Tranh giả, tranh thật: Khó kiểm chứng với cả tác phẩm triệu đô

Tình trạng tranh nhái, tranh chép ngày một nặng nề và có nguy cơ lan rộng.

Trước khi bức tranh “Gia đình” được cho là của họa sĩ Lê Phổ được nhà đấu giá Sotheby’s bán ra với mức giá dự kiến từ hơn 190.000 đến hơn 310.000USD tại Hồng Kông (Trung Quốc) thì nhà sưu tập Nguyễn Đức Tiến ở Hà Nội đã gửi thư phản ánh lỗi của bức tranh. Nhân vật trong bức tranh là một người đàn bà có hai bàn tay trái. Tuy nhiên, bức thư đầu tiên của anh không nhận được phản hồi từ nhà đấu giá. Tới khi còn 1 tuần nữa đến phiên đấu giá, nhà sưu tập Nguyễn Đức Tiến đã phải đề nghị, nếu không được trả lời một cách đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm thì anh sẽ gửi thông tin nghi vấn của mình đến cộng đồng những sinh viên học tại Học viện Nghệ thuật Sotheby trên thế giới. Bức thư thứ 3 của anh khi ấy mới được Giám đốc Sotheby toàn châu Á trả lời. Nhà sưu tập Đức Tiến chia sẻ, đó là tranh chép, giả Lê Phổ, nhưng rồi bức tranh ấy vẫn được bán với giá gần nửa triệu đô.

Trong xu thế cơn khát tranh “mỹ thuật Đông Dương” đang dâng cao ở trong nước, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước thực tế có những bức tranh rởm “qua mặt” các nhà đấu giá quốc tế, đặc biệt là vụ việc 17 bức tranh trở về từ châu Âu của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Từ nước ngoài, những bức tranh ấy được đánh bóng nguồn gốc, tên tuổi, thậm chí phù phép bằng mọi cách cho phù hợp. Điều bà ngạc nhiên hơn là tại sao khi họa sĩ mất đi thì tranh của họ lại xuất hiện ngày càng nhiều.

“Tại sao bây giờ xuất hiện nhiều tranh của Mai Trung Thứ thế! Ông mất năm 1980 và đã chốt lại sự nghiệp của mình với 3 triển lãm.  Chủ đề triển lãm cuối cùng như một bản di chúc tổng kết lại “Thế giới thơ của Mai Thứ” vào năm 1974. Trước kia ông chỉ vẽ 1 nhân vật thì với triển lãm cuối, ông vẽ mẹ con theo kiểu phong cách Nhật Bản, con người được kéo dài và mắt nhỏ xíu. Khi nghiên cứu như thế mới hiểu những niên đại đó rất rõ ràng. Thế nhưng bây giờ tôi thấy chữ ký của Mai Thứ rất dễ bắt chước và triện thì lờ mờ. Trong khi tranh của Mai Thứ tùy cái mới đóng triện chứ không phải cái nào cũng có” -  bà Hải Yến chia sẻ.

Cách đây không lâu, bức tranh lụa “Vỡ mộng” của danh họa Tô Ngọc Vân (vẽ năm 1932)  đã được bán với giá hơn 1,1 triệu đô la Mỹ, tương đương 27 tỷ đồng Việt Nam tại nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến vẫn có những nghi ngại khi bức tranh này khá giống với kết cấu bức tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1933: “Nhân vật nữ trong tranh của ông Phan Chánh cũng giống như thế, ngồi kiểu như thế. Giống nhau nhất là đi đôi hài, tóc cũng đang chải, cũng ngồi chống chân như thế... Một số nhà nghiên cứu bạn tôi cho là có khi ông Chánh và họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng chung 1 người mẫu. Nhưng tôi nghĩ trường hợp đó không phải là ngẫu nhiên. Điều này phải có những chuyên gia giỏi hơn tôi mới nhìn ra được những vô lý và cái nào là bắt trước của nhau”.  

Như vậy, không chỉ trong nước mà ngay cả các sàn đấu giá quốc tế cũng có tranh giả, dù rằng, về hình thức các tác phẩm xuất hiện ở đây đều có giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc. Vì vậy có thể khẳng định rằng, tranh được đưa lên sàn đấu giá chưa chắc là tranh thật và tranh thật chưa chắc đã xuất hiện tại các phiên đấu giá, luôn có sự mập mờ và khó kiểm chứng, thậm chí với những tác phẩm triệu đô./.

Phương Thúy 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận