Thanh Hóa: Các xã 'đặc biệt khó khăn' chỉ còn là quá khứ

Thanh Hóa sẽ sớm triển khai những giải pháp để giảm nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn.

 

Tích hợp các chính sách, loại bỏ các chính sách cho không, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư ... là những giải pháp mà Thanh Hóa mong sớm được triển khai để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Tỉnh Thanh Hóa có 30 xã thuộc 6 huyện (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn) thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững cho các xã, các đối tượng, đặc biệt là các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, từ năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều tiểu dự án (DA) có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương. Cụ thể, tại các xã bãi ngang đã có gần 140 công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, như: đường giao thông nông thôn, trường học, kênh mương tưới tiêu, trạm y tế, kè chống triều cường, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 182,4 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 157 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 25,3 tỷ đồng, còn lại huy động từ nhân dân và các nguồn vốn khác).

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng tập trung triển khai 107 DA hỗ trợ phát triển sản xuất, 17 DA nhân rộng mô hình giảm nghèo, thu hút 4.470 hộ tham gia, bao gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các hộ có chủ hộ là nữ, với sự tham gia quản lý, giám sát của UBND và UBMTTQ các cấp. Thông qua các DA, các xã đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng chất lượng, có năng suất cao vào sản xuất.

Dạy nghề cho lao động nông thôn ở Thanh Hóa.Từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình, DA trên, đến nay, Thanh Hóa có 24 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi diện đầu tư của chương trình, trong đó, 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 10 xã lên phường. Toàn tỉnh còn 6 xã thuộc diện ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; các xã thuộc huyện Quảng Xương và Nga Sơn đã thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Theo đó, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là: 9,25% (xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia); xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là: 1,97 (phường Quảng Cư - xã Quảng Cư cũ, thành phố Sầm Sơn). Bình quân giai đoạn 2016 – 2020, xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm lớn nhất là: 4,96%/năm (phường Quảng Hùng - xã Quảng Hùng cũ, thành phố Sầm Sơn), xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất: 1,91%/năm (xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn - huyện Tĩnh Gia cũ).

Trao đổi với PV Báo VOV, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Những kết quả đạt được của Chương trình giảm nghèo tại các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là rất quan trọng trong điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của Thanh Hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện mục tiêu như: Mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hảo đảo thấp: 1 tỷ đồng/năm nhưng thủ tục đầu tư dự án còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít. Mức vay cho một số chương trình tín dụng còn thấp; vẫn còn hiện tượng hộ nghèo vay vốn sử dụng chưa đúng mục đích; tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu còn xảy ra. Mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thấp - các dự án do cơ quan cấp tỉnh thực hiện không quá 400 triệu đồng/mô hình, UBND cấp xã thực hiện không quá 300 triệu đồng/mô hình). Ngoài ra, khâu tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, vẫn có tư tưởng muốn ở lại danh sách huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản ĐBKK để được thụ hưởng các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chương trình giảm nghèo cho các xã này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa - ông Lê Minh Hành đề xuất: “Thời gian tới, cần tiếp tục tích hợp chính sách, bỏ các chính sách cho không, chỉ duy trì các chính sách hỗ trợ cho không thuộc lĩnh vực về y tế, giáo dục; bổ sung một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ mới thoát nghèo có điều kiện (kéo dài thời gian cho vay, thêm định mức cho vay để mở rộng phát triển sản xuất) để thoát nghèo bền vững; tiếp tục tăng mức vay và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất, chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò...  Tăng mức hỗ trợ đầu xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đối với địa bàn các xã ĐBKK, đồng thời có cơ chế phù hợp, đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư”./.     

 

Bình luận

    Chưa có bình luận