được sự kết nối giữa truyền thống và đương đại khiến các sản phẩm ít có sự bứt phá trong thiết kế, ý tưởng sáng tạo.

Trong một thế giới đa văn hóa như hiện nay, để tăng sức cạnh tranh, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không những phải đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc riêng mà còn cần tương thích với giá trị chung toàn cầu. Từ đó, có một chiến lược dài hơi, rõ ràng, đầu tư bài bản, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng, phát triển và mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Song song với đó là những biện pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả để thị trường này phát triển đúng hướng, tạo dựng môi trường lành mạnh giúp các chủ thể phát huy hết tiềm năng và nội lực sáng tạo, bảo đảm “sức mạnh mềm” quốc gia được tạo nên từ những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận