Thẻ BHYT mẫu mới có tránh được trục lợi và gian lận?

Không có văn bản nào hạn chế số lần khám chữa bệnh BHYT của người dân. Việc ban hành mẫu thẻ BHYT mới là hướng đến quyền lợi của người bệnh.

 

Sáng 24/3, tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề mẫu thẻ BHYT mới, ông Nguyễn Trung Quý, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, không có một nội dung nào là hạn chế số lần khám chữa bệnh của người có BHYT. Việc khám chữa bệnh BHYT của người dân là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.

Nhiệm vụ của cơ quan BHXH là khi người dân có thẻ BHYT đến cơ sở khám chữa bệnh xuất trình đầy đủ các thủ tục và yêu cầu điều trị thì nhiệm vụ của cơ sở khám chữa bệnh phải là nơi tiếp nhận và thực hiện mọi quy định thủ tục ban đầu và khám chưa bệnh của người dân. Trên cơ sở những chứng từ mà cơ sở khám chữa bệnh đó tạo lập, cơ quan BHXH sẽ tổ chức thanh toán đầy đủ theo đúng quy định cho cơ sở đó.

Ông Nguyễn Trung Quý, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Ông Quý cũng cho biết, sau khi người dân khám chữa bệnh BHYT, BHXH có trách nhiệm định hướng nơi, cơ sở, địa phương có tần suất khám chữa bệnh của người dân.

“Có trường hợp số khám chữa bệnh tăng lên nhưng không phải là lạm dụng. Có những khu vực do nguyên nhân khách quan làm số lần khám chữa bệnh BHYT tăng. Tùy theo trường hợp gia tăng tần suất của từng nơi, từng khu vực, từng cá nhân thì mới phân định được. Nếu gia tăng số lần khám chữa bệnh thực sự xuất phát từ trục lợi, lạm dụng thì sẽ có hình thức xử lý”- ông Quý nêu rõ.

(Ảnh minh họa)

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho biết, để chống lạm dụng việc sử dụng thẻ BHYT, theo quy định của pháp luật, mỗi người dân cần phải mang theo thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân đến cơ sở khám chữa bệnh. Quyền lợi không hạn chế người dân số lần khám, nhưng trách nhiệm của cơ quan BHXH và của cơ sở khám chữa bệnh là phải đối chiếu, xác định đúng người, đúng thẻ, tránh tình trạng lạm dụng, mượn thẻ BHYT.

Ông Nguyễn Tất Thao, Phó Giám đốc Trung tâm giám định và đa tuyến Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, theo quy định của Thông tư 48 của Bộ Y tế, khi cơ sở khám chữa bệnh thanh toán BHYT xong cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm đưa chi phí đó lên hệ thống giám định.

“Nếu cơ sở nào cũng thực hiện ngay việc đó thì toàn bộ dữ liệu của người bệnh đã được thanh toán ở cơ sở này thể hiện lên Cổng thông tin giám định. Trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh là tra cứu lịch sử khám chữa bệnh trên Cổng thông tin giám định. Trong trường hợp tất cả các cơ sở khám chữa bệnh cùng thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế thì sẽ phát hiện ra được người bệnh đó đã đi khám bệnh, chữa bệnh ở đâu và đã được thanh toán, chẩn đoán, chỉ định như thế nào để cơ sở khám chữa bệnh sau căn cứ vào lịch sử đó để chỉ định cho người bệnh những phần không bị trùng lặp”- ông Thao cho hay./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận