Sốt ruột đợi chờ đi xuất khẩu lao động

Thị trường xuất khẩu lao động "tắc nghẽn", nhiều người lao động dù đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đóng các loại phí đi xuất khẩu lao động bị mắc kẹt vô thời hạn

Để hoàn thiện thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Cảnh ở xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội đã phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 100 triệu đồng. Theo kế hoạch, anh Cảnh sẽ được xuất cảnh từ giữa 2 vừa qua, tuy nhiên vì lý do dịch COVID-19 nên bị hoãn lại. Tới nay đã gần nửa năm trôi qua nhưng anh Cảnh cũng chưa có thông tin về việc khi nào thì có thể đi xuất khẩu lao động bởi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong khi chưa đi được thì anh Cảnh và gia đình đều rất sốt ruột bởi khoản tiền lãi ngân hàng hàng tháng đang phải trả.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Hoài Thu ở Diễn Châu, Nghệ An chia sẻ,  chuyến bay của chị dự kiến vào khoảng tháng 2/2021 nhưng đến giờ vẫn chưa biết đến khi nào chị mới đi được. Tiến thoái lưỡng nan, nếu bỏ dở lúc này, chị Thu có thể mất trắng số tiền đã nộp vào công ty xuất khẩu lao động. Mong muốn lớn nhất của chị Thu lúc này là dịch sẽ sớm được kiểm soát để việc xuất cảnh không bị trì hoãn thêm nữa.

Anh Cảnh, chị Thu đang nằm trong số hàng chục nghìn lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài hiện đã đủ điều kiện nhưng chưa thể xuất cảnh bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trên thực tế, nhiều lao động dù đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục nhưng chưa thể xuất cảnh bởi hầu hết các thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài do dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động cũng làm cho những người lao động đã trúng tuyển và làm hồ sơ không thể đi nước ngoài được. Theo thống kê từ Bộ LĐ- TB&XH, hiện nay có hơn 40 nghìn lao động chưa thể xuất cảnh đang trong tình trạng chờ đợi, lo lắng. Cũng theo Bộ LĐ- TB&XH, tháo gỡ khó khăn trong việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng từ phía bạn và chính sách biên giới từ các nước này.

Vì thế, bao giờ hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc có thể phục hồi là câu hỏi rất khó trả lời, bởi không chỉ những khó khăn trong nước mà còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các nước tiếp nhận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù khó khăn do tình hình chung, song lại là "giai đoạn vàng" để tạo nguồn lao động, giúp người lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi các thị trường lao động khơi thông trở lại.

Theo các chuyên gia, người lao động khi muốn đi làm tại các thị trường lao động chất lượng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay các nước Trung Đông đều phải qua quá trình đào tạo hơn 6 tháng. Sau đào tạo còn phải chờ đợi đơn hàng từ doanh nghiệp ở nước bạn rồi mới đưa được lao động xuất cảnh. Thế nên việc đào tạo cũng cần được tiến hành từ bây giờ, để khi tình hình dịch bệnh ổn định sẵn sàng có đủ nguồn lao động xuất cảnh. Người lao động có nhu cầu nên chủ động học nghề, ngoại ngữ để có đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao.

Bình luận

    Chưa có bình luận