Hai nửa của Nghệ sỹ Nhân dân Trung Anh

Năm 2019 là năm 'đại cát' của NSND Trung Anh với nhiều giải thưởng ở lĩnh vực điện ảnh, và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý 'Nghệ sĩ nhân dân'.

 

Thích để rồi yêu

Dù đã thể hiện hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trong cả lĩnh vực điện ảnh và sân khấu, giành nhiều giải thưởng… nhưng ở ngoài đời, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trung Anh là người trầm lắng, ít nói. Anh nói về nghiệp diễn của mình bằng những từ ngữ đơn giản, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.

Trước giờ tập một vở mới tại Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi gặp anh để nghe anh chia sẻ về những giải thưởng và danh hiệu mà anh đạt được; những niềm vui dồn dập đến với anh khiến nhiều người gọi năm 2019 là năm “đại cát” của nghệ sĩ Trung Anh. Tuy nhiên, với anh, những danh hiệu và giải thưởng ấy như những niềm vui nho nhỏ, anh mỉm cười bày tỏ: “Không ai vào nghề với mục tiêu là để đạt được danh hiệu NSƯT hay NSND. Người nghệ sĩ bước chân vào nghề và gắn bó với nghề bởi đam mê và tình yêu với nghề. Đôi khi, có những người lầm tưởng là họ yêu mình trong nghề chứ không phải là yêu nghề trong mình. Nhưng với những nghệ sĩ chân chính, tình yêu nghề mới thực sự là chất keo gắn bó người nghệ sĩ với nghề”.

Trung Anh bước chân vào nghề diễn khi mới 17 tuổi. Khi đó, anh thi tuyển vào học tại lớp kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam với một ý thích giản đơn có phần bồng bột của tuổi trẻ là mong muốn được làm diễn viên kịch. Anh chia sẻ: “Tôi vào nghề bồng bột như thế, lúc đầu chả có hiểu biết hay mục tiêu gì. Thế rồi qua quá trình học tập, làm nghề, được sự dạy dỗ, kèm cặp, chỉ bảo của những nghệ sĩ thuộc thế hệ “vàng son” nhất của nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam, được các cô chú thế hệ đi trước “truyền lửa” cho mình, truyền cho mình tình yêu đối với sân khấu, đối với Nhà hát. Tình yêu với nghề cứ dần dần hình thành như thế trong mình, được bồi đắp dần lên qua từng nhân vật, từng vở diễn, khi phải vượt qua những khó khăn với nghề… để tình yêu nghề trong tôi dần trở thành như máu thịt của người nghệ sĩ”.

Với người nghệ sĩ, mỗi danh hiệu là một sự khẳng định, ghi nhận của khán giả, của đồng nghiệp, của nhà nước với những đóng góp của họ cho sân khấu, điện ảnh. Với NSND Trung Anh, anh coi mỗi danh hiệu như một món ăn tinh thần mà mình được thụ hưởng sau những cống hiến của bản thân. Nó đồng thời cũng giúp cho những khó khăn vất vả với nghề phần nào nguôi ngoai.

“Đôi lúc cũng có chạnh lòng với nghề bởi cuộc sống quá khó khăn, nghề diễn không đủ để trang trải cuộc sống, quá thiếu thốn về kinh tế để tự nuôi bản thân chứ chưa nói đến việc lo cho gia đình. Thực sự là mình phải hi sinh để nuôi nghề chứ không như những nghề khác, người làm nghề để nuôi mình. Đã có những lúc mình muốn bỏ nghề bởi người làm nghề có cuộc sống quá khó khăn. Mình phải đấu tranh với chính bản thân mình, tiếp tục hay từ bỏ đây!? Nhưng cuối cùng, được sống với tình yêu và đam mê của mình trong suốt cuộc đời mới là hạnh phúc”, NSND Trung Anh trải lòng.

Anh tâm sự, có hai thứ sẽ đi cùng anh trong suốt cuộc đời, đó là gia đình và nghề diễn. Nó như hai nửa của một đời nghệ sĩ không thể tách rời. Cả hai nửa ấy đều phải bắt nguồn từ tình yêu thực sự, người nghệ sĩ được sống trọn vẹn với hai nửa ấy mới là hạnh phúc. Bởi thế, với NSND Trung Anh, gia đình và nghề là hai phần không thể tách rời, nó vừa tồn tại cùng nhau, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn và tạo nên sự cân bằng. Khi nghề gặp khó khăn, gia đình chính là nơi giúp anh có được sức mạnh để vượt qua, gắn bó với nghề, và ngược lại.

Tôi thích những nhân vật đa nhân cách

NSND Trung Anh trong mắt khán giả thường vào vai những nhân vật khắc khổ, như vai diễn ông Sơn trong “Về nhà đi con” là một điển hình gần đây nhất khiến nhiều người gọi anh là “ông bố quốc dân”. Nhưng thật sự đã là diễn viên, ai cũng muốn thử sức mình ở nhiều dạng vai, đặc biệt là những vai trái ngược vai mình thường đóng.

Anh chia sẻ: “Diễn viên nào cũng có một dạng vai sở trường, khắc khổ là vai người ta thường ấn định cho tôi, và tôi biết thế. Tuy nhiên, dạng vai diễn mà tôi thích là những nhân vật đa nhân cách, quái đản, bất bình thường, phá nhân cách. Đây là dạng vai khó vì nhân vật có suy nghĩ không giống người thường, khó nhưng lại có rất nhiều “đất” cho người nghệ sĩ sáng tạo bởi chính sự phi logic trong tư duy nhân vật. Với những vai diễn này, nghệ sĩ có thể tìm tòi và cho ra những cách diễn đặc biệt và tạo ra sự khác biệt. Khoảng năm 1995, tôi có đóng một vai như vậy trong phim “Mê lộ” dài hai tập, đó là vai một anh bộ đội về làng bị sang chấn tâm thần, bị điên, suốt ngày đeo ống bơ quanh người, quấn vải đỏ và cầm gậy hô xung phong. Thực sự rất khó để nắm bắt được tư duy của những nhân vật kiểu dạng như thế, điên mà không hẳn là điên. Đó chính là dạng vai mà từ xưa tôi vẫn thích”.

Lương Bổng là vai bất ngờ đem lại hình ảnh khác biệt cho các vai diễn của NSND Trung Anh. Vai diễn đã đưa hình ảnh diễn viên thoát khỏi motuyp Trung Anh mà khán giả thường thấy. “Với chính tôi, vai Lương Bổng cũng là một bất ngờ. Khi nhận kịch bản, tôi không hiểu sao ban giám đốc VFC lại giao vai này cho tôi, đặt lòng tin vào tôi, bởi Lương Bổng là vai hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã đóng. Nhưng chính điều thắc mắc này là động lực để tôi hoàn thành tốt vai diễn. Vào vai Lương Bổng, tôi phải tập trung nhiều và nó kích thích tôi suy nghĩ nhiều hơn tất cả các vai khác. Hình thể tôi gầy gò, làm sao đóng vai giang hồ, vai đàn anh đàn chị hầm hố được. Tôi liều khi đưa cái tôi của mình vào phim, đây là sự khẳng định mình ở một vai trái ngược hoàn toàn với những vai trước kia của tôi, may mà cũng được khán giả đón nhận”.

Năm 2015, Nghệ sĩ Trung Anh giành giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh với danh hiệu “Nam diễn viên chính xuất sắc” trong phim “Những đứa con của làng”. Năm 2017, anh giành giải Cánh diều vàng “Nam diễn viên phụ xuất sắc”. Năm 2019, anh và đoàn làm phim “Về nhà đi con” được nhận bằng khen của Bộ VH-TT&DL; giải thưởng “Nam diễn viên ấn tượng của năm” và Cup truyền hình VTV Awards 2019; được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ nhân dân”.

Tình yêu lớn với sân khấu kịch

Khán giả biết đến NSND Trung Anh nhiều qua các vai diễn trên màn ảnh, nhưng với anh, sân khấu vẫn là tình yêu lớn, đặc biệt là tình yêu anh dành riêng cho sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, nơi đã hun đúc thêm “máu lửa” với nghề trong anh, làm nên tình yêu đã ngấm vào máu thịt người nghệ sĩ. “Tôi luôn mong muốn làm sao để sân khấu kịch nói chung và cụ thể là Nhà hát Kịch Việt Nam, “anh cả đỏ” một thời của sân khấu Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để lấy lại vị trí trong lòng khán giả”, anh bày tỏ.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, sân khấu đã có giai đoạn phát triển vàng son rực rỡ. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, sân khấu dần đi xuống và dường như nó đang ở điểm đáy của hình sin. Khán giả không đến rạp. Nhiều vở hay thì khán giả lại không thích, những vở hài giải trí lại được khán giả hoan hô… Đây là vấn đề của cuộc sống xã hội hiện đại, có quá nhiều áp lực khiến khán giả có tâm lý hướng tới mục tiêu giải trí nhiều hơn là tư duy khi đến với sân khấu. Trong môi trường xã hội ấy, nhiều giá trị khác của sân khấu bị hạ thấp. Đôi khi, những người nghệ sĩ cũng bị ngộ nhận, bị cuốn theo những giá trị ấy.

“Nghệ thuật tất nhiên mang sẵn tính giải trí, nhưng giải trí chỉ là một phần rất nhỏ của nghệ thuật, và lại là phần dễ dãi. Nghệ thuật sân khấu mang trong nó rất nhiều giá trị. Tuy nhiên, để cảm nhận được cái hay, cái đẹp và những giá trị nhân văn của sân khấu thì vẫn đòi hỏi người xem phải có nền tri thức nhất định. Tôi mừng vì thực sự dân trí của chúng ta đang ngày một cao. Tôi vẫn luôn hy vọng và cố gắng để sân khấu, để Nhà hát Kịch Việt Nam có những vở diễn tốt, hay, để kéo khán giả trở lại Nhà hát”, NSND Trung Anh bày tỏ.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận