Trường nghề không phải thân phận bên lề

Làm thế nào để kỳ thi chuyển cấp từ THCS lên THPT bớt căng thẳng hơn?

 

Kỳ thi chuyển cấp từ THCS lên THPT dù đã kết thúc mấy ngày nhưng dư âm của nó vẫn khiến nhiều gia đình chưa hết ám ảnh vì tính chất căng thẳng của nó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kỳ thi chuyển cấp này bớt căng thẳng hơn?

Tôi có một đứa cháu năm nay học hết THCS và thi vào THPT. Học lực nó chỉ ở mức trung bình, và với tỷ lệ 50% học sinh có thể vào THPT công lập, nó chắc chắn sẽ không thể đủ điểm. Vậy thì lựa chọn tiếp theo dành cho cậu bé là gì? Học trường tư với mức học phí gấp cả chục lần, và kẽo kẹt cho hết cấp ba, hoặc chọn học một trường trung cấp nghề.

Lựa chọn thực tiễn nhất là đi học trung cấp nghề, sau ba năm học vừa có một nghề nghiệp để có thể tham gia thị trường lao động, vừa có thể tiếp tục thi đại học nếu có chí học hành.

Lựa chọn thực tiễn nhất là đi học trung cấp nghề, sau ba năm học vừa có một nghề nghiệp để có thể tham gia thị trường lao động, vừa có thể tiếp tục thi đại học nếu có chí học hành. Nhưng đó lại là một lựa chọn khó khăn vì rào cản tâm lý. Khi đứa trẻ được thông báo về lựa chọn đó, nó đã suy sụp, như thể tương lai đã đóng sập cửa trước mặt nó.

Bởi, trong mắt lũ trẻ thành phố, hay trong mắt người lớn xung quanh nó, đi học trường nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là mặc nhiên dán nhãn kẻ thất bại. Vì thế, bố mẹ đứa trẻ cuối cùng vẫn phải lập kế hoạch tiết giảm chi tiêu, tìm công việc tạo thêm thu nhập để đứa trẻ có thể vào một trường tư thục trong trường hợp không thể vào trường công.

Câu chuyện của đứa cháu khiến tôi nhớ lại thời điểm mình thi vào trung học hơn ba mươi năm trước. Lớp tôi gần 60 học sinh, một số bạn học giỏi được vào thẳng cấp ba, một số vượt qua kỳ thi, và gần 50% chỉ đủ điểm để vào trường trung học nghề, hay còn gọi là trường vừa học vừa làm.

Hồi đó, tôi biết lựa chọn duy nhất của mình là thi tốt nhất có thể, nếu không vào được cấp ba thì đi học trường nghề, phụ huynh không có nhiều lựa chọn để trăn trở.

Các bạn tôi, những người năm đó không vào cấp ba, họ học trường nghề, đi làm sớm, và sau này ổn cả. Sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở khi đó, dường như đã được thực hiện một cách xuôi chèo mát mái.

Không biết vì lý do gì mà dù trường lớp mỗi ngày một nhiều hơn, nhưng áp lực thi vào công lập lại ngày càng căng thẳng, và sự phân luồng hầu như không còn được nhắc đến ở các gia đình có con thi chuyển cấp? Hầu như rất ít người còn có thể nhận biết về lựa chọn cho con đi học trường nghề.

Ở một đất nước có truyền thống khoa bảng, lấy việc đỗ đạt là mục đích phấn đấu, coi việc tiến đến những nấc thang cao hơn về học vấn làm niềm tự hào… thì tâm lý bằng cấp vẫn luôn nặng nề, thậm chí bất chấp thực tế về phân công lao động của xã hội. Bởi thế, việc phân luồng học sinh sau THCS cần có bàn tay thúc đẩy của chính sách để thay đổi nhận thức của cộng đồng.

Thứ nhất, nhà nước cần đầu tư tốt hơn cho hệ thống trường trung học nghề, về hạ tầng, cơ sở vật chất, cũng như đa dạng hóa ngành học để học sinh hứng thú với lựa chọn của mình.

Thứ hai, cần đảm bảo khả năng liên thông của trường trung học nghề với các bậc học cao hơn để học viên có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ thăng tiến trong tương lai.

Cuối cùng, công tác truyền thông cần chú trọng tập trung về sự hiện diện của các trường trung học nghề như một thành phần giáo dục quan trọng, không tạo cảm giác bên lề của sự nghiệp đào tạo như hiện nay.

Khi mà chính các trường trung học nghề cũng đang phải chịu số phận của những kẻ bên lề của hoạt động giáo dục phổ thông, thật khó để một đứa trẻ, cũng như gia đình chúng chấp nhận trao gửi số phận của mình vào một chỗ bên lề./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận