Nam Định khẩn trương triển khai sáp nhập thôn, tổ dân phố

  • 01/09/2021 19:39:50
  • Vân Hồng
  • Xã hội
  • 0

Xác định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp thôn (xóm) , tổ dân phố là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh giản đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý chính quyền cấp cơ sở, ngày 13/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Thông báo số 280-TB/TU về chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022.

 

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thông báo số 280-TB/TU nêu rõ, Ban Thường vụ các cấp có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện, sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thuận trong hệ thống chính trị, đoàn kết, thống nhất trong nhân dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương trong tỉnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 19/8/2021, UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021 - 2022 với mục đích nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách Nhà nước, tăng nguồn lực chi đầu tư phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đồng thời, khắc phục sự manh mún, chia cắt trong tổ chức các thôn, tổ dân phố theo quy mô hiện tại tạo sự phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng khu dân cư. Về thời gian thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố hoàn thành xây dựng phương án tổng thể, chậm nhất là ngày 30/9/2021; UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng đề án chi tiết, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua chậm nhất là ngày 20/10/2021; UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và thực hiện từ ngày 1/1/2022.

Tiếp đó, Sở Nội vụ có Hướng dẫn số 1786/HD-SNV triển khai thực hiện một số nội dung về việc sắp xếp, sáp nhập. Trong đó, nêu rõ trình tự các bước thực hiện sáp nhập, hồ sơ sáp nhập và việc lấy ý kiến cử tri. Đặc biệt, Hướng dẫn đã mẫu hoá 09 loại văn bản, đảm bảo việc triển khai được thống nhất, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị triển khai việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2022, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định Phạm Gia Túc, cho biết: “Để thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, bảo đảm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra, chính quyền các cấp, trước hết người đứng đầu phải xác định việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, hành động quyết liệt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đúng chủ trương của Ban TVTU và Kế hoạch của UBND tỉnh”.

Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Nam Định giải đáp mọi thắc mắc của người dân nhằm tạo sự đồng thuận.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: “Việc sắp xếp, sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố là việc làm khó, thực hiện trên diện rộng, đối tượng phải sắp xếp nhiều, thời gian thực hiện tương đối khẩn trương, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả để các thôn, tổ dân phố đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/1/2022 như kế hoạch đã đề ra”.

Lấy sự đồng thuận của dân làm nhiệm vụ trọng tâm

Thôn, tổ dân phố không phải là cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư nhưng có vai trò quan trọng. Đây là nơi chứa đựng và giải quyết các mối quan hệ xã hội, cũng là nơi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi. Sự hình thành các thôn, tổ dân phố mang yếu tố lịch sử. Trước đây, do khó khăn về giao thông, liên lạc... nên có xu hướng chia nhỏ các thôn để thuận lợi cho công tác quản lý dẫn đến số lượng thôn, tổ dân phố rất nhiều.

Tỉnh uỷ Nam Định chỉ đạo đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% tiêu chí theo quy định thì thực hiện sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề. Khuyến khích các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên thực hiện sáp nhập ở những nơi đủ điều kiện.

Xác định việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất trong nhân dân. Đồng thời, thực hiện việc sáp nhập trên tinh thần phù hợp về quá trình lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán… đảm bảo sự ổn định, tính kế thừa và phát triển, không làm xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đối với những người làm việc tại thôn, xóm, tổ dân phố sau sáp nhập bị dôi dư, phải có chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng quy định.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc nhấn mạnh: “MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh”.

Sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố không làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị chỉ đạo, các huyện, thành phố tổ chức hội nghị cấp huyện và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các thôn, xóm, tổ dân phố tổ chức hội nghị để phổ biến đến tận người dân về sự cần thiết, những lợi ích khi sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân về những vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận cao.

BOX: Tỉnh Nam Định có 3.674 thôn, tổ dân phố. Trong đó, 1.800 thôn, tổ dân phố thuộc diện sắp xếp, sáp nhập; gần 300 thôn xóm, tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sắp xếp, sáp nhập, chiếm gần 60% thôn xóm, tổ dân phố của cả tỉnh; nhiều nhất là ở thành phố Nam Định và các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh. Sau khi sáp nhập dôi dư 13.579 người làm việc tại thôn, xóm, tổ dân phố./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận