Chuyện chưa kể về chuyến bay thẳng 13 tiếng đưa người Việt từ Ukraine về nước

Cơ trưởng Trần Gia Hùng: 'Chúng tôi đã thực hiện chuyến bay với niềm tự hào và cảm xúc như đang đi đón người thân từ vùng chiến sự trở về…'.

 

Liên tiếp những ngày gần đây, 4 chuyến bay đã đưa cả nghìn người Việt từ Ukraine sơ tán sang các nước Ba Lan, Rumania về nước tại sân bay Nội Bài. Những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt lăn dài... Phần lớn số hành khách được sơ tán về trên các chuyến bay đặc biệt này là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền và hoàn cảnh khó khăn…

Cơ trưởng Trần Gia Hùng nói, chúng tôi đã thực hiện chuyến bay với niềm tự hào và cảm xúc như đang đi đón người thân từ vùng chiến sự trở về.

Mất mát, xót xa... nhưng còn về được là còn nhau, còn cơ hội làm lại tất cả. Và trong những lúc khó khăn này, ta lại càng thấm thía hơn ý nghĩa của sự sẻ chia, đùm bọc.

Hành trình đáng nhớ

6h40 sáng ngày 10/3, chuyến bay QH9066 hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài, đưa theo 300 người Việt ở Ukraine về nước sau hành trình bay dài hơn 11 tiếng, khởi hành từ sân bay Warsaw (Ba Lan).

Những hành khách đặc biệt trên chuyến bay QH9066 về Việt Nam.

Chịu trách nhiệm chính trên chuyến bay, cơ trưởng Trần Gia Hùng là phi công giàu kinh nghiệm với hơn 21 năm trong nghề với hơn 17.000 giờ bay tích luỹ, trong đó có hơn 15.000 giờ bay trên máy bay thân rộng Boeing.

Nói về chuyến bay đặc biệt này, anh cho biết ngay từ khi nhận thông tin về kế hoạch triển khai các chuyến bay sơ tán công dân Việt Nam tại Ukraine, nhiều thành viên trong đoàn bay Bamboo Airways, từ phi công đến tiếp viên đã tình nguyện xung phong thực hiện nhiệm vụ.

“Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng đây không chỉ là nhiệm vụ cao cả được Chính phủ giao phó mà còn là niềm mong mỏi lớn của đông đảo đồng bào Việt Nam và gia đình. Bởi vậy, người Bamboo Airways luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường đón đồng bào trở về quê hương. Chúng tôi đã thực hiện chuyến bay với niềm tự hào và cảm xúc như đang đi đón người thân từ vùng chiến sự trở về”, cơ trưởng Trần Gia Hùng nói.

Những hành khách đầu tiên xuất hiện tại sân bay Nội Bài sau hành trình kéo dài hơn 10 tiếng từ Warsaw (Ba Lan) về nước.

Đây không phải lần đầu tiên cơ trưởng Trần Gia Hùng thực hiện chuyến bay sơ tán công dân từ nước ngoài về Việt Nam. Trước đó, anh đã từng thực hiện hành trình bay sơ tán người Việt từ Libya, đồng thời cũng là người cầm lái các chuyến bay nhân đạo đưa công dân từ Anh, Litva... về nước trong thời điểm dịch bệnh.

Anh chia sẻ thêm, với tổ bay, sân bay Warsaw là điểm đến mới, bởi vậy các thành viên đã nghiên cứu kỹ lưỡng về sân bay, phương thức tiếp cận, tìm hểu thông tin các quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ bay qua, thông tin về các sân bay dự bị.... nhằm đảm bảo cho hành trình bay an toàn và thuận lợi nhất.

“Càng khó khăn, cộng đồng người Việt càng gắn kết”

Hành khách trên chuyến bay sơ tán của Bamboo Airways chủ yếu là đối tượng yếu thế như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền... Đặc biệt, gần một nửa số hành trách trên chuyến bay là trẻ em.

Niềm vui đoàn tụ.

Là người trực tiếp tham gia chỉ đạo trên chuyến bay và đứng chào đón bà con ngay cửa ống lồng xuống máy bay, Phó tổng Giám đốc Bamboo Airways – ông Trương Phương Thành chia sẻ: “Không phải riêng tôi mà cả phi hành đoàn, các bạn tiếp viên Bamboo nhìn thấy những hình ảnh người Việt tại Ukraine đều rơi nước mắt. Các cháu bé trở về nước còn rất nhỏ, trong đó có 18 em bé còn chưa đầy 2 tuổi.”

Nói về việc khai thác chuyến bay, ông Trương Phương Thành cho biết, Bamboo Airways đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kĩ lưỡng phương án để khai thác chuyến bay an toàn, thuận lợi. Mục tiêu của hãng là đưa người Việt ở Ukraine về nước đúng kế hoạch, đảm bảo tốt mọi công tác an ninh và an toàn và mục tiêu đó đã được thực hiện thành công.

Bamboo Airways đã sắp xếp tổ bay gồm 26 thành viên, bao gồm 6 phi công, 16 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, 2 nhân viên mặt đất. Toàn bộ tổ bay đều là những nhân sự dày dặn kinh nghiệm, đã tham gia nhiều chuyến bay dài xuyên lục địa trước đây.

Đa số hành khách được sơ tán là người già và trẻ em.

Với hành trình dài bay qua không phận 18 quốc gia, Bamboo Airways sử dụng dòng tàu bay thân rộng có tầm bay lớn nhất của hãng hiện nay là Boeing 787-9 Dreamliner. Trước giờ bay, bộ phận kỹ thuật tiếp tục tiến hành kiểm tra kĩ lưỡng, đảm bảo công tác vận hành an toàn tối đa.

Bên cạnh đó, hãng bay cũng chuẩn bị kĩ lưỡng 2 suất ăn với định lượng gia tăng, nước uống cho hành khách, giúp đảm bảo sức khỏe tối đa cho bà con kiều bào trong hành trình bay hồi hương.

Để đảm bảo an toàn chống dịch trước, trong sau và sau chuyến bay , hãng cũng chủ động chuẩn bị khẩu trang và tuyên truyền hành khách nghiêm túc thực hiện 5K.

Niềm vui, xúc động không cầm được nước mắt khi về lại quê hương của những hành khách trên chuyến bay nghĩa tình.

Đồng thời, toàn bộ kinh phí các chuyến bay sơ tán người Việt tại Ukraine do Bamboo Airways thực hiện đều được Tập đoàn FLC tài trợ với mong muốn chung tay cùng đồng bào một cách thiết thực nhất.

“Càng trong khó khăn, cộng động người Việt càng gắn kết, đùm bọc lẫn nhau. Bởi vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện các chuyến bay tiếp theo sơ tán người Việt tại Ukraine”, Phó tổng Giám đốc Bamboo Airways nói.

Lên máy bay là đã thấy quê nhà

Trong số hơn 300 người Việt Nam trở về từ Ukraine trên chuyến bay QH9066, bà Nguyễn Thị Bích (Hưng Yên) là một hành khách khá đặc biệt. Năm nay đã 75 tuổi, bà Bích di chuyển về Việt Nam một mình. Hành lý mang theo chỉ có một chiếc balo đã cũ, bên trong đựng quần áo rét, hộ chiếu cùng một ít tiền Ukraine để phòng thân.

 

Chia sẻ hành trình của mình, bà Bích kể lại: “Khi tình hình bắt đầu căng thẳng, tôi đang ở Kiev. Ban đầu tôi dự định sẽ ở lại, nhưng sau khi phải ở dưới hầm trú ẩn 5 ngày, các con tôi đã yêu cầu di chuyển. Để sang được Warsaw, Ba Lan, chúng tôi đã mất 2 ngày”.

Rất may, trong suốt hành trình này, bà và mọi người luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

“Bà con người Việt rất tốt, cả người Ba Lan cũng thế. Ngay khi sang tới nơi, chúng tôi đã được giúp đỡ, từ quần áo ấm đến đồ ăn, nước uống, thậm chí cả đồ chơi cho trẻ con”, bà Bích vừa kể vừa mở balo, khoe chiếc áo khoác dày cộp đã nhận được tại Warsaw.

Bên cạnh niềm vui đoàn tụ còn đó rất nhiều âu lo.

Đưa theo cậu con trai nhỏ rời khỏi máy bay, chị Nguyễn Thị Yến (Hưng Yên) vẫn chưa thể tin mình đã lại được đứng trên quê nhà. Nét mặt vẫn còn hằn rõ sự mệt mỏi sau chuyến bay kéo dài, chị nhớ lại: “Khoảng ngày 3/3, chúng tôi bắt đầu di chuyển từ Kharkov (Ukraine) hướng sang Ba Lan. Ban đầu, cả đoàn đi bằng tàu hỏa, sau đó chuyển sang thuê taxi. Mất tổng cộng 5 ngày thì mới sang được Warsaw”.

Theo chị Yến, vào ngày đặt chân qua biên giới, trời xuất hiện mưa tuyết rất lớn. Nhiệt độ giảm sâu xuống âm 8 độ C.

“Nhiệt độ quá thấp khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. May mắn là các bạn người Ba Lan đã hỗ trợ cho đoàn lều bạt để chống lại cái lạnh”, chị Yến nhớ lại, mắt đỏ hoe.

Hạnh phúc khi trở về...

Cũng nhận được sự giúp đỡ tương tự, chị Nguyễn Thị Hương (Thái Bình) không thể quên được hình ảnh các tình nguyện viên đã hướng dẫn, phiên dịch cho chị và gia đình suốt dọc đường đi.

Ngay khi chúng tôi đến Ba Lan, cộng đồng người Việt tại đây đã liên hệ, lo chỗ ở tạm thời cũng như đảm bảo ăn uống trong suốt những ngày chờ đợi. Đi tới đâu cũng thấy tình cảm của mọi người thật đáng quý”, chị Hương chia sẻ.

Thậm chí, các tình nguyện viên người Việt Nam tại Ba Lan còn chủ động thuê khách sạn cho bà con từ Ukraine. Chị Lê Thị Đào (Sơn Tây, Hà Nội) kể lại: “Họ dành ra những căn phòng đầy đủ tiện ích, có cả bếp và đồ ăn để mọi người nấu theo sở thích. Ngày ra sân bay, các tình nguyện viên cũng thuê xe đưa mọi người đi vô cùng chu đáo”.

Đặc biệt nhất, những người không may làm thất lạc hộ chiếu cũng được tạo điều kiện trở về nước trong chuyến bay lần này.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, người đã có 33 năm sinh sống tại Ukraine nói ông thực sự cảm thấy “hạnh phúc vì đã được trở lại cuộc sống bình thường”.

Trong những lúc khó khăn nhất, Việt Nam vẫn quyết “không bỏ lại ai phía sau” trong nghĩa tình đồng bào bền chặt.

“Trong lúc gia đình tôi chưa biết trông cậy vào đâu, chỉ biết di chuyển thì lại được sự giúp đỡ của Hội đồng hương Hà Bắc tại Romania, được Đảng và Nhà nước cũng như Đại sứ quán quan tâm giúp chúng tôi về nước”, ông Tuấn bày tỏ.

Hạnh phúc vì có nơi để trở về cũng là cảm xúc của chị Đinh Thị Xuân Nhi, một bác sĩ tại thành phố Odessa. Tới tận lúc đã ngồi trong khoang hành khách cùng cha, mẹ, anh chị em và các cháu, chị vẫn cảm thấy “không thể tin được” sau những biến cố, chị lại có mặt ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

“Thực sự, cảm ơn tất cả đã giúp đỡ chúng tôi. Tôi cũng không nghĩ trên một chuyến bay cứu trợ, chúng tôi lại được phục vụ chu đáo và niềm nở thế này”, chị Nhi nhấn mạnh.

Với những người đã được sơ tán khỏi Ukraine, được về đến quê hương, có lẽ lúc này mơ ước sẽ có một giấc ngủ bình yên nhất sau những ngày khó khăn, vất vả nơi xứ người. Ở một phía khác, những hành trình nghĩa tình đưa người Việt trở về vẫn sẽ tiếp nối trên không để đưa những đồng bào có nhu cầu về quê. Tất cả khong ai bị bỏ lại phía sau./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận