Nhà văn Phạm Tường Hạnh: Cánh sếu bay trên đồng cỏ Tháp Mười

Phạm Tường Hạnh là nhà văn lão thành cách mạng, đã từng từ Bắc vào Nam hoạt động cách mạng từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước.

 

Ông là con của nhà nho yêu nước Phạm Trọng Điềm - nhà túc nho uyên thâm Hán Nôm đã từng là dịch giả những tác phẩm lớn: Đại Việt sử ký toàn thư, Quốc âm thi tập, Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú.

Hồi ấy vì gia đình nghèo khó tha phương cầu thực rồi được Đảng giác ngộ và sau đó tham gia khởi nghĩa tại Sài Gòn năm 1945. Nhà văn Phạm Tường Hạnh sinh năm 1920  tại Thái Bình, trong kháng chiến chống Pháp ông từng làm Trưởng ty Thông tin ở tỉnh Thủ Dầu Một (bây giờ là Bình Dương), rồi đi giải phóng quân làm chủ bút báo Quân khu 8 - một tờ báo lớn ở Nam bộ lúc bấy giờ.

Nhà văn Phạm Tường Hạnh là nhà văn tài hoa, tự học, cần cù ngày qua ngày với chiếc máy chữ cộc cạch mà làm nên những tác phẩm, những áng văn hay và bình dị, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc như “Vợ chồng Bảy Thẹo”, “Búp bê Đức sang Việt Nam”, “Buổi sáng trên Bến Nhà Rồng”, “Giọt mật cho đời”, “Đất Sài Gòn”, “Bức thư tìm cha”… và nhiều tác phẩm khác.

Nhà văn Phạm Tường Hạnh ngồi chính giữa (hàng đầu) cùng một số nhà văn khác.

Tôi và nhà văn Phạm Tường Hạnh là bạn bè kết nghĩa hơn nửa thế kỷ, từ khi tập kết ra Bắc năm 1954.

Tôi từng là phóng viên đặc biệt ở Đài Tiếng nói Việt Nam, đã cùng Phạm Tường Hạnh đi khắp nơi trên đất nước từ núi rừng Việt Bắc đến hải đảo Vân Đồn, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, đến miền đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh,…Từng đi theo Bác Hồ và các lãnh tụ thăm các trận địa, thăm nhân dân thôn cùng, nẻo hẻm. Và đất nước giải phóng, cùng nhau đi khắp miền Nam như xe song mã: Khi thì với bác Nguyễn Tuân, khi thì đi với Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, khi thì đi với Nguyễn Khải, Nguyễn Văn Bổng…

Nhà văn Phạm Tường Hạnh như con ong thợ chăm chỉ “vơ vét trăm hoa dành được mật” để ngọt bùi cho đời. Ông là họa sĩ vẽ chân dung bằng văn. Ông là một nhân cách, không bao giờ “gõ cửa” ai, chứ ông là nhà cách mạng từ trước cách mạng tháng 8, bạn bè nhiều, có khó gì chức này, chức nọ. Việc cháu Phạm Minh Hòa - con gái ông sinh ra từ chiến khu Đồng Tháp Mười - học sinh miền Nam tập kết, việc du học Nga lúc ấy là dĩ nhiên nhưng khi có trục trặc về hồ sơ, tôi tự động đưa thư cho Bộ Giáo dục - Phòng Giáo dục miền Nam để cháu đi Liên Xô học nhưng ông cũng phân vân e ngại “nhờ vả” nên không muốn làm. Ông là người chân thật, không muốn phiền hà ai. Đó là tính cách của Phạm Tường Hạnh. Tôi nể phục ông và kính trọng ông.

Về văn chương cũng vậy, ông chân thật như sắn, như khoai, ông thuận tay với thể ký sự. Ông bảo, nhân vật của ông không cần hư cấu cũng đẹp như giai thoại. Tôi đã từng cộng tác với ông trong nhiều tác phẩm, kể cả tiểu thuyết ông cũng dựng lại bằng thể ký sự.

Việc “Vua Phật Lưu Công Danh đi kháng chiến”, tôi và Phạm Tường Hạnh đi tận Kiên Giang gặp ông “Phật sống” Lưu Công Danh. Cả cuộc đời “Phật sống” như huyền thoại. Nhà văn Phạm Tường Hạnh đã tạo nên một thiên phóng sự hấp dẫn đến nổi nhà văn Nguyễn Khải phải thốt lên: “Phạm Tường Hạnh cây càng già, trái càng ngọt. Thiên ký sự của Phạm Tường Hạnh làm đảo lộn cả sinh hoạt gia đình tôi. Bao giờ báo buổi sáng tôi cũng được ưu tiên đọc trước, thế nhưng khi báo Nhân dân và báo Sài Gòn Giải phóng in nhiều kỳ ký sự của ông thì vợ con giành đọc ngay, tôi phải đọc sau cùng vậy!”

Nhà văn Phạm Tường Hạnh đồng thời là một nhà điện ảnh, ông viết kịch bản phim truyện “Ngọn lửa Krông Dung” - xưởng phim Giải phóng dựng, được nhiều nhà điện ảnh như Mai Lộc, Hồng Sến và bạn bè rất hoan nghênh. Ông còn viết kịch bản phim tài liệu và được Đài Truyền hình TP.HCM - HTV thể hiện nhiều kỳ. Tôi cũng là nhân vật, chân dung nhà văn của ông.

Phạm Tường Hạnh mất cách nay 8 năm (năm 2012) ở tuổi 93, là một cây đại thụ, một cội tùng có nhân cách, có tiếng tăm, một nhà báo xuất sắc khi ông viết phóng sự về cuộc thi đấu SEA Game ở Indonesia, đăng nhiều kỳ ở báo Văn nghệ, bạn đọc chờ đợi, đón chào, ngưỡng mộ ông…

Nhân 100 năm ngày sinh của ông, nhớ ông, xin thắp nén hương. Ông là cánh sếu bay trên đồng cỏ Đồng Tháp Mười mênh mông. /.

Bến Nghé, hè 2020!

                                                                                                                                   Nhà văn Đoàn Minh Tuấn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận