Tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng dịch: Không phải chỉ bằng tình thương, giải cứu

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sản phẩm nông nghiệp tại nhiều địa phương bị ùn ứ, gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân.

 

Tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500ha rau màu, 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn lượng nông sản này đang bị ùn ứ do quy định phòng chống dịch của một số địa phương giáp ranh với tỉnh Hải Dương.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc HTX Đức Chính tại huyện Cầm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết, sản lượng cà rốt của HTX mới chỉ tiêu thụ được 30%: “Tới thời điểm này rất mong cơ quan chức năng của các tỉnh, thành đã khống chế được dịch tạo điều kiện cho các hộ thu mua nông sản đi qua các chốt trong thời gian nào đó để đảm bảo cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương được thuận lợi”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn lượng nông sản này đang bị ùn ứ do quy định phòng, chống dịch của một số địa phương giáp ranh với tỉnh Hải Dương.

Tại thành phố Hải Phòng, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại đây được thắt chặt nên việc tiêu thụ nông sản cũng gặp khó khăn do thương lái của Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội bị hạn chế ra vào thành phố.

“Nhà tôi trồng tất cả 5,5 sào ngô, bình thường thì trong năm lúc chưa có dịch bán được một chút, nhưng bây giờ vì dịch Covid-19 nên tôi không bán được. Trước đây, có thương lái ở Quảng Ninh xuống thu mua nhưng vì dịch nên người ta bị cấm không vào đây được”, ông Ngô Văn Tuấn, nông dân bán rau củ quả tại xã Đại Độ, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng cho biết.

Nông dân Hải Dương đang rất cần những giải pháp lâu dài để giúp tiêu thụ nông sản trong mùa dịch.

Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, Đoàn thanh niên thành phố Hải Phòng đã phối hợp cùng Đoàn thanh niên các quận, huyện tổ chức các sạp hàng “nông sản 5k” hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản.

“Huyện đoàn cũng rất bất ngờ khi nhận được nhiều đơn tiêu thụ gấp cho bà con. Thanh niên tình nguyện tại các xã đã thâu đêm suốt sáng và thông trưa giúp bà con từ 19h tối đến 23h đêm và 4h30 sáng đã có mặt để bốc xếp hàng hỗ trợ cùng bà con. Chúng tôi thấy xúc động với các sự tình nguyện của các bạn, đó sẽ là niềm vui của bà con cũng là động lực giúp các thanh niên tình nguyên quên hết các mệt mỏi để tiếp tục đồng hành cùng bà con”, chị Mai Đàm Thanh Vân, Bí thư huyện đoàn Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng chia sẻ.

Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, Đoàn thanh niên thành phố Hải Phòng đã phối hợp cùng Đoàn thanh niên các quận, huyện tổ chức các sạp hàng “nông sản 5k” hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, ngay khi xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, địa phương đã có chỉ đạo tới từng huyện, thị xã, thành phố về việc vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng dịch bằng cách làm việc với tiểu thương tại các chợ dân sinh, các siêu thị và Trung tâm thương mại trên địa bàn để đưa nông sản đến tay người tiêu dùng với giá cả phù hợp, an toàn.

Tỉnh Quảng Ninh đã giúp tiêu thụ nông sản của nông dân trong vùng dịch bằng cách làm việc với tiểu thương tại các chợ dân sinh, các siêu thị và Trung tâm thương mại trên địa bàn để đưa nông sản đến tay người tiêu dùng với giá cả phù hợp, an toàn.

“Với việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho 12 xã của thành phố Hạ Long đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và vùng dịch thị xã Đông Triều thì chợ Hạ Long 1 cũng đã có những gian hàng để hỗ trợ bán sản phẩm. Đối với việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng dịch thì chợ Hạ Long 1 và các đầu mối, thương lái ở đây luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ”, ông Trần Xuân Cường, trưởng Ban quản lí chợ Hạ Long 1, thành phố Hạ Long nói.

Các chương trình, kế hoạch giải cứu nông sản của Đoàn Thanh niên hay chính quyền địa phương chỉ là giải pháp tạm thời và mang tính cục bộ, nội tỉnh. Để hạn chế thiệt hại cho người nông dân, góp phần bình ổn thị trường, rất cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả và lâu dài nhằm lưu thông hàng hóa vừa đảm bảo được công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa ổn định đời sống cho bà con nông dân./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận