Cần phân cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em

Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho trẻ được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ và phúc lợi xã hội, bệnh viện, phòng tư vấn tâm lý trong trường.

 

Tuy nhiên, chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng.

Do đó, nhiều trẻ không nhận được hỗ trợ cần thiết. Vậy, cần cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em ra sao để giúp các em có một đời sống tinh thần khỏe mạnh?

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa ông, hạn chế hiện nay của hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em là gì?

PGS. TS Trần Thành Nam: Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ em đã được triển khai ở các trường học, bây giờ mỗi trường đều có một phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng nguồn lực và những người vận hành hệ thống này còn thiếu và nhiều hạn chế nên việc phục vụ không hiệu quả.

Các phòng tham vấn chưa làm được nhiệm vụ là sàng lọc và phát hiện sớm được tốt; giáo viên kiêm nhiệm làm công tác này không có đủ năng lực để tư vấn, hỗ trợ cho nhóm hay cá nhân theo nguyên tắc về mặt khoa học.

Còn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần quốc gia, các bệnh viện tâm thần cũng chưa đủ nguồn lực đáp ứng cho cộng đồng, trong khi chúng ta có nhiều kỳ thị đối với dịch vụ này khiến cho các em đang có tổn thương sức khỏe tinh thần không tìm đến các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, tinh thần ở nhà trường hay các bệnh viện để được giúp đỡ.

Ảnh minh họa.PV: Vậy, cần làm gì để hệ thống này đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe tinh thần cho trẻ em?

PGS. TS Trần Thành Nam: Chúng ta cần triển khai hệ thống hỗ trợ tinh thần cho trẻ em dựa trên các bằng chứng khoa học. Trên thế giới họ đưa ra hệ thống này theo tầng, theo bậc.

Ví dụ những bạn hơi có dấu hiệu lệch chuẩn, nguy cơ không thoải mái thì sẽ có chương trình tư vấn tâm lý giáo dục. Với những bạn có triệu chứng lo âu, trầm cảm, stress thì bên cạnh chương trình tư vấn tâm lý phải có chương trình rèn luyện kỹ năng như kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề.

Với những bạn có biểu hiện cao hơn nữa, lo âu, trầm cảm nặng thì can thiệp bằng thuốc hoặc nhập viện.

Nếu chúng ta có hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng theo bậc như vậy thì ở bậc 0, bậc 1, ở nhóm nhẹ thì nhà trường chỉ giúp đỡ những nhóm đó thôi, còn ở những trường hợp ở mức vừa và mức nặng, chúng ta sẽ có hình thức khác hỗ trợ khác cho các em.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận