Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn: 'Cơ cấu kinh tế Bắc Kạn đã chuyển dịch theo hướng tích cực'

Bắc Kạn hiện đã có sự phát triển đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo.

 

Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập trên cơ sở chia tách đơn vị hành chính tỉnh Bắc Thái cũ. Từ xuất phát điểm thấp với hạ tầng kỹ thuật yếu kém, cơ cấu kinh tế thuần túy nông nghiệp tự cấp tự túc cùng quá nửa dân số thuộc diện hộ nghèo, đến nay Bắc Kạn đã có sự phát triển đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn về những đổi thay sau 25 năm tái lập tỉnh cũng như những định hướng của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội.

Thưa ông, sau 25 năm tái lập, đâu là sự thay đổi quan trọng nhất trên phương diện kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bắc Kạn?

Phải nói sau 25 năm tái thành lập, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều sự thay đổi. Điều thay đổi lớn nhất, tôi cho rằng đó là về quy mô nền kinh tế, sau 25 năm đã tăng gần 37 lần. Theo con số tuyệt đối của năm 1997, lúc đó quy mô kinh tế tỉnh chỉ khoảng 360 tỷ đồng, nay đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách của tỉnh hiện tăng 44,5 lần. Năm 1997, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1,2 triệu/người/năm, nay đã đạt khoảng 42 triệu/người năm, tăng hơn 31 lần. Quan trọng nữa là cơ cấu kinh tế của Bắc Kạn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ một tỉnh thuần túy về nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp, nay dần chuyển sang sản xuất hàng hóa và bước đầu có các khu công nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất công nghiệp hàng hóa mang lợi thế của địa phương về nông, lâm nghiệp.

Ông Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Thứ hai là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển khá đồng bộ. Hiện 100% số xã và hơn 80% số thôn bản có đường giao thông đi lại khá thuận lợi. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên đáng kể. Minh chứng cho điều này là tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm. Tất nhiên tiêu chí đánh giá hộ nghèo từng giai đoạn khác nhau, nhưng từ trên 50% năm 1997 và có lẽ là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước thì đến nay toàn tỉnh còn 18,5% và đặc biệt là không còn hộ đói. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi. Bắc Kạn cũng là địa phương đã phổ cập xong giáo dục tiểu học. Hiện tất cả các xã đều có bác sĩ, trạm y tế và cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe của người dân…

Vậy mục tiêu của Bắc Kạn trong thời gian tới, cụ thể là nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là gì, thưa ông?

Sau 25 tái lập tỉnh, về phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi xác định Bắc Kạn là tỉnh có thế mạnh về nông, lâm nghiệp nên sẽ tập trung khai tốt tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đây là mục tiêu tổng quát của tỉnh. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nông lâm nghiệp, từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thứ hai là tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, mà trọng tâm là du lịch Ba Bể.

Tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển mạnh dịch vụ, du lịch nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, đặc biệt là danh thắng Hồ Ba Bể.

Hiện nay chúng tôi đang đầu tư, triển khai 2 tuyến giao thông được xem là quan trọng nhất để phát triển du lịch Ba Bể, đó là tuyến nối từ cao tốc Thái Nguyên lên Thành phố Bắc Kạn và từ Thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể. Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 6,5 - 7%/năm. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2025 sẽ đạt 62 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 2,5%/năm. Riêng với các huyện 30a sẽ đặt mục tiêu là giảm từ 3,5 - 4%/năm.

Dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song nhìn chung Bắc Kạn vẫn chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng sẵn có. Vậy đâu là nguyên nhân và Bắc Kạn sẽ có giải pháp nào để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh sẵn có, thưa ông?

Đúng như nhận định trên, dù đã đạt được kết quả tích cực, song Bắc Kạn vẫn chưa thể phát huy hết tất cả tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Chúng tôi cũng xác định được cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, sau khi tái lập năm 1997, Bắc Kạn có xuất phát điểm thấp, cộng với vị trí địa lý không thực sự thuận lợi - đó là đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt nên rất khó cho tổ chức sản xuất quy mô lớn hay thu hút nhà đầu tư. Kết cấu hạ tầng giao thông cũng chưa thuận lợi.

Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân chủ quan. Trước hết, trong nguyên nhân chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng thực sự chưa có tầm nhìn mang tính chiến lược. Thứ hai là nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở cơ sở còn những hạn chế cả về trình độ, năng lực rồi kinh nghiệm, kỹ năng công tác. Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện thường xuyên. Thứ tư là vẫn đề về dự báo, hoạch định, tuy đã có triển khai những vẫn chưa thực sự tốt và chưa có tầm nhìn, nhất là chưa có quy hoạch tổng thể về du lịch Hồ Ba Bể hoặc quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng tôi xác định, để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cần đi vào những vấn đề mang tính cụ thể hơn. Đại hội lần XII Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi cũng đã cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề của cấp ủy để tập trung lãnh đạo chỉ đạo và đang giao cho các ngành cụ thể hóa lộ trình triển khai thực hiện. Cùng với đó phải khai thác, chủ động và thực hiện tốt các Chương trình Mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình về Xây dựng Nông thôn mới, chương trình về giảm nghèo, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng miền núi đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bắc Kạn nâng cao năng lực thu hút đầu tư kinh doanh.

Về nông lâm nghiệp, sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát huy tối đa lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, tập trung sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Về du lịch, chúng tôi đang tập trung phát triển du lịch sinh thái, kết hợp các sản phẩm du lịch khác, trong đó trọng tâm là du lịch Hồ Ba Bể. Cùng với đó là huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để mang tính kết nối, phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn. Cùng với việc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn toàn tỉnh và làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch du lịch hồ Ba Bể.

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, đó là cần có những nhà đầu tư mang tính chiến lược. Vậy để tháo gỡ những điểm nghẽn, thu hút được các nhà đầu tư, Bắc Kạn đã và đang có giải pháp như thế nào?

Hiện nay chúng tôi đang có những giải pháp nhằm thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược. Trước hết chúng tôi cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện Bắc Kạn xếp thứ 59/63 về chỉ số cải cách hành chính, đây là một trong những nhiệm vụ chúng tôi đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Một trong những giải pháp là tới đây chúng tôi tiếp tục rà soát lại các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền để điều chỉnh, cắt giảm bớt thủ tục không cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ cải cách hành chính để xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho doanh nghiệp. Vấn đề nữa là làm tốt công tác quy hoạch mang tính chiến lược, có tầm nhìn dài hạn hơn. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trên tinh thần chia sẻ theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là: Chúng ta cùng chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Công Luận thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận