Quán trà đá, quán ăn vỉa hè ở Hà Nội ngang nhiên hoạt động: Chính quyền cơ sở có hay?

Không hiếm để bắt gặp hình ảnh các quán trà đá, quán ăn vỉa hè ngang nhiên hoạt động trên các đường phố ở các quận Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình…

 

Đã hơn 1 năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ nhiều nước trên thế giới mà cả Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch gây ra. Đến thời điểm này, chúng ra vẫn đang căng mình chống dịch bằng nỗ lực của tất cả các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới địa phương và cả xã hội.

Còn nhớ, trong nhiều đợt dịch trước, chúng ta đã khoanh vùng, dập dịch và kiểm soát khá tốt bằng sự quyết tâm, nỗ lực của cả xã hội. Từ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự làm việc không ngừng nghỉ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương và các địa phương; bằng sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu là những chiến sỹ áo trắng, lực lượng quân đội, công an, hải quan,…

Trong những thành quả đó, không thể không kể đến sự quyết tâm của cả xã hội, mà trong đó là cá nhân từng người dân và các tổ dân phố, phường/xã cơ sở. Người dân nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo, quy định về giãn cách, cách ly, chấp nhận đóng cửa hàng, hy sinh về kinh tế. Các tổ dân phố, phường, xã cơ sở ráo riết trong việc khoanh vùng, hướng dẫn, nhắc nhở người dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Một số quán ăn trên đường Quang Trung (Hà Đông) vẫn bày bàn ghế ra vỉa hè đón khách vào ăn (Ảnh: Hà Thủy)

Giờ đây, chúng ta vẫn đang đối phó với đợt dịch mới ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong đợt dịch này, cùng với sự vất vả, hy sinh của những đội ngũ tuyến đầu còn là những thiệt hại nặng nề đang hiển hiện trong toàn xã hội. Đó là nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản sau thời gian dài vì dịch, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người bị mất việc… Hậu quả đang hiển hiện rõ nhất là bà con các vùng bị dịch như Hải Dương, Hải Phòng… và ngay cả ở Thủ đô Hà Nội, nông sản gần như không tiêu thụ được. Cả năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ mong đến vụ thu hoạch tiêu thụ được sản phẩm thì lại gặp đúng dịp dịch bùng phát, gần như công sức của họ đổ xuống sông xuống biển, nhiều nhà rơi vào cảnh mất trắng, nợ nần.

Vậy nhưng, ở đâu có vẫn còn những cá nhân và địa phương chưa nghiêm túc trong việc phòng chống dịch. Ngay tại Thủ đô, mặc dù đã có những quy định về đeo khẩu trang, giãn cách trong các quán ăn, nhà hàng nhưng ở những nơi công cộng, vẫn không hiếm trường hợp không đeo khẩu trang. Đặc biệt, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 15/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đóng cửa các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè từ 0 giờ ngày 16/2, để ngăn chặn dịch bệnh nhưng nhiều quán ăn trên đường Quang Trung (Hà Đông), các quán trà đá ở gò Đống Đa, quán bia trên đường Tố Hữu (Hà Đông), quán nước ở Quán Thánh…và nhiều nơi khác ở Hà Nội vẫn ngang nhiên tụ tập đông khách đến ăn, uống trên vỉa hè và không thực hiện các quy định về phòng chống dịch.

Thật đáng buồn, trong khi tất cả các ngành, các cấp và cả xã hội đang nỗ lực, dồn sức chống dịch, lại đâu đó vẫn diễn ra tình trạng lơ là, thậm chí coi thường dịch bệnh. Chúng ta cũng đều biết, phần lớn việc dịch bùng phát cũng là cho tâm lý chủ quan của con người, với cơ chế lây lan và chủng virus mới, khó có thể khẳng định được điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không phòng, chống và kiểm soát tốt từ ý thức của mỗi người dân, từ chính quyền, tổ dân phố cơ sở. Và thực tế cũng đã minh chứng, khi chúng ta làm tốt những việc này, công tác phòng chống, kiểm soát dịch mới có hiệu quả.

Chúng ta đã có những quy định, cơ chế khuyến khích người dân, tổ chức tự giác tham gia trong công tác phòng chống dịch nhưng cũng đã có những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn những ai đi ngược lại với sự nỗ lực, với lợi ích cộng đồng. Nhiều người không chấp hành các quy định về phòng chống dịch đã bị xử phạt hành chính, thậm chí bị khởi tố.

Người đứng đầu Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cũng đã có những chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những cá nhân, địa phương, người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm về phòng chống dịch.

Còn tại Hà Nội, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong các lần dịch trước và mới đây ngày 4/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Chỉ thị cũng nêu rõ: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị.

Vậy với những vi phạm về phòng chống dịch đang xảy ra ở một số phường/xã trên địa bàn Hà Nội, tổ dân phố cơ sở, chính quyền các nơi này liệu có biết, hay có tình trạng dung túng cho các cơ sở, cá nhân kinh doanh bất hợp pháp? Vai trò của người đứng đầu ở đây như thế nào?

Thiết nghĩ, dù bất cứ lý do gì, những sai phạm trong phòng chống dịch ở cơ sở cần phải làm nghiêm và triệt để, không chỉ để răn đe và quan trọng nhất là không làm uổng phí công sức, sự hy sinh của cả xã hội./.

An An/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận