Tập trung chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch

Ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

 

Ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Văn hoá,  Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định 2292/QĐ-BVHTTDL ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực du lịch. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Du lịch dần thay đổi hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch ở nhiều quốc gia đang thúc đẩy áp dụng công nghệ số, đồng thời coi đây là giải pháp đột phá để quảng bá hình ảnh, thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thế giới cũng chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu kết nối trực tuyến để duy trì các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Các công cụ trực tuyến ngay lập tức phát triển mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi trong giao tiếp xã hội, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, giao dịch thương mại,... và dần trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội hiện nay.

Đặc biệt trong ngành du lịch, các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán ngày càng nở rộ. Nhiều mô hình du lịch ảo ra đời thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Bởi vậy, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách.

Ngành du lịch đang thúc đẩy áp dụng công nghệ số.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trên thế giới, ngành du lịch nhiều quốc gia đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Cụ thể hoá chương trình hành động

Theo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, đối với nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch, Bộ VH-TT&DL chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về du lịch; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và số hoá tài nguyên du lịch Việt Nam; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Việt Nam; thống nhất công tác thống kê du lịch ở Trung ương và địa phương.

https://travelpass.tourism.vn và https://safe.tourism.com.vn là hai trang web do Trung tâm Thông tin du lịch xây dựng

Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó giám  đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch, cho biết: “Nhận thức rõ về xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược của chuyển đổi số, trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và xúc tiến quảng bá du lịch. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch”.

Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin du lịch cũng phối hợp với các bên liên quan, phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở. Phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ du khách. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch ươm mầm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá. Hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch.

https://travelpass.tourism.vn và https://safe.tourism.com.vn là hai trang web do Trung tâm Thông tin du lịch xây dựng nhằm đáp ứng chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Trang web cung cấp hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine Covid-19, kết nối thông tin du lịch an toàn từ địa phương đến cơ quan quản lý ở Trung ương góp phần kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách.

“Trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia vào cuộc CMCN 4.0, phát huy lợi ích của công nghệ số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hoàng Quốc Hòa nói.

Nổi bật nhất trong những sản phẩm CNTT là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đây là một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, cơ sở y tế, hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm, khám phá điểm đến, quản lý tour du lịch, mua sắm…

Công tác truyền thông du lịch trên các nền tảng số cũng ngày càng được đẩy mạnh. Hệ thống nền tảng số của Tổng cục Du lịch ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với hệ thống website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh… Hình ảnh du lịch Việt Nam trên các nền tảng số ngày càng sống động, hấp dẫn và đến gần hơn với du khách.

Đầu năm 2021, dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam ra đời, đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture - nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới, là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, văn hóa, lịch sử các quốc gia.

Ngay sau đó, chương trình truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube do Trung tâm Thông tin du lịch thực hiện có tên “Việt Nam: Đi để yêu!” được ra mắt với sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng, thu hút hàng triệu lượt xem./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận