TP.HCM sau COVID-19, làm gì để giữ vị thế đầu tàu kinh tế?

  • 03/11/2021 02:00:00
  • Trọng Điển - Nhất Hoàng
  • Xã hội
  • 0

Thiệt hại hơn 11 tỷ USD sau 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, theo các chuyên gia, TP.HCM cần có gói hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

 

Việc người dân, người lao động và hoạt động vận tải hàng hóa bị hạn chế hoặc cấm trong thời gian dịch 4 tháng qua đã làm cho 80% lao động Thành phố (khoảng hơn 3,7 triệu người) bị giảm hoặc mất thu nhập. Số doanh nghiệp TP.HCM rời thị trường 10 tháng đầu năm là gần 26.00 trường hợp, chiếm gần 27% số doanh nghiệp rút lui trên cả nước. Trong đó, khoảng 14.000 doanh nghiệp ngưng kinh doanh có thời hạn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng cửa từ đầu tháng 6 đến nay, anh Trần Thanh Tú (chủ chuỗi nhà hàng buffet ở TP.HCM) không khỏi lo lắng khi nhà hàng chưa thể mở cửa trở lại. Theo anh Tú, mỗi tháng, anh phải mất hàng trăm triệu đồng cho chi phí mặt bằng, tiền hỗ trợ nhân viên, tiền thuế… và có khả năng không cầm cự nổi nếu không được hỗ trợ.

Tuy đã bắt tay ngay vào việc phục hồi sản xuất sau một thời tạm ngưng để chống dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đang gặp một số khó khăn như thiếu hụt lực lượng lao động, lượng hàng tồn quá lớn và gánh nặng chi phí kho cảng tăng cao… Ông Phạm Văn Việt (Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM) cho rằng, doanh nghiệp đang rất cần được “tiếp oxy” để có thể tiếp tục khôi phục sản xuất bằng cả chính sách tài khóa, gói chính sách tiền tệ, tín dụng, gói an sinh và cả phương án phòng chống dịch của Chính phủ, cũng như của TP.HCM. "Hỗ trợ gói lãi xuất 4% trên năm, khoảng 3000 tỷ đồng trên tổng dư nợ là 100.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp không thể tiếp cận được nếu không sớm ban hành cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Trung ương phải tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố nhằm có nguồn vốn đầu tư hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, yếu tố kiểm soát được dịch bệnh là mục tiêu đặt lên hàng đầu, cộng với việc kết nối lại tổng cung cầu và tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Ngoài ra, yếu tố đảm bảo an sinh cho người lao động cũng cực kỳ quan trọng. Để tăng tổng cung chúng ta cần đảm bảo đầu vào cho nó, ví dụ các dòng tiền, nhất là vốn tín dụng. Cái nữa là chúng ta đảm bảo không đứt gãy, đây là 1 trong những yêu cầu quan trọng nhất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó nữa là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là giảm thiểu tất cả những nhũng nhiễu, tất cả chi phí không chính thức, các hành vi làm khó cho doanh nghiệp.”.

Cùng quan điểm, theo tiến sỹ Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế), TP.HCM là đơn vị đóng góp nhiều nhất cho ngân sách, cho sự phát triển của các tỉnh, thành khác. Do đó, khi thành phố bị thì hại nặng vì dịch Covid-19 thì việc hỗ trợ ngân sách cho TP.HCM lúc này là hết sức quan trọng để vực lại nhanh, tiếp tục là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam trong đó có những đầu tàu quan trọng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai rồi những chỗ khác nữa là rất cần vượt lên sớm. Bởi vì chúng ta đang trong 1 bối cảnh mà nhiều nền kinh tế trên thế giới đã phục hồi được rồi. Nếu Việt Nam không phục hồi thiệt lẹ thì Việt Nam sẽ bị mất cơ hội 1 lần nữa trong việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu”.

Tiến sỹ Phạm Chi Lan cho rằng, giải pháp phục hồi kinh tế cho TP.HCM ngoài việc củng cố và tăng cường cho hệ thống y tế, cần thêm những gói hỗ trợ cho người dân, người lao động và cho các doanh nghiệp đủ mạnh. Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh là việc làm cũng cực kỳ quan trọng. Bên cạnh trọng tâm về khu vực, gói cứu trợ này cần có trọng tâm về ngành cao hơn, không dàn trải. "Với tư cách là 1 thành phố đầu tàu của cả nước, thành phố tiên tiến nhất cả nước thì có những lĩnh vực TP.HCM không nên làm nữa mà để chuyển cho các tỉnh khác làm. Tập trung vào làm những ngành mới, những ngành tạo giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi những người lao động có kỹ năng cao hơn, có trình độ tốt hơn. TP.HCM rất nên nhân cơ hội này để thúc đẩy theo hướng đó”.

Khu đô thị phía Đông TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giang

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đánh giá, tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, TP cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung cho công tác an sinh xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết cụ thể những khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp và các công trình để có hướng hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung giải ngân đầu tư công đạt 95% và thu ngân sách hợp lý.

Thành phố vừa tập trung hỗ trợ cho khu vực sản xuất dịch vụ chủ lực, có giá trị sản xuất lớn, giá trị sản xuất khẩu lớn, cũng như đóng góp vào ngân sách thành phố lớn. Nhưng cũng vừa hỗ trợ phục hồi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, nhóm mà bị tổn thương rất nặng sau thời gian giãn cách vừa qua”.

Hiện TP.HCM cũng đang có nhiều chính sách để phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, những quyết sách này cũng cần có sự vào cuộc và tham gia của các bộ, ngành cũng như của Chính phủ.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: Làm gì để TP.HCM giữ vị thế đầu tàu kinh tế?

TP.HCM từ lâu là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Suốt thời gian qua, Thành phố và nhiều tỉnh nằm trong cực tăng trưởng mạnh nhất cả nước là Đồng Nai, Bình Dương bị thiệt hại nặng nề do covid đã kéo theo kinh tế cả nước có phần tăng trưởng chậm.

Gỡ khó cho thực trạng này, cả nước đã dồn lực cho thành phố kiểm soát dịch bệnh và đang dần hồi sinh trở lại. Vấn đề lúc này là cần tiếp thêm những cú hích mang tính quyết định giúp đầu tàu này có thể khởi động và chạy trơn tru trong nay mai.

Chính phủ vì thế cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thực thi các chính sách cho vay vốn nhanh nhất với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp thành phố nói riêng và cả nước nói chung khôi phục lại sản xuất, có tiền trả lương công nhân; thanh toán mua nguyên vật liệu.

Thực hiện ngay việc giảm thuế, lệ phí; nhất là các phí liên quan đến giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội tạm thời chưa thu. Gói an sinh, hỗ trợ thất nghiệp cho công nhân, người lao động cần được làm nhanh hơn nữa để tiền sớm đến tay người cần. Chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người lao động sớm quay lại nhà máy, xí nghiệp. Về phía chính quyền thành phố, phải đặt ưu tiên khôi phục kinh tế nên hàng đầu cùng với chống dịch.

Theo đó, tạo thuận lợi tối đa để giúp doanh nghiệp trong khâu vệ sinh, sát khuẩn nhà máy, xí nghiệp; không làm khó hoặc quá khắt khe đòi hỏi các quy định về phòng chống dịch mà bắt doanh nghiệp phải tốn thêm tiền của.

Theo nhiều doanh nghiệp hiện nay, để duy trì sản xuất trong điều kiện có dịch, chi phí mua vật tư, thiết bị y tế chống dịch cũng rất lớn. Đó là chưa kể, giá xăng dầu tăng, vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí đầu vào mọi khâu đều đội lên rất lớn.

Doanh nghiệp làm không đủ chi, không có đồng lời. Với các ngành dịch vụ như ăn uống, du lịch, nhà hàng khách sạn; do chủ trương mới được làm thí điểm nên không kích thích được các ngành lương thực thực phẩm, cung cấp nguyên phụ liệu tăng trưởng theo.

Ở lĩnh vực bất động sản, một thế mạnh, tạo ra nguồn thu rất lớn cho thành phố trước đây nhưng hiện thị trường này cũng gần như đóng băng toàn bộ. Nguyên nhân là do người dân chưa mặn mà; tiếp đó là chính sách về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở tại nhiều quận, huyện rất ì ạch.

Tình trạng dự án treo, nhà chung cư chưa cấp sổ đỏ vẫn diễn ra phổ biến. Người dân thiếu các giấy tờ pháp lý nên không thể sang nhượng, chuyển đổi để tạo ra một thị trường bất động sản sôi động; tạo nguồn thu cho ngân sách.

Trong lĩnh vực đầu cư công, nhất là các công trình giao thông mang tính động lực nhìn chung vẫn diễn ra chậm chạp do vừa làm vừa nghe ngóng tình hình dịch bệnh cũng như khâu giải phóng mặt bằng luôn là khâu yếu nhiều năm mà thành phố vẫn chưa khắc phục được.

Rõ ràng trong điều kiện, vừa khôi phục lại kinh tế, ổn định đời sống trong bối cảnh dịch covid vẫn vây ráp là một thách thức rất lớn. Đây chính là phép thử cho công tác quản lý, lãnh đạo và điều hành của chính quyền thành phố trong nay mai. Phải tìm ra các bước đi cụ thể, lâu dài giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng trong bối cảnh mới; nhất là việc chuyển đổi số.

Hiện nay, Chính phủ đang xem xét kiến nghị Quốc hội cho thành phố được để lại 23% số thu ngân sách vào năm 2022, tương đương 6.000 tỷ đồng. Đây là một liều ô xy giúp cho thành phố dễ thở hơn trong việc chi tiêu của mình.

Do vậy, ngay lúc này,thành phố cần chủ động lên kế hoạch tính toán, đầu tư đồng vốn mồi hiệu quả để kích thích các ngành nghề mà mình có lợi thế như là sản xuất hàng hóa công nghệ cao; dịch vụ, du lịch. Đồng thời thực hiện triệt để cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho; kiểm tra, giám sát và xử lý kiên quyết các hành vi nhũng nhiễu, làm khó người dân và doanh nghiệp.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng phát triển. Chỉ khi có cách làm sáng tạo và giải quyết được các bất cập kể trên mới mong đưa thành phố tiếp tục là đầu tàu kinh tế như kỳ vọng.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận