Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 'quá đà' gây ô nhiễm đất, nước, mất an toàn thực phẩm

Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ở ĐBSCL trung bình gần 6,3 kg/hecta gieo trồng, cao hơn 40% so với trung bình cả nước... đang gây ô nhiễm môi trường...

 

Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lượng phân bón sử dụng trung bình ở khu vực ĐBSCL là 1.071 kg/hecta gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Bên cạnh đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình là gần 6,3 kg/hecta gieo trồng, cao hơn 40% so với trung bình cả nước; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng cao hơn 72% so với trung bình toàn quốc… Thực trạng này đang khiến vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm này phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất, nước… làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, cây rau màu là lợi thế rất lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại có rất ít các nghiên cứu, điều tra và thống kê.

“Đề nghị lãnh đạo Bộ cho phép Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt hoặc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản có đánh giá chi tiết và cụ thể hơn nữa việc sử dụng các vật tư nông nghiệp cho sản phẩm rau. Chúng ta không chỉ đánh giá về các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn đánh giá cả việc cần phải tiết kiệm trong sử dụng hơn nữa, cần minh bạch và có sự bền vững trong sản xuất”, ông Lê Thanh Tùng nêu rõ.

Phát triển một nền nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi hướng đến giá trị cao và bền vững là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đang hướng đến.

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, để tiết giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cần tổ chức tập huấn cho cả nông dân và đại lý bán hàng về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, nhân rộng có các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ thực chất, sáng tạo để nông dân có thể học tập, dễ áp dụng.

“Làm sao có những mô hình sử dụng thực chất về phân bón hữu cơ, điều này có thể nông dân tự sáng tạo hay tập huấn của doanh nghiệp, lực lượng khuyến nông. Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất nghiên cứu việc bổ sung phân bón hóa học qua các hệ thống tưới tiên tiến để giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đảm bảo được năng suất và sản lượng”, ông Võ Quan Huy nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam nêu ý kiến: “Vấn đề thuốc bảo vệ thực vật là liên quan đến môi trường mà việc này không phải chỉ của riêng Việt Nam mà cả toàn cầu. Vì vậy, quan tâm đến chất lượng sản phẩm phải là vấn đề hàng đầu. Làm thế nào đưa đến bà con nông dân ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho bà con nông dân và đấy là mục tiêu định hướng tương lai mà doanh nghiệp đã và đang hướng tới”.

Từ thực tiễn triển khai với hàng trăm mô hình liên kết hữu cơ trong sản xuất lúa và chăn nuôi, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm đề xuất, đã đến lúc cần có chủ trương trúng và đúng khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, qua đó chuyển đổi tư duy từ số lượng sang chất lượng, giảm việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.

“Hiện nay, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ sử dụng rất nhiều phân hữu cơ vi sinh nhưng ở Nam Trung bộ và ĐBSCL thì lượng sử dụng còn hạn chế. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp có thể sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đáp ứng được nhu cầu nhưng khó khăn vẫn là khâu tiêu thụ. Cần có lộ trình, các chính sách cần ưu tiên tháo gỡ những vướng mắc, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, điều này không chỉ góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ mà còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Hồng Lam nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, phát triển một nền nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi hướng đến giá trị cao và bền vững là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đang hướng đến. Cùng với tiếp tục đổi mới hệ thống khuyến nông Nhà nước và khuyến nông doanh nghiệp để hiệu quả đạt cao hơn thì việc nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn thể hiện sự minh bạch, trách nhiệm và bền vững trong phát triển nông nghiệp cũng như thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Minh Long/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận