Người dân Đồng Khê khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác đá

  • 27/12/2021 05:55:14
  • Thừa Xuân/VOV Tây bắc
  • Xã hội
  • 0

Nhiều năm qua, hơn 100 hộ dân ở thôn Bản Hốc thường xuyên phải chịu cảnh khốn khổ từ hoạt động khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng của các DN tại địa bàn.

 

Tình hình càng trở nên tồi tệ khi các doanh nghiệp xây trạm trộn sản xuất áp phan, trong bối cảnh nhiều tháng khu vực này không có mưa.

Đến khu vực mỏ đá Đồng Khê của Công ty TNHH Đại Đồng Tiến và Doanh nghiệp tư nhân Thành Hương ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, phóng viên VOV được nghe phản ánh của những người dân sống quanh khu vực này về những gì về tình trạng bụi đá mà họ phải chịu đựng trong một thời gian dài và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Mỏ đá Đồng Khê nhìn từ xa.

Quan sát thực tế, mỏ đá này nằm ngay sát quốc lộ 32, với một bên là mỏ đá và một bên là các hộ dân thôn Bản Hốc sống dọc theo quốc lộ. Phía dưới ngọn núi đã xẻ một nửa có hàng trăm nghìn mét khối đá lớn nhỏ đang chất đống. Ẩn sau những đám bụi đặc là tiếng máy móc, tiếng va đập của đá và tiếng xe trọng tải lớn ra vào rít ga. Xe chở nhựa áp phan, xe thì chở đá, nhưng có điểm chung là chở quá kích thước thùng xe, không che nóc, hoặc nếu có cũng chỉ sơ sài. Khi ra khỏi mỏ, ngoài mang theo bụi cuốn vào các hộ dân sinh sống dọc hai bên đường, những chiếc xe lặc lè còn để đá từ thùng xe rơi vãi khắp nơi; nhiều điểm chất thành đống.

Mỏ đá nằm sát đường, gần dân nên mọi hoạt động đều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Thị - một trong những hộ dân ở Bản Hốc sống ở gần trụ sở của Công ty TNHH Đại Đồng Tiến - đơn vị "bị" người dân tố gây ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của họ cho biết: “Chúng tôi sống ở đây bụi phải đóng cửa suốt ngày. Thứ hai là mìn nổ quá tải làm nhà cửa nứt hết. Việc này chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, năm nào cũng kiến nghị nhưng không được giải quyết”.

Do lâu không mưa nên bụi bặm càng nghiêm trọng hơn. Bụi đá dính khắp nơi, từ cành cây ngọn cỏ đến vỉa hè, nóc nhà, đợi có gió là bay vào mọi ngõ ngách trong nhà.

Nhà người dân dọc hai bên đường ở Bản Hốc thường xuyên phải đóng cửa, che bạt, lắp kính, nhưng vẫn không thể ngăn được bụi vào nhà.

Bà Nguyễn Thị Phượng, một hộ dân sinh sống ở đây cho biết, ngoài ảnh hưởng của bụi bặm, tiếng động lớn, hít khí độc... bà con nơi đây còn bị ám ảnh bởi những tiếng xe bị đổ do đâm chèn phải đá rơi vãi ra đường. Bà Phượng nêu ý kiến: “Dân chỉ kiến nghị là chở đúng trọng lượng, không chở đầy quá làm đá rơi vãi khắp nơi, bà con càng chịu nhiều bụi. Nếu không kịp xúc đá bị rơi xuống đường thì xe chạy qua tuyến này nghiền vào cứ xoèn xoẹt nghe rất ghê sợ, cứ nghĩ lại tai nạn”.

Bà Trịnh Thị Ngà - một người dân ở bản cũng nêu ý kiến: “Chúng tôi không gây khó dễ gì cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải có biện pháp giảm thiểu môi trường bị ô nhiễm, giảm thiểu bụi cho người dân, vì chúng tôi ở đây quá khổ rồi. Như nhà tôi mấy lớp kính vẫn bị bụi, nhà mới làm cũng nứt tường do ảnh hưởng của nổ mìn”.

Công ty bị dân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Gần, Chủ tịch UBND xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn cho biết: Trên địa bàn có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đại Đồng Tiến và Doanh nghiệp tư nhân Thành Hương Nghĩa Lộ hoạt động khoáng sản tại Bản Hốc. Cả hai đơn vị này ngoài khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng còn có trạm trộn áp phan ở bên trong. Hằng năm xã vẫn nhận được phản ánh từ người dân về việc hoạt động của hai công ty này ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, với thẩm quyền của xã cũng chỉ có thể trao đổi, nhắc nhở.

Khói bốc lên từ hoạt động của một trong hai mỏ đá.

“Xã đã trao đổi trực tiếp với công ty, doanh nghiệp để khai thác đảm bảo giờ giấc, không làm sớm quá và cũng không làm muộn quá ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Về khói bụi, xã cũng đề nghị công ty giảm khói bụi ra đường và vào nhà dân; đối với áp phan, xã cũng đã làm việc về vấn đề đốt áp phan. Đối với nổ mìn, xã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để làm sao không gây rung chấn ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn không đảm bảo được thường xuyên, vẫn có ý kiến phản ánh của người dân”, ông Nguyễn Xuân Gần cho hay.

Trao đổi với phóng viên VOV, cả 2 doanh nghiệp trên đều cho biết, họ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Việc hoạt động của đơn vị thường xuyên được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.

Đá rơi ra đường quốc lộ 32 được người dân hót dọn chất thành đống.

Được biết, Công ty TNHH Đại Đồng Tiến do ông Trần Thành Công là người đại diện pháp luật, có địa chỉ ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn. Công ty này hiện đang tiếp tục được tỉnh Yên Bái cho thuê hơn 75.000m2 đất ở thôn Bản Hốc để hoạt động khoáng sản, thời hạn đến năm 2042. Còn doanh nghiệp tư nhân Thành Hương Nghĩa Lộ thì do ông Vũ Văn Thành đại diện pháp luật. Từ nay đến năm 2041, đơn vị này cũng được tỉnh cho thuê thêm gần 22.000m2 đất ở khu vực này để khai thác và chế biến vật liệu xây dựng..

Các kiến nghị của người dân không được xử lý dứt điểm; cộng với việc các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động với thời hạn dài hơi như vậy, khiến người dân ở Bản Hốc nói riêng, người dân xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nói chung lo ngại cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng qua nhiều thế hệ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận