Hà Nội, TP.HCM cảnh giác với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp tại Hà Nội và TP.HCM. Khi chưa có vaccine, việc phòng bệnh phụ thuộc vào ý thức của người dân.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 25/9 đến ngày 1/10, thành phố ghi nhận 1.127 ca mắc tay chân miệng, tăng 14,4% so với tháng trước. Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 21,5%.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, tay chân miệng và sốt xuất huyết là 2 dịch bệnh không có vaccine. Do vậy, chỉ có thể ngăn chặn bằng các biện pháp phòng, chống cơ bản. Theo bác sĩ Khanh, thời gian tới khi TP.HCM đang bắt đầu vào mùa mưa nhiều, dịch sốt xuất huyết dự kiến còn gia tăng.

“Quan trọng nhất trong phòng, chống 2 dịch bệnh này là ý thức và cách phòng ngừa của người dân. Các dịch bệnh bùng phát bất thường là do sự suy giảm miễn dịch cộng đồng sau thời gian cách ly. Khi thiếu hụt miễn dịch sẽ khiến số ca mắc tăng cao và lây lan mạnh. Do vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Trẻ phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân là dấu hiệu tay chân miệng. (Ảnh: Kim Dung)Với dịch tay chân miệng, các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tiếp tục gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 22 đến 29/9), thành phố ghi nhận hơn 2.500 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Các chuyên gia y tế dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11 tới. Nguyên nhân do diễn biến thời tiết như hiện nay là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.

Cũng theo báo cáo của CDC Hà Nội, cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng mỗi tuần. Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi, với khoảng 140 ca/tuần.

Riêng trong tuần (từ ngày 22 đến 29/9), Hà Nội ghi nhận 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch (gồm 2 ổ dịch tại Ba Vì và 1 ổ dịch tại Sóc Sơn). Theo đánh giá của CDC Hà Nội, mặc dù số ca mắc tay chân miệng có gia tăng, nhưng hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên. Trong đó, virus Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ mắc bệnh.

Để phòng, chống dịch bệnh trong trường học, Hà Nội đã chỉ đạo các trường học tăng cường vệ sinh môi trường; truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh. Riêng với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh để phòng bệnh.

Dấu hiệu cần lưu ý khi trẻ mắc tay chân miệng

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).

- Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Thiên Bình/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận