Chuyện Vua Lý Thánh Tông du ngoạn trên dòng sông Luộc

Chuyến du ngoạn của Vua Lý Thánh Tông xưa nay ít ai biết. Câu chuyện lịch sử này sẽ cho chúng ta rõ hơn về vợ và mộ phần con trai Vua đang nằm bên bờ sông Luộc.

 

Câu chuyện về chuyến du ngoạn của Vua Lý Thánh Tông đã cho chúng ta hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Một dấu ấn di tích lịch sử hiện hữu hàng trăm năm nằm bên bờ sông Luộc (đoạn qua Thái Bình) chưa được đưa vào danh mục xếp hạng. Hàng năm, người dân nơi đây cũng như khách thập phương cứ đến hẹn lại về dự lễ Thánh – tế lễ cầu cho thái bình an dân, bội mùa bội thu và ghi nhớ công ơn của đức Vua ban thưởng.

Chuyến du ngoạn… và kế trăm năm

Ngọc phả triều Lý (Quốc triều lễ bộ chính bản) ghi chép rằng: Vào một ngày đẹp trời, Minh Bảo phu nhân (cung phi thứ 4) xin xa giá cùng với Vua chu du thiên hạ. Trong chuyến đi đó, Vua cùng Minh Bảo phu nhân du thuyền xuôi dòng sông Luộc, đến địa đầu xã Cầu Tùng, huyện Thiên Ngự, phủ Tiên Hưng (thuộc huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), Phu nhân cùng với Vua lên bờ du chơi xem cảnh. Vua đưa mắt nhìn sang trái thấy có một gò đất, trên đó có thế hiển liệt như các vì sao chầu về, như voi ngựa chầu tới, như rồng hổ vây quanh… Thế đất ở giữa bằng phẳng mà nhô lên một gò như hình bông hoa sen, hình trạng như chữ cung cổ. Thánh Tông bèn tiến lại gần chỗ gò đất rồi nói với phu nhân: Gò đất này hình trạng như mâm xôi, đấy là quý địa, nếu táng ở vùng đất này thì trăm năm được hưởng huyết thực vô cùng, đó là chỗ dựa trăm năm về sau cho nàng, Trẫm chọn huyệt ở đó để cho nàng làm phần mộ yên nghỉ sau này.

Các nhà khoa học và sử học cùng nhân dân trong xã đứng trước lăng mộ của Hoàng tử Nhật Chiêu

Thấy Vua Lý Thánh Tông phán như vậy, Minh Bảo phu nhân bèn tâu: Bệ hạ rủ lòng thương đến thân bồ liễu này mà đưa ra kế trăm năm. Thiếp xin nguyện sai lập sinh phần (mộ sống) ở đó. Vua bèn mệnh cho xem tướng địa chọn sinh phần ở chỗ chính huyệt hình chữ cổ, rồi cho lập một cung nhỏ trông ra sông lớn, sai nhân dân sở tại trông giữ. Xong rồi, Vua bèn xa giá về cung.

Sau chuyến du ngoạn này, về đến cung, Minh Bảo phu nhân cảm thấy như có niềm vui, thấy bụng khác lạ rồi cứ lớn dần, biết là có mang. Đến mùng 7 tháng giêng, phu nhân sinh hạ được một người con trai mũi cao, tai to, mắt đẹp, mày thanh. Sinh được khoảng trăm ngày thì nhà vua cho mở tiệc ăn mừng. Được 6 tuổi thì Thánh Tông rất yêu chiều, bèn mệnh phong cho làm Hoàng tử Nhật Chiêu - huý là Chiêu Công tổ chức yến hưởng.

Hoàng tử Nhật Chiêu vừa lên 12 tuổi thì bỗng nhiên bị bệnh đậu mùa, hơn một tháng mà không hề thuyên giảm. Vua và phu nhân chỉ còn biết nhìn mà khóc thương, cũng không biết phải làm thế nào. Được mấy hôm thì Hoàng tử Nhật Chiêu qua đời (bấy giờ là ngày mùng 10 tháng 8). Phu nhân bèn tâu với vua xin đem Hoàng tử về xã Cầu Tùng mà táng ở sinh phần, nhà vua đồng ý ngay. Từ ngày Hoàng tử mất, Minh Bảo phu nhân chán ăn quên ngủ, ngồi nằm bất an, đêm ngày chỉ nhớ thương khóc lóc. Buồn thương nhớ con, Minh Bảo phu nhân bèn xin vua trở về ở cùng dân lập đền nơi sinh phần, Vua đã chấp thuận. Từ đó phu nhân ở trong cung tại xã Cầu Tùng mà lo việc hương đèn phụng thờ Hoàng tử Nhật Chiêu. Nhân dân ở xã Cầu Tùng (trông giữ sinh phần) được miễn thuế phí, nhận nhiều ban thưởng… Nhà Vua còn cử người truyền cho dân chúng biết cách trồng đay, trồng cói để làm chiếu.

Minh Bảo phu nhân ở xã Cầu Tùng mới được 3 năm, vua thương nhớ bèn cho triệu về cung và cho Khôi Công là người rất giỏi về việc nông được trông giữ sinh phần và lăng Nhật Chiêu.

Các nhà sử học cùng nhân dân bên dòng sông Luộc (đội lễ) đến Lăng tẩm của Hoàng tử Nhật Chiêu

Hơn 1 năm sau thì Khôi Công được thăng làm Nông quan đô sát đại phu. Khôi Công phụng thờ sinh phần cứ tuân theo các ngày lễ sóc (mùng 1), vọng (rằm) lớn bé mà làm, chưa từng bỏ sót lần nào.

Khi phu nhân đang ở triều quan, vì quá nhớ con (Hoàng tử Nhật Chiêu), một hôm phu nhân xin vua về chơi ở bản quán, mở yến khao nhân dân. Một hôm phu nhân mộng thấy bắt được một con rùa. Rồi từ đó phu nhân sinh bệnh, ngày một nặng. Trước lúc Phu nhân lâm chung, Thánh Tông đến thăm hỏi, Phu nhân bèn cầm tay Thánh Tông mà nói rằng: “Thiếp đội ơn bệ hạ đã muôn vạn phần, nay số trời khó cải, phần lăng mộ của mẹ con thiếp nguyện xin bệ hạ ghi nhớ đến”. Nói xong rồi phu nhân qua đời (bấy giờ là ngày mùng 10 tháng riêng). Vua bèn cho xây phần mộ lớn, tổ chức lễ an táng ở xã Cầu Tùng. Lập bia ghi lại và giao cho xã Cầu Tùng trông coi để phụng thờ, chuẩn cho Khôi Công giữ lăng mộ.

Xã Cầu Tùng đến triều Lê đổi thành xã Cầu Công. Sau Vua cũng ban 7 Sắc phong về Lăng, miếu ban cho xã Cầu Tùng để phụng thờ lưu truyền hương hoả, cùng vương thịnh với Hộ Quốc Đại Vương. Các đạo sắc phong dưới triều vua Khải Định (1916-1925) sắc cho: “Lý triều Thánh tôn, Đệ tứ cung phi Minh Bảo phu nhân ôn thần” và “Lý triều Bảo Hựu từ chất Nhật Chiêu Hoàng tử Đại vương tôn thần”.

Mong muốn của hậu thế

Một số nhà khoa học, nhà sử học, nhiều thành viên của Cục Di sản văn hóa đã về thôn Cầu Công nghiên cứu và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về di tích lịch sử này.

Một trong những Sắc phong ghi lại dấu ấn Di tích lịch sử

Hiện tại, Ban quản lý di tích tỉnh Thái Bình đề nghị Viện Sử học Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đánh giá về nhân vật Hoàng tử Lý Nhật Chiêu, con trai của vua Lý Thánh Tông (1054-1072) và Di tích lịch sử này - Thần Thành hoàng là Miếu đường tại: thôn Cầu Công, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ ngày được Vua ban thưởng và được sự quan tâm của triều đình, đến nay người dân dọc theo sông Luộc của 3 xã thuộc huyện Hưng Nhân - Hưng Hà, tỉnh Thái Bình phát triển trồng đay, trồng cói (làm chiếu) là ngành kinh tế chủ đạo truyền thống.

Hàng năm, người dân nơi đây tổ chức cúng lễ vào mùng 10 tháng giêng, ngày mất của Phu nhân và Ngày mất của Hoàng tử Nhật Chiêu là mùng 10 tháng 8. Lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, oản, quả. Hàng năm, vào ngày chính lễ Thánh hội mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân thập phương và những người con của quê hương xa xứ trở về dự Thánh lễ dâng hương tưởng niệm Người đã có công ban phước nghề truyền thống, báo thỉnh về miếu thánh đường để tưởng nhớ công ơn./.

Quốc Hưng VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận