Cần điều kiện gì để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?

  • 10/03/2022 11:58:21
  • Hương Giang
  • Xã hội
  • 0

Khi coi Covid-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem Covid-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường...

 

Làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron vẫn khó suy đoán, liệu Covid-19 có thể coi là bệnh đặc hữu?

Khi nào có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh khi Việt Nam vẫn có trên 100.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca, các chuyên gia cho rằng việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu sẽ cần thêm nhiều thời gian.

Test Covid-19 cho người dân tại trạm y tế cơ sở.Giải thích về khái niệm "bệnh đặc hữu", TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, người ta sử dụng từ “bệnh lưu hành địa phương” thì chính xác hơn là bệnh đặc hữu. Ngoài ra, Covid-19 là bệnh xâm nhập và lưu hành ở Việt Nam chứ không phải bệnh phát sinh từ nước ta. Khi coi Covid-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem Covid-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường như cúm mùa chẳng hạn.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, bệnh lưu hành địa phương khi nó đạt 3 điều kiện. Thứ nhất, khi bệnh đó lưu hành, tồn tại cùng và không gây cản trở quá lớn tới đời sống người dân; Thứ hai, khi mà số ca mắc cần chăm sóc y tế dưới ngưỡng chịu tải của hệ thống y tế, bởi khi vượt quá ngưỡng thông thường của hệ thống y tế thì người ta gọi là bệnh gây dịch; Thứ 3, khi số mắc không chịu quá tải của nhiều quốc gia vì khi này bệnh được coi là đại dịch. Trong thời điểm hiện tại, WHO vẫn tuyên bố Covid-19 là đại dịch vì vẫn gây quá tải hệ thống và vẫn gây tử vong cao trên toàn cầu.

“Khi số ca mắc mới, nhập viện và tử vong vì Covid ở Việt Nam vẫn gia tăng và đang gây quá tải hệ thống y tế thì không thể gọi là bệnh lưu hành địa phương. Và chúng ta cũng không thể so sánh Covid với bệnh cúm mùa. Bởi tỷ lệ tử vong do cúm mùa chỉ ở mức dưới ngưỡng 0,04% số mắc, trong khi tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nước ta hiện vẫn chiếm 0,2-0,4% số mắc” - TS Thái cũng dẫn chứng lại câu chuyện khi cúm mùa bắt đầu xuất hiện vào năm 2009. WHO đã công bố đây là 1 đại dịch khi tỷ lệ tử vong ở Mehico, Mỹ lên tới 1%, và sau đó cúm mùa lan khắp toàn cầu. Và khi động lực của nó giảm dần, đồng thời tỷ lệ tử vong/mắc cũng rút dần xuống còn 0,04%, khi ấy WHO tuyên bố cúm không còn là đại dịch nữa.

“Tình trạng dịch ở nước ta đang ở mức khống chế và tỷ lệ tử vong đang ở mức 0,2-0,4% số mắc. Lưu ý rằng, sở dĩ có tỷ lệ này cũng là do tác dụng bảo vệ của vaccine. Với số ca mắc và tử vong như hiện nay, sự đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, cùng với sự biến đổi liên tục của chủng virus SARS-CoV-2 trong quá trình lan tràn, hiệu quả của vaccine phòng bệnh có thể còn giảm thêm nữa và cuộc sống chưa trở lại bình thường thì chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành địa phương được", ông Thái phân tích.

Dù nước ta đã bao phủ vaccine rộng rãi nhưng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.Cần bảo vệ nhóm người yếu thế

Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng đã đến thời điểm coi Covid là bệnh lý đường hô hấp, tương tự như các bệnh lý đường hô hấp do các virus khác gây nên. Trong khi đó các chuyên gia về truyền nhiễm lại có những đánh giá thận trọng hơn về thời điểm xem xét Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, chúng ta chưa thể chắc chắn rằng, việc kiểm soát đã thật sự ổn định về tỷ lệ mắc mới. Muốn đưa bệnh Covid-19 về bệnh lưu hành hàng năm thì phải ổn định về số ca mắc nhưng ca mắc Covid-19 hiện vẫn bùng lên và rất thất thường, khó đoán. Kỳ vọng về miễn dịch cộng đồng ở trong nước ở thời điểm này cũng chưa thể đạt, vì miễn dịch cộng đồng gồm miễn dịch mắc phải và miễn dịch do tiêm chủng. Nhưng hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng chống Covid-19 ở mức độ nhất định mà tác dụng chủ yếu là giảm triệu chứng của bệnh mà thôi. Đặc biệt số tử vong cũng chưa thể chấp nhận được, Covid-19 vẫn còn tác động bất lợi tới kinh tế xã hội…

Theo BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi Covid vẫn xảy ra ở nhiều nơi dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong kiểm soát nó thì vẫn còn là đại dịch. Đối với Covid-19, với sự biến chủng của virus SARS-CoV-2 trải qua 4 đợt bùng phát dịch, thì chúng ta cũng dần dần bắt đầu hiểu rõ hơn về nó. Nhờ khoa học tiến bộ, trong thời gian qua, chúng ta bắt đầu hiểu về sự phát triển cũng như cơ chế bệnh sinh chứ chưa hiểu hết mọi thứ. Mặc dù chúng ta đã bao phủ vaccine rộng rãi chỉ 1 thời gian ngắn, và bắt đầu có 1 số thuốc khống chế được virus để hạn chế sự phát triển của virus, đã giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong xuống thấp. Nhưng với mức độ dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lây lan như hiện nay với số ca mắc tăng nhanh mỗi ngày, số ca tử vong vẫn chưa có dấu hiệu giảm thì nó vẫn còn nhiều tác hại to lớn. Đặc biệt khi xuất hiện biến chủng Omicron thì mức độ lây lan càng tăng mạnh gần như chủ đạo trên thế giới. Dù khả năng chuyển bệnh nặng thấp hơn, nhưng với mức độ lây lan như hiện nay, dù nhiều người đã tiêm vaccine thì với nhóm người yếu như mắc bệnh nền, người cao tuổi, người đang nằm viện, phụ nữ mang thai đặc biệt là từ giữa kỳ và cuối kỳ… - khi mắc Covid vẫn thuộc nhóm nguy cơ chuyển nặng, phải nhập viện và tử vong cao. Cho nên, giai đoạn này dịch vẫn đang ở xu hướng tăng lên, vẫn chưa đến đỉnh điểm thì chưa thể coi là giai đoạn bệnh lưu hành”, ông Hà nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chuyên gia cảnh báo coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu là quá sớm. Đặc biệt với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khiến các quốc gia đã phải đối mặt với hậu quả của các làn sóng lây nhiễm và nhập viện. Vì vậy, vẫn còn một khoảng cách lớn trước khi đạt được miễn dịch toàn cầu và điều kiện cần thiết để coi Covid là bệnh đặc hữu./.

Hương Giang

Cần làm gì khi coi Covid-19 là bệnh lưu hành?

Với nguồn lực sẵn có về vaccine, thuốc điều trị, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1: đã đến lúc Việt Nam tính đến việc coi Covid-19 là dịch bệnh lưu hành, và sống chung với nó an toàn, nếu hội đủ các điều kiện:

Thứ nhất, đó là vaccine. Nếu vùng đó, tỉnh thành đó tỷ lệ bao phủ vaccine cao, người dân đã tiêm đủ 3 mũi, thì có thể xem là bệnh lưu hành được rồi.

Hiện giờ số ca đang tăng nhanh có thể làm mọi người hoang mang. Nhưng điều quyết định nó có thể là bệnh lưu hành hay không đó là người bệnh có thể đông nhưng tự khỏi, không tạo gánh nặng cho khối điều trị hồi sức, tỷ lệ tử vong thấp.

Vài tuần, miễn dịch cộng đồng được tạo nên từ vaccine cộng với miễn dịch tự nhiên từ một lượng người nhất định đã nhiễm và khỏi bệnh, số ca sẽ giảm, điều này đã từng thấy.

Hơn 1 thập kỷ trước, cúm đại dịch H1N1 cũng đã chuyển biến theo hướng này, và không còn là đại dịch nữa.

Thứ hai, đó là phòng bệnh đúng trong môi trường lao động. Dịch bệnh lưu hành thì vẫn là dịch bệnh, siết quá thì ảnh hưởng tới kinh tế, nhưng nếu chưa gì đã "thả" hoàn toàn, mặc kệ hết thì cũng ảnh hưởng đến kinh tế.

Thử tưởng tượng nếu cả dây chuyền sản xuất, cả công ty, cả cơ quan đều đồng loạt bệnh, mệt, vậy lấy ai làm việc? Ngay cả bệnh cảm, mức độ nhẹ thì có thể đi làm, nhưng cảm nặng thì cũng phải nghỉ mấy hôm.

Vì vậy khi đi lang thang ngoài đường mai này có thể không cần thiết phải mang khẩu trang liên tục nữa, nhưng chắc chắn trong không gian hẹp, kín, đặc biệt là trong môi trường công sở, nhà máy… thì vẫn phải mang khẩu trang để tránh tình trạng bệnh cùng lúc, làm gián đoạn hoạt động sản xuất trong bối cảnh đang rất cần khôi phục kinh tế.

Thứ ba, "lo xa" đúng cách, vừa phải. Về khoa học, vẫn có các chuyên gia lo ngại rằng SARS-CoV-2 có thể tiếp tục đột biến và các biến thể sau có thể không nhẹ như Omicron.

Theo tiến trình tiến hóa thông thường của virus là ngày càng thuần với con người, lây nhanh hơn nhưng nhẹ hơn, thì kịch bản đó khó xảy ra. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp ngược lại.

Nhưng nếu vì thế mà khư khư phòng thủ như với một đại dịch, thì chắc chắn kinh tế không phát triển được. Điều cần là sự linh hoạt, chuẩn bị phù hợp để ứng phó. Bây giờ là thời điểm phù hợp để xem Covid-19 như bệnh lưu hành, còn tương lai nếu lỡ có kịch bản xấu nào xảy ra thì tái kích hoạt các biện pháp cần thiết cũng không muộn./.

Theo VOV2

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận