Bộ TNMT lấy ý kiến các địa phương về sửa Nghị định 08 do khó áp dụng trong thực tiễn

Thực hiện nhiệm vụ rà soát các quy định về môi trường, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến các địa phương rồi tham mưu Chính phủ điều chỉnh để áp dụng dễ dàng hơn.

 

Dự kiến sửa một số điều trong Nghị định 08 về môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có công văn gửi UBND 63 tỉnh/thành phố lấy ý kiến về nội dung sửa đổi một số điều của Nghị định 08 năm 2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.

Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hướng sửa đổi sẽ là tăng thẩm quyền cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý môi trường các dự án này.

Hai loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sửa đổi trong nghị định gồm loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử.

Với ngành chăn nuôi gia súc sẽ sửa đổi theo hướng, dự án công suất nhỏ dự kiến sẽ có quy mô 10-300 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 10-100 đơn vị vật nuôi). Công suất trung bình sẽ từ 300-3000 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 100-1000 đơn vị vật nuôi), công suất lớn là từ 3000 đơn vị vật nuôi.

Với ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử, dự án có công suất trung bình sẽ có quy mô dưới 2000 tấn/năm, quy định hiện tại của Nghị định 08 là dưới 1 triệu thiết bị hoặc dưới 1000 tấn sản phẩm/năm. Dự án có công suất lớn sẽ có quy mô từ 2000 tấn sản phẩm/năm, quy định hiện tại là từ 1 triệu thiết bị hoặc từ 1000 tấn sản phẩm/năm.

Theo quy định của Nghị định 08 với dự án có quy mô công suất nhỏ sẽ do UBND huyện cấp phép môi trường, dự án công suất trung bình do UBND tỉnh cấp phép môi trường và dự án công suất lớn sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Vì vậy, việc sửa đổi nghị định 08 như trên sẽ tăng thẩm quyền của địa phương trong cấp phép, quản lý bảo vệ môi trường các dự án.

Hai loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sửa đổi trong nghị định gồm loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp.Một số điểm trong Nghị định 08 khó áp dụng trong thực tiễn

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Võ Tuấn Nhân cho biết: “Trong quá trình áp dụng trong thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phát hiện một số điểm chưa chuẩn và khó áp dụng trong thực tiễn nên đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa vào chương trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ. Lúc đó Bộ TN&MT sẽ dự thảo và lấy ý kiến các bộ ngành”.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, đây là việc làm thường xuyên sau khi luật có hiệu lực của bất kỳ bộ ngành nào. Việc làm này là thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các địa phương và thực hiện Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các bộ cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương giải quyết thủ tục hành chính.

“Sau khi Luật Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 Chính phủ ban hành Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của luật này. Hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ chúng tôi mới đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương, kiểm tra, nắm bắt trong thực tế để tổng hợp, rà soát và đánh giá. Chúng tôi mới gửi văn bản số 3016 tới các địa phương để lắng nghe đóng góp để tổng hợp và rà soát. Đây là bước chuẩn bị, tổng hợp các ý kiến nằm trong quá trình rà soát trong thực tế sau đó báo cáo, tham mưu cho Chính phủ theo đúng quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường không có thẩm quyền sửa đổi Nghị định, tất cả phải có chủ trương Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Võ Tuấn Nhân chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, mục tiêu của việc rà soát, điều chỉnh Nghị định 08 (nếu có) hướng tới đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

“Chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ, phân cấp phân quyền ở mức độ nào cho phù hợp với năng lực quản lý với các địa phương. Văn bản số 3016 lấy ý kiến để các địa phương rà soát, thống kê, đánh giá, khả năng thực hiện để làm căn cứ chúng tôi báo cáo Chính phủ. Đây mới là bước chuẩn bị của bộ, chưa có chủ trương của chính phủ”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

Cần hiểu đúng đối tượng trong quản lý, cấp giấy phép môi trường

Theo đại diện Bộ TN&MT, nhiều người đang hiểu sai bản chất trong Nghị định 08 khi cho rằng: “Mỗi nhà dân khi khi mổ 10 con lợn hay từ 100 con gà, hoặc nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên phải được UBND huyện cấp giấy phép môi trường, tương đương việc đầu tư một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1000 tấn/năm, hay quy định nuôi từ 100 con trâu, bò ở vùng nhạy cảm cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt”

“Đối tượng mà Nghị định 08 quy định là các hộ, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, nếu người dân tự mổ gà, lợn để ăn thì không thuộc đối tượng”, đại diện Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Lý giải về những con số đề xuất lấy ý kiến các địa phương trong văn bản số 3016, đại diện Bộ TN&MT cho rằng: “Trước khi đưa ra những con số là ngưỡng mức phân cấp để các địa phương góp ý Bộ TN&MT đã tham khảo một số địa phương. Đây mới chỉ là ngưỡng ban đầu để có con số các địa phương góp ý”./.

Văn Ngân/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận