Chân dung Mẹ: Nỗi day dứt dưới góc nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng

Những tấm ảnh về các bà mẹ Việt Nam anh hùng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng mang đến cho người xem sự ám ảnh, day dứt.

 

Con tìm về cội nguồn ở M

          Con tìm về cội nguồn ở mẹ, ý tưởng ấy dẫn dắt ống kính của Trần Hồng đến trước mỗi chân dung. Mỗi số phận, mỗi cuộc đời được khắc họa qua từng tác phẩm đã thể hiện công lao trời biển, nỗi đau thương suốt đời mẹ gánh. Mỗi hình ảnh thu vào là một sự ghi chép bằng niềm tôn kính, hiếu nghĩa được dâng lên, niềm xúc động rung lên, tan hòa vào tác phẩm. Hình tượng mẹ qua ống kính của ông là những bà mẹ Việt Nam ở khắp miền đất nước. Những chân dung mà đằng sau mỗi khuôn hình, đằng sau chút vinh quang khi dân tộc tôn vinh bằng niềm tự hào và tôn kính là sức nén chịu góa bụa, u buồn chất chứa, mất mát chìm vào ánh mắt, nếp nhăn và cả nụ cười.

Trong căn gác nhỏ - nơi lưu giữ hàng trăm bức ảnh về Mẹ Việt Nam anh hùng, chúng tôi không giấu được niềm xúc động trước những khuôn hình quá chân thực. Mỗi gương mặt, mỗi số phận hiện ra mồn một, như kể với chúng tôi về một quá khứ đau thương mà anh dũng.

Trầm ngâm trước những tấm ảnh, nghệ sĩ Trần Hồng nâng từng bức, giới thiệu với chúng tôi. Và cứ thế, chúng tôi được “gặp” các bà má miền Nam, các bà mẹ miền Trung, miền Bắc… Má Sáu ở đất Mũi Cà Mau có chồng và 2 con là liệt sĩ, chân dung má được tác giả ghi lại đặc biệt ấn tượng bởi ánh mắt sâu thẳm, đầy ẩn ức, mang mác nỗi buồn và nỗi đau dường như lẩn khuất vào trong. Má đội trên đầu chiếc khăn rằn bạc màu thời gian. Bao bà má miền Nam có nỗi đau mất chồng mất con như má. Nơi miền đất tận cùng Tổ quốc, huyện Hòn Đất, Kiên Giang, nghệ sĩ Trần Hồng tìm đến nhà mẹ Nguyễn Thị Khánh, mẹ của 7 người con liệt sĩ. Bức ảnh mẹ ăn cơm một mình đơn lẻ, cạnh con mèo, trên mâm chỉ có bát nước mắm và con cá, mẹ bưng bát cơm run run, mắt nhìn xa vô vọng, buồn bã, đơn côi. Ông kể, 4 lần đến thì cả 4 lần ông không thể nào chụp được mẹ, 3 lần mẹ khóc, một lần ông khóc. Và phải đến lần thứ 5, ông mới có được tấm ảnh này.

Trở lại mảnh đất miền Trung đau thương mà anh dũng, kiên cường, NSNA Trần Hồng gặp lại các bà mẹ mà cuộc đời họ là những trang sử bi hùng. Mẹ Đào Thị Lách ở Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị có 3 người con trai đã nằm lại chiến trường. Bức ảnh tác giả ghi lại hình ảnh mẹ ngồi ngoài bậc cửa nhìn ra. Nhà mẹ nghèo quá, một xâu ớt khô treo ở cửa ra vào, một chiếc vò đựng nước, 3 cái bát ăn cơm và một cái niêu đất. Khi chụp bức ảnh này, mắt tác giả nhòa đi vì xúc động và nỗi day dứt bởi cuộc sống khốn khó của mẹ.

          Mẹ Phan Thị Chụt ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị có 7 người con thì 4 con trai và 1 con dâu là liệt sĩ, một người con phục viên trở về bị ung thư đã mất. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Bức ảnh tác giả chụp khi mẹ ngồi cắt từng lát sắn để phơi khô phòng khi giáp hạt. Đôi tay mẹ già nua run run, mắt đăm đăm nhìn vào củ sắn, mái tóc mẹ bạc phơ, dáng nhỏ bé trước buổi chiều tà.

          Ở Huế, ai cũng biết mẹ Nguyễn Thị Diệp 6 lần nhận giấy báo tử, mỗi lần như vậy mẹ ốm liệt giường. Nỗi đau mất 6 người con, mẹ chẳng còn nước mắt để khóc, người mẹ khô đét, đôi mắt trũng xuống, luôn hướng về cõi xa xăm. Tác giả khi chụp bức ảnh mẹ mà lòng trĩu nặng, xót xa, day dứt.

          Trên mảnh đất Thủ đô, NSNA Trần Hồng cũng có những tác phẩm về mẹ. Có một câu chuyện về mẹ Đinh Thị Vân ở số 8, Cửa Đông, Hà Nội rất xúc động. Đó là khi tác giả đến nhà đưa tấm ảnh chụp mẹ thì mẹ đã qua đời trước đó một ngày.

NSNA Trần Hồng đã có 20 giải thưởng về ảnh trong nước và quốc tế.

“Tác phẩm không lời xanh nhân gian”

          Cuộc họp mặt chân dung các bà mẹ Việt Nam ở khắp miền đất nước trong ống kính Trần Hồng đã cho chúng ta hình dung rõ hơn về những chiến công thầm lặng mà mỗi bà mẹ ở xứ sở này đã dâng hiến, hy sinh. Những đứa con của mẹ ra đi và mãi mãi không trở về, mẹ chỉ còn nỗi đau âm thầm xa xót với tuổi già cô quạnh. Nhìn mẹ qua ánh mắt, mái đầu bạc phơ, đôi bàn tay nhăn nheo thời gian và màu áo cũ phai, chúng ta không giấu được nỗi thương kính trào dâng, lòng biết ơn vô hạn.

          Niềm vui của người cầm máy là ghi nhận vào ống kính của mình hết thảy mọi cảm xúc của nhân vật, khoảnh khắc vàng mà không thể diễn tả được bằng lời, nói như nhà thơ Văn Hiền là “tác phẩm không lời xanh nhân gian”.

          Rất nhiều lần trở lại thăm nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng ở khu tập thể 3A, đường Thành - nơi lưu giữ bao nhiêu ký ức một thời lăn lộn với nghề qua những khuôn hình khắc khoải về mẹ Việt Nam, tôi đã nhiều lần lặng đi trước những tấm ảnh về mẹ Thứ trước mâm cơm cúng các con, hay những tấm hình mẹ Việt Nam khắp mọi miền Tổ quốc mà ông ghi lại trong mỗi chuyến đi.

          NSNA Trần Hồng từng tâm sự: “Tự bao giờ tôi chẳng nhớ, tôi chỉ biết ống kính máy ảnh - phương tiện nghiệp đời của tôi đã dồn cả về mẹ, khao khát đến đam mê để khám phá, để khai thác phẩm chất tiềm ẩn tuyệt vời của mẹ. Đứng trước mỗi bà mẹ, tôi như được chở che. Trong khuôn hình máy ảnh có hình bóng mẹ tôi. Tôi được vơi đi nỗi nhớ và cảm nhận an toàn”.

Điều trăn trở ấy đã thôi thúc cái tâm của người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo, thu nhận bằng tất cả trái tim và khối óc để có thể ghi lại hình ảnh mỗi chân dung, mỗi số phận, mỗi cuộc đời về mẹ mà không ai giống ai. Bằng đức tính khiêm nhường, tài năng, sự đam mê và sức đi mải miết, nghệ sĩ Trần Hồng đã tạo ra một cuộc hội ngộ các chân dung về mẹ - Mẹ Việt Nam anh hùng, để chúng ta có thêm một lần gặp lại giọt sữa và lời ru, gặp lại những chiến công mà ta lập được có gốc rễ, cội nguồn./.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng vốn là phóng viên chuyên ảnh của báo Quân đội Nhân dân. Ông đã có các cuộc triển lãm: “Chân dung những người thường gặp” (12/1992), “Chân dung mẹ” (12/1995), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần tôi được gặp” (8/2006), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc” (5/2009). Trần Hồng đã có 20 giải thưởng về ảnh trong nước và quốc tế.

Vân Khánh 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận