Vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp?

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào khai thác chỉ có 4 làn xe chạy mà không có làn dừng xe khẩn cấp.

 

Nhiều người thắc mắc liệu có đảm bảo an toàn khi bị hỏng xe trên đường và đúng thiết kế hay không?

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa được đưa vào khai thác, phục vụ người dân từ ngày 25/1. Tuyến đường có quy mô rộng 17m, 4 làn xe, không có làn khẩn cấp ở hai bên mà mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp, mỗi điểm cách nhau 4-5km.

Có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tính an toàn và hiệu quả khai thác của các dự án đường cao tốc đang triển khai xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, vận tốc khai thác 80km/h nhưng không có làn dừng khẩn cấp liên tục.

Làm theo đúng phân kỳ thiết kế

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xây dựng theo đúng thiết kế của Bộ tại quyết định 5019 ngày 31/12/2014 về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ôtô cao tốc.

Theo đó, thiết kế phân kỳ có phương án bố trí cách quãng các đoạn dừng xe khẩn cấp ở cả 2 bên theo chiều xe chạy sao cho sau 6 đến 10 phút chạy xe, xe dừng khẩn cấp vẫn có chỗ dừng. Tại chỗ dừng có thể đỗ được đồng thời 2 xe tải hoặc xe buýt.

Tương tự phần lớn trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang thi công cũng rộng 17m, 4 làn xe, chỉ bố trí các làn dừng xe khẩn cấp cách quãng để đảm bảo hiệu quả đầu tư trong giai đoạn phân kỳ.

Ở giai đoạn đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh, làn dừng xe khẩn cấp toàn tuyến sẽ được xây dựng.

Lý do chính trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khó khăn, nếu các tuyến cao tốc rộng 17m, 4 làn xe mà có làn dừng xe khẩn cấp liên tục sẽ tăng tổng mức đầu tư. Nếu đường Trung Lương - Mỹ Thuận xây dựng làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến ngay ở giai đoạn phân kỳ, tổng mức đầu tư sẽ tăng lên khoảng 17.000 - 18.000 tỉ đồng, tức thêm 5.000 - 6.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư hiện nay.

Nút giao Thân Cửu Nghĩa trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết tình huống xe gặp sự cố trên đường tại vị trí không có làn dừng xe khẩn cấp cũng đã được tính toán. Theo đó, các dự án được bố trí thêm các vị trí có phương tiện cứu hộ cứu nạn so le các vị trí dừng xe khẩn cấp ở mỗi chiều xe chạy.

Tại đó bố trí dải phân cách có thể đóng - mở để tạo điều kiện cho xe cứu hộ kéo các xe bị sự cố từ chiều đang chạy sang chiều bên kia - nơi có chỗ dừng xe gần nhất.

Nhiều quốc gia đã bỏ làn dừng khẩn cấp trên cao tốc

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, không chỉ ở Việt Nam, hàng chục năm trước nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình khai thác các tuyến đường cao tốc hạn chế số làn, không có làn dừng khẩn cấp liên tục, thay vào đó là điểm dừng cách quãng, xuất phát từ nguồn lực xã hội còn hạn chế hoặc do điều kiện địa hình, điều kiện khai thác giao thông,…

Đặc biệt, rất nhiều quốc gia phát triển như: Canada, Australia, New Zealand, Anh, Phần Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…hay nhiều quốc gia châu Á, Âu, Mỹ khác: Malaysia, Philippines, Nam phi, Arghentina, Mexico…còn phân kỳ thiết kế và đầu tư xây dựng đường cao tốc có 2 làn xe cơ giới, mỗi hướng chỉ có 1 làn đường xe chạy.

“Trong giai đoạn hiện nay cùng với việc tăng cường ứng dụng hệ thống giao thông thông minh, nhiều quốc gia đang có xu hướng loại bỏ làn dừng khẩn cấp, thay vào đó chỉ bố trí các vịnh dừng khẩn cấp để nâng cao năng lực thông hành. Điển hình ở Anh, họ đã tiến hành chuyển đổi làn dừng khẩn cấp thành làn lưu thông thông thường và bố trí các vịnh chờ khẩn cấp”, ông Mười dẫn chứng.

Theo ông Mười, tại Australia, họ còn tiến hành mở làn đường khẩn cấp trên xa lộ Kwinana thành làn giao thông thứ tư để có thêm 2.000 xe lưu thông/giờ, thay vào đó thiết kế bố trí các vịnh dừng khẩn cấp cách nhau những khoảng nhất định.

Tại Việt Nam, các tuyến cao tốc nằm trong mạng đường bộ cao tốc đều được quy hoạch với quy mô từ 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế từ 80 - 120km/h. Thậm chí, một số tuyến đường cao tốc hướng tâm, kết nối các khu đô thị, trung tâm kinh tế lớn còn được quy hoạch với quy mô 8 - 10 làn xe.

Tuy nhiên, để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực ngân sách còn hạn chế, một số dự án cao tốc đã và đang được phân kỳ đầu tư. Trong đó, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch được đề ra.

“Còn giai đoạn phân kỳ sẽ đảm bảo quy mô kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của giai đoạn hạn chế (có thể 2 - 4 làn xe hạn chế) và thực hiện khai thác, tổ chức giao thông đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kĩ thuật, an toàn”, ông Mười chia sẻ.

Đối với cao tốc 4 làn xe (giai đoạn phân kỳ) chiều rộng mặt đường phần xe chạy rộng 7m (tương ứng với 2 làn xe chạy mỗi chiều) không nhất thiết phải bố trí suốt theo chiều dài tuyến mà được bố trí thành các đoạn có làn dừng xe khẩn cấp cách nhau khoảng 6 - 10 phút xe chạy hoặc 8 km - 10 km và đảm bảo việc tổ chức giao thông an toàn theo đúng quy định.

Ưu tiên đầu tư chiều dài để sớm thông tuyến cao tốc Bắc - Nam

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế chính trị lớn quy mô 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, do nguồn lực nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối vốn, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội đầu tư phân kỳ (thường gọi giai đoạn 1) 729km quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô quy hoạch. Tuy vậy, toàn bộ các yếu tố hình học kỹ thuật khác đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100-120km/h.

Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư theo phương án trên với tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng. Còn nếu đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m sẽ cơ bản phù hợp với nhu cầu vận tải nhưng tổng mức đầu tư khoảng 192.000 tỉ đồng, rất khó khăn trong cân đối ngân sách.

Ông Phạm Hữu Sơn - tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) - cho biết ở Nhật Bản cho phép khai thác đường cao tốc với tốc độ 120km/h với mỗi làn đường rộng 3,5m. Còn tiêu chuẩn khai thác đường cao tốc ở nước ta với tốc độ 100 - 120km/h mỗi làn rộng 3,75m.

Với các dự án phân kỳ, chúng ta chỉ khai thác với tốc độ 80km/h, mỗi làn rộng 3,5m là đảm bảo đúng theo quy trình, quy phạm hiện hành và đảm bảo an toàn cho các phương tiện.

Ông Sơn cho biết nếu các đường cao tốc quy mô 4 làn xe bề rộng 17m có làn dừng xe khẩn cấp liên tục thì tổng mức đầu tư của các dự án sẽ tăng gấp 1,5 lần so với 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp liên tục.

Xe ô tô lưu thông đông đúc trong ngày đầu cao tốc  Trung Lương - Mỹ Thuận cho xe lưu thông.

Do vậy, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, chủ trương của Chính phủ là ưu tiên đầu tư chiều dài để sớm nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam chứ chưa ưu tiên đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh.

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Toản - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn đường bộ Đại học Giao thông vận tải, do nguồn lực khó khăn nên chúng ta "tùy tiền biện lễ" làm đường cao tốc 2 làn xe hoặc 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp liên tục. Việc này giống như châu Âu, Nhật Bản làm cao tốc trong thời kỳ đầu.

Tuy nhiên, việc không có làn dừng khẩn cấp liên tục sẽ giảm tính an toàn của đường cao tốc. Do vậy, người lái xe cần kiểm tra đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe tốt trước khi đi vào cao tốc.

Khi đi trên đường cần tập trung, tuân thủ quy tắc giao thông để tránh va chạm, cảnh giác đề phòng những trường hợp xe phía trước hỏng mà không dạt được vào làn dừng khẩn cấp để tránh tai nạn.

Còn đơn vị khai thác, tuần tra trên đường luôn chủ động phương án ứng phó để cảnh giới, cứu hộ xe gặp sự cố, tai nạn trên đường nhanh nhất./.

Phi Long/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận