Du lịch Kon Tum: Liên kết vùng để tạo đà phát triển

Ngành du lịch Kon Tum đang có những bước đi vững chắc, liên kết với các địa phương trong nước và quốc tế để bứt phá mạnh mẽ.

 

Với vị trí địa lý đặc thù và những giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng, ngành du lịch Kon Tum đang có những bước đi vững chắc, liên kết với các địa phương trong nước và quốc tế để bứt phá mạnh mẽ.

Có nhiều tiềm năng

Với lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, một địa điểm trung chuyển quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nằm ở bắc Tây Nguyên, thuộc khu vực Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (có cột mốc 3 mặt độc đáo, là quốc giới 3 nước), Kon Tum được xác định là tỉnh có địa bàn vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại quan trọng của đất nước, đồng thời có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Làng văn hóa du lịch Kon Kơ Tu.

Ngoài vị trí địa lý đặc thù, Kon Tum còn sở hữu nhiều tài nguyên quý giá khác, đó là Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Chư Mom Ray, là VQG duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với VQG Virachey của Campuchia và KBTTN Đông Nam Ghong của Lào. Ngoài ra, Kon Tum còn có KBTTN Ngọc Linh (38.100ha) cùng với KBTTN Sông Thanh và KBTTN Ngọc Linh Quảng Nam tạo thành khu vực bảo tồn thiên nhiên liên hoàn rộng lớn nhất Việt Nam với khoảng 150.000ha, với loài thực vật đặc hữu quý hiếm Sâm Ngọc Linh, được xem là “quốc bảo” của Việt Nam, rừng đặc dụng Đăk Uy và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen - Kon Plong, diện tích hơn 138.000ha đã được quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2030.

Kon Tum sở hữu một “Đà Lạt thứ hai” là thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong). Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen được ví như “nàng thơ” của vùng đại ngàn Tây Nguyên với kiểu khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, được rừng nguyên sinh bao bọc nên cảnh sắc thiên nhiên mang vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Ngoài ra, VQG Chư Mom Ray, thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, Rừng đặc dụng Đăk Uy, KBTTN Ngọc Linh,... là những “mỏ vàng” để Kon Tum phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm hay du lịch thể thao mạo hiểm...

Dệt thổ cẩm truyền thống ở làng VHDL Kon Kơ Tu.

Với các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật rừng đã tạo cho Kon Tum có nguồn tài nguyên du lịch phong phú độc đáo. Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng của các tộc người thiểu số, thể hiện ở các loại hình như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết, điêu khắc - hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát... Trong đó phải kể đến “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đã được UNESCO công nhận.

Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để ngành du lịch Kon Tum phát huy tối đa tiềm lực phát triển du lịch, mở rộng kết nối du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực duyên hải và các tỉnh Nam Lào; Đông Bắc Thái Lan và Campuchia. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, du lịch Kon Tum còn nhiều “điểm nghẽn” trong chính sách thu hút đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông; hệ thống lưu trú và nguồn nhân lực... chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến vùng đất này bao năm qua vẫn “ngủ quên”. Để “đánh thức” được tiềm năng, Kon Tum cần có những động lực mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Hồ Đak Ke, huyện Kon Plong

Liên kết tạo đà phát triển

Sau một thời gian dài bị “đóng băng” bởi Covid-19, giờ đây, du lịch Kon Tum đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn cho các điểm đến. Mới đây, Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch Kon Tum cùng các địa phương trong tỉnh đã tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các tỉnh có tiềm năng du lịch mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Phú Yên... xây dựng thành chuỗi kết nối du lịch với các điểm đến hấp dẫn du khách.

Biểu diễn Cồng chiêng tại hội làng Dak Rang, huyện Ngọc Hồi.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng, để khai thác thế mạnh của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và lợi thế đặc thù khu vực ngã 3 biên giới thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, thì bên cạnh khai thác các tài nguyên du lịch tự nhiên hết sức phong phú, đa dạng và đặc sắc, chứa đựng nhiều di sản văn hóa, trong đó có 2 di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận, gồm: di sản văn hóa vật thể Wat Phou (Lào) và di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Việt Nam), Kon Tum cần từng bước đẩy mạnh thu hút khách du lịch từ các tỉnh vùng Đông bắc của Thái Lan, các tỉnh Nam Lào kết nối với khu vực duyên hải miền Trung của Việt Nam thông qua loại hình du lịch Caravan đi xuyên 3 nước Đông Dương với các điểm đến là các di tích lịch sử, di tích văn hóa của các quốc gia, trải nghiệm đặc sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc vùng cao Tây Nguyên. Đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm như dù lượn, leo núi, chèo thuyền vượt thác,... thu hút khách du lịch.

Ông Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL Kon Tum, cho biết, Sở đã phối hợp với Sở VH-TT&DL các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, tổ chức nhiều chương trình quảng bá sản phẩm du lịch liên kết vùng với chủ đề “Từ biển lên rừng - Một hành trình 5 điểm đến”. Đồng thời tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch với các điểm đến bên nước bạn Lào. Đây là những sản phẩm du lịch mới ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhằm tạo thêm trải nghiệm mới cho du khách trong điều kiện “bình thường mới”. Tham gia các tour du lịch này, du khách sẽ có nhiều cơ hội khám phá cảnh đẹp thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ, các điểm di tích lịch sử, đồng thời, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của đồng bào dân tộc, thưởng thức nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên...

Nhà thờ gỗ Kon Tum.

Bà Lê Thị Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Kon Tum cho biết, thời gian tới, Kon Tum sẽ đẩy mạnh liên kết với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; kết nối các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo nét độc đáo, riêng có trong sản phẩm du lịch Kon Tum.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng: “Kon Tum cần hiểu thấu đáo thị trường để xúc tiến đúng thị trường, đúng phân khúc, đúng thời điểm, tiết kiệm thời gian phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương xúc tiến sản phẩm du lịch của mình; trong đó cần tập trung vào các trung tâm phân phối khách du lịch nội địa lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tấn Thành, cùng chung nhận định, Kon Tum và các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần mở rộng sự liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành, các vùng trên cả nước để xây dựng sản phẩm đặc thù, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tránh trùng lắp, chồng chéo làm giảm giá trị sản phẩm; đồng thời, chú trọng đến mối quan hệ với vùng Duyên hải Nam Trung bộ, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch liên tuyến đặc thù, chất lượng cao./.

“Du lịch Kon Tum còn khá hoang sơ, mộc mạc. Có thể ví Kon Tum là tờ giấy trắng về du lịch, điều này khiến cho việc làm du lịch tại đây vừa dễ mà vừa khó. Dễ là bởi chúng ta có thể vẽ được một bức tranh du lịch đồng bộ, bài bản. Khó là cần tìm được người họa sĩ tài năng, có tâm có tầm, để bức tranh du lịch thời gian tới phát triển”.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận