Liên kết để phát triển mỹ thuật ứng dụng

Làm thế nào để thúc đẩy mỹ thuật ứng dụng trong đời sống hiện đại? Đây là câu hỏi gây nhiều tranh luận...

 

Làm thế nào để thúc đẩy mỹ thuật ứng dụng trong đời sống hiện đại? Đây là câu hỏi gây nhiều tranh luận tại tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và giải pháp”.

Thù lao thấp là nguyên nhân khiến các họa sĩ không mặn mà với mỹ thuật ứng dụng.

Tư duy nhỏ lẻ, rời rạc

Mỹ thuật ứng dụng bao gồm các thiết kế đồ họa; thiết kế mỹ thuật đa phương tiện; thiết kế trang trí nội thất; thiết kế sản phẩm; thiết kế đồ chơi; thiết kế thời trang và phụ kiện; sản phẩm trên các chất liệu như sơn mài, gốm, sứ, mây tre, chạm khắc vàng, bạc, đồng, gỗ, kim loại, vải, tổng hợp... Mỹ thuật ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của con người và phải đảm bảo tiêu chí đẹp, có tính thẩm mỹ cao. Chính bởi vậy, những năm gần đây, các triển lãm mỹ thuật ứng dụng ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp và các nhà sáng tạo, sáng chế. Tuy vậy, thực trạng ngành mỹ thuật ứng dụng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Bên lề Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ IV (2014-2019) đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, Tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 15/10/2019 mới đây, đã nêu lên thực trạng đáng buồn của ngành mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.

Theo nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ Ngô Anh Cơ, lâu nay sinh viên trường này khá “đắt hàng” sau khi tốt nghiệp, thậm chí nhiều người đang trong quá trình học tập đã có doanh nghiệp đến tìm. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy của phần lớn doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở mức độ giải pháp tình thế mà thiếu đầu tư dài hạn. Không ít doanh nghiệp khi có sản phẩm nào đó mới tìm đến họa sĩ và sau khi hoàn thiện sản phẩm thì quên ngay vai trò của người thiết kế, chỉ quan tâm đến thương mại, thu lời, ít quan tâm đến việc đầu tư vào sản phẩm tiếp theo. Mặt khác, các doanh nghiệp có liên quan đến mỹ thuật ứng dụng phần lớn sống bằng việc gia công mẫu mã cho nước ngoài hoặc sửa sang mẫu mã của nước ngoài, chưa có ý thức mua các mẫu của họa sĩ mỹ thuật ứng dụng về sản xuất. Đó là những lý do góp phần làm giảm ý chí sáng tạo của họa sĩ và sự trì trệ của ngành mỹ thuật ứng dụng nước nhà.

Đồng quan điểm với những nhận định của họa sĩ Ngô Anh Cơ, họa sĩ Hồ Nam, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật ngành mỹ thuật ứng dụng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ câu chuyện ở làng nghề Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) khi doanh nghiệp Hermes đặt 1.000 hộp sơn mài với giá từ 2 - 3.000 USD/sản phẩm. “Tính trung bình một ngày, 10 công nhân chỉ làm được 1/2 nắp hộp, có nghĩa nó được chế tác cực kỳ tinh xảo, mọi công đoạn đều làm thủ công.Thậm chí, nghệ nhân đeo kính lúp để làm sản phẩm. Vậy nhưng khi nghiệm thu chính thức chỉ được 250 sản phẩm, còn lại bị doanh nghiệp loại bỏ. Nghệ nhân chúng ta làm được các sản phẩm như thế, tại sao không biết nhân rộng, hay chỉ để doanh nghiệp nước ngoài thuê mới chịu làm?”, họa sĩ Hồ Nam đặt câu hỏi.

Theo nhiều họa sĩ, các cơ sở đào tạo của chúng ta hiện nay đang thực hiện tốt nguyên tắc kết hợp giữa nhà trường và nhà thiết kế, nhưng ra cuộc sống nhu cầu của con người rất khác nhau. Vì vậy, các nhà quản lý cần tách rời hai lĩnh vực là thiết kế và nghệ thuật thủ công. Đây là 2 lĩnh vực rất riêng, lẫn lộn vào nhau sẽ không nhận được những sản phẩm tốt nhất, không đánh giá được tác động tích cực đối với các trung tâm thiết kế, nghệ thuật thủ công.

Rất cần sự liên kết

Trước thực trạng ngành mỹ thuật ứng dụng ở nước ta chưa được coi trọng đúng mức, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, các quốc gia phát triển coi mỹ thuật ứng dụng là ngành kinh tế tri thức và chú trọng đầu tư. Tại các trường chuyên nghiệp, trong 10 chỉ tiêu đào tạo thì có 8 chỉ tiêu là mỹ thuật ứng dụng và 2 chỉ tiêu là nghệ thuật tạo hình. Còn ở Việt Nam, họa sĩ thường được chú ý nhiều hơn nhà thiết kế mỹ thuật. Nhiều nghệ sĩ tạo hình tham gia các hoạt động mỹ thuật ứng dụng để nuôi nghề chính là hội họa nên ít đầu tư cho sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lý giải: “Một bức tranh thường có giá trị cao, tác giả được ghi danh, trong khi một sản phẩm sáng tạo mỹ thuật ứng dụng có thù lao thấp, không mấy ai quan tâm đến tên tác giả. Nhưng nếu cứ giữ quan điểm như vậy thì tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không được dồn nhiều hàm lượng nghệ thuật và ngành này cũng khó bứt phá và trở nên chuyên nghiệp”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 80 cơ sở có đào tạo các ngành mỹ thuật. Mỗi năm có khoảng 9.000 sinh viên ra trường, trong đó, phần lớn thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Đây là nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào nhưng chưa được thúc đẩy và tận dụng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, trong 13.000 hội viên của Hiệp hội trên cả nước, số người hoạt động trong lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ chiếm lượng lớn. Nhưng hầu hết họ đều là thợ lành nghề, thợ lâu năm, chỉ sản xuất những mặt hàng truyền thống, đơn giản, ít tìm tòi, sáng tạo, áp dụng kỹ thuật mới.

Để khắc phục tình trạng rời rạc, tư duy nhỏ lẻ, nhiều ý kiến cho rằng, cần có tiếng nói chung, có sự đồng hành giữa nhà quản lý, nhà làm chính sách, nhà sản xuất và họa sĩ, nhà thiết kế. Đứng ở góc độ đào tạo, bảo đảm đầu ra bền vững cho sinh viên cũng như ý thức về vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong các doanh nghiệp. Ông Ngô Anh Cơ đã đưa ra ví dụ về phương pháp đào tạo ở các nước tiên tiến: Trước khi làm bài tốt nghiệp, sinh viên phải đi liên hệ ở các cơ sở sản xuất để tìm sự hỗ trợ cũng như bảo đảm đầu ra cho thiết kế của mình. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất nhận bảo trợ cho sinh viên sẽ được miễn giảm thuế kinh doanh ở mức độ nào đó. Như vậy, cả ba bên (nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên) đều có lợi./.

“Việt Nam có nhiều làng nghề nhưng chưa kết nối được các công đoạn này. Hiện các nghệ nhân Việt đã biết sử dụng phổ biến internet, vì vậy cần xây dựng trang web riêng, có tính kết nối và phát triển bền vững, kể cả tính dân tộc, tính đặc trưng của vật liệu… cho các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng”. TS. Nguyễn Kim Hương, Khoa Thiết kế thời trang, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận