Nhìn lại quá trình thực hiện đổi mới sách giáo khoa phổ thông

Chương trình chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu và chưa đẩy đủ chương trình các môn học.

 

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới SGK giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chương trình chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu và chưa đẩy đủ chương trình các môn học. Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giảm, vẫn gây áp lực đối với học sinh.

Sáng 5/9, hơn 22 triệu học sinh ở các địa phương trong cả nước chính thức bước vào năm học mới 2023-2024 được ngành giáo dục xác định chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Đây là năm học thứ tư triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong đó có việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 cùng thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)

Biên soạn những bộ SGK phổ thông mới theo phương thức xã hội hóa

Giáo dục đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong các đột phá chiến lược để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị trung ương VIII khóa XI Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông còn kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 26/12/2018, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học ( Bộ GD&ĐT), chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn, trong đó có đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia.

Thực hiện Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và thực hiện Thông tư 32/2018/TT-BGĐT quy định Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Năm học 2023 - 2024 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 4, 8, 11. ( Ảnh: Vĩnh Hà)


Ngành giáo dục triển khai áp dụng chương trình SGK giáo dục phổ thông mới với 5 bộ sách giáo khoa được biên soạn theo xã hội hóa. Đó là SGK “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo”, “ Kết nối tri thức với cuộc sống”; “ Cùng học để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.

Sau một năm thực hiện, 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và ”Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” có tỷ lệ các địa phương lựa chọn thấp nên các nhà xuất bản quyết định không phát hành và chỉ phát hành từ năm 2021-2022 đến nay 3 bộ sách: “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo”, “ Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Những kết quả và tồn tại trong biên soạn SGK giáo dục phổ thông 2018

Có thể nói, chương trình SGK giáo dục phổ thông 2018 là lần thứ 4 ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH 13 về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.

Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cho biết, việc đổi mới chương trình, SGK lần thứ nhất trong giai đoạn 1956-1975 được bắt đầu bằng việc chuyển hệ giáo dục 9 năm thành 10 năm. Lần thứ hai, từ năm 1976 đến năm 2000 là giai đoạn hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc-Nam. Trong đó, từ năm 1976 đến năm 1981, do chưa có chương trình, SGK dùng chung nên ở miền Bắc tiếp tục chương trình giáo dục 10 năm và miền Nam tiếp tục chương trình 12 năm. Qua nhiều khâu chuẩn bị, từ năm học 1981-1982 mới thực hiện việc thay sách cải cách giáo dục lớp 1 trên toàn quốc. Chương trình SGK được đổi mới lần thứ ba từ năm 2002 đến năm 2008. Chương trình SGK lần thứ tư được thực hiện từ năm học 2020-202, khi đó SGK bắt đầu được đưa vào sử dụng với lớp 1.

Việc áp dụng chương trình SGK mới lần thứ 4 được thực hiện cuốn chiếu, trong năm học này đã áp dụng tới lớp 4 của bậc tiểu học, lớp 8 của bậc THCS và lớp 11 của bậc THPT. SGK được điều chỉnh từ khổ 17x24 cm thành khổ lớn hơn là 19x26,5cm. Không chỉ ở cấp tiểu học, tất các SGK được in 4 màu. Hiện có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành và ba công ty cổ phần khác chỉ tham gia biên soạn. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Xác định rõ 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yêú cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông.

Hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh.Việc tổ chức dạy thực nghiệm được tiến hành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc lựa chọn bản mẫu sách giáo khoa, các bài học để tổ chức thực nghiệm thể hiện tính đại diện, điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chương trình chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu và chưa đẩy đủ chương trình các môn học. Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giảm, vẫn gây áp lực đối với học sinh. Việc tổ chức các môn học mới ( Mỹ thuật, âm nhạc....) chưa đáp ứng đẩy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Nội dung SGK môn Tiếng Việt vào lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006. Điều mà dư luận đã thấy là SGK giáo dục phổ thông 2018 có những sơ suất mà mọi người hay gọi là “sạn” đã được phát hiện khá nhiều ở cả 5 bộ SGK trong năm học đầu tiên triển khai và 3 bộ SGK hiện nay.

Nội dung SGK lớp 1 (Bộ Cánh diều) còn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương. Cũng ở bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, nhiều chỗ sử dụng ngôn ngữ địa phương, không mang tính phổ thông, gây khó hiểu cho học sinh, thậm chí giáo viên cũng thấy rất khó để giải thích cho các em học sinh hiểu được nghĩa của câu.

Ví dụ, nhóm biên soạn thay vì viết "nhai" thì dùng những từ như "nhá" (nhá cỏ, nhá dưa), gà con viết thành "gà nhiếp". Nhiều giáo viên khi giảng dạy cũng không thể nào hiểu được từ "gà nhiếp". Và đáng nói hơn là bộ sách trên còn đưa vào những bài tập đọc thiếu tính giáo dục, thậm chí cổ xúy bạo lực.

Để sửa sai, khắc phục những hạt sạn này ở SGK Tiếng Việt 1 (bộ cánh Diều) các đơn vị đã phải in bổ sung hàng trăm nghìn cuốn tài liệu Tiếng Việt để gửi đến các địa phương, nhà trường. Đồng thời, cuốn sách này cũng phải chỉnh sửa, bổ sung trong lần tái bản sau. Theo thông tin từ Bộ GD& ĐT: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn sách, đồng thời phải hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và rà soát chỉnh sửa một số lỗi trong các sách giáo khoa Ngữ văn 6, Lịch sử và Địa lý 6 và một số môn học khác.

Rõ ràng, việc các nhà xuất bản phải chỉnh sửa bổ sung khi tái bản hoặc phải hủy SGK là vô cùng lãng phí cho dù SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chủ trương xã hội hóa. Thế nhưng, một khi kinh doanh thì các đơn vị này phải tính vào giá thành cho các lần tải bản sau chứ không bao giờ chịu lỗ.

Việc SGK có “sạn” có một phần trách nhiệm rất lớn của Hội đồng thẩm định khi họ đã không phát hiện ra những lỗi cơ bản hoặc lỗi sơ đẳng từ nội dung kiến thức môn học Ngân sách nhà nước thì phải đầu tư rất nhiều tiền để chi trả chế độ cho Hội đồng thẩm định SGK. Thế nhưng, sau mỗi sự cố về SGK thì không thấy một vị nào trong Hội đồng thẩm định lên tiếng và cũng chưa nghe ai trong Hội đồng thẩm định bị kỷ luật hay chịu bất kỳ hình thức nhắc nhở nào từ các cơ quan có thẩm quyền.

Việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình GDPT 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập; việc lựa chọn nhóm môn học khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và khó lựa chọn môn học phù hợp, đa số sẽ chọn theo cảm tính và định hướng của gia đình, gây nhiều khó khăn cho quá trình học tập sau này. Cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II, gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới. Việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp, rõ nhất là 2 môn học Lịch sử và Địa lý, gây khó khăn nhiều cho giáo viên giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của học sinh.

GS.TS Nguyễn Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nội dung Lịch sử trong môn Lịch sử - Địa lý (bậc THCS) còn khá nặng nề so với lứa tuổi học sinh. Một khối lượng kiến thức gần như của THPT trước đây được dồn nén vào THCS. Trong đó, nặng nhất là lớp 9.

Ông Trương Quốc Tám, chuyên viên Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, Bộ GD&ĐT có quy định hệ thống thiết bị dạy học môn Lịch sử trong đó có bộ học liệu điện tử. Nhưng bộ học liệu này bản thân giáo viên tìm không có, chưa nói đến học sinh.

Ông Tám cũng băn khoăn khi chương trình sắp triển khai hoàn thiện cả ba cấp, nhưng hiện nay, sự hoàn thiện đồng bộ vẫn còn thiếu. Ông Nguyễn Hữu Hào, chuyên viên Sở GD&ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng: Các trường, sở GD&ĐT đang triển khai theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, giáo viên Địa lý được đào tạo bồi dưỡng kiến thức môn Lịch sử, và ngược lại trong thời gian ngắn 3 tháng. Mục tiêu để giáo viên Lịch sử dạy được Địa lý, giáo viên Địa lý dạy được Lịch sử. Môn Khoa học tự nhiên cũng đang như vậy nên rất khó khăn. Đào tạo thời gian quá ngắn hiệu quả như thế nào trong khi để dạy một môn học, giáo viên mất từ 3-4 năm đào tạo.

Ông Nguyễn Hữu Hào, kiến nghị, Bộ GD&ĐT sớm có quyết định trả lại vị trí độc lập 2 môn học này. Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 26/12/2018. Đến ngày 3/8/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 13 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, Lịch sử được điều chỉnh trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT, thay vì tự chọn như trước đó.

Bộ SGK giáo dục phổ thông mới được biên soạn theo hướng xã hội hóa còn nhiều sạn, bất cập như trên, nguyên nhân là do việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là đối với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Cụ thể là bộ sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 Bộ Cánh diều; Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 của bộ sách Chân trời sáng tạo; sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, việc ban hành chương trình sách giáo khoa dân tộc thiểu số còn chậm trễ trong cả hai khâu: ban hành chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa. Đồng thời cần sớm khắc phục những hạn chế trong việc biên soạn sách giáo khoa song ngữ tiếng Việt và tiếng một số dân tộc ít người đối với một số môn học ở cấp tiểu học và việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới ở vùng miền núi, hải đảo, điều kiện khó khăn Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng, phải vừa làm vừa điều chỉnh, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia vào quy trình biên soạn sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa được huy động nhiều nhưng số lượng tác giả có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông còn hạn chế; nhiều người lần đầu tham gia viết sách giáo khoa. Do vậy, việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học ở một bản mẫu sách giáo khoa chưa phù hợp với đối tượng học sinh.

Các nước trên thế giới và nước ta sử dụng sách giáo khoa như thế nào?

Tại Trung Quốc thực hiện đa dạng hóa SGK tuy nhiên Bộ giáo dục Trung Quốc vẫn biên soạn một bộ SGK cạnh tranh cùng các bộ sách khác. Quyền lựa chọn SGK thuộc về các sở giáo dục hoặc chính quyền thành phố. Trung Quốc thực hiện miễn phí SGK của nhà nước cho tất cả học sinh trong giáo dục cơ bản.

Tại Hàn Quốc hiện cho phép lưu hành 6 bộ SGK. Mỗi trường học được quyền tự lựa chọn bộ SGK trong danh mục phê duyệt của Bộ Giáo dục. Hàn Quốc cũng miễn phí SGK cho học sinh từ năm 2021. Trước năm 2021, giá SGK được quyết định bởi các nhà xuất bản nhưng Bộ Giáo dục được can thiệp để giảm giá khi cần thiết.

Tại Nhật Bản, sách giáo khoa được Bộ Giáo dục Văn hóa, Thể thao, khoa học và Công nghệ (MEXT) kiểm tra, đánh giá và phê duyệt. SGK được cung cấp miễn phí cho học sinh, sinh viên từ nguồn ngân sách chính phủ.

Đặc biệt, Nhật Bản sẽ cấp phát sách giáo khoa điện tử miễn phí cùng với máy tính cho mỗi học sinh từ năm học 2024, có thể làm giảm chi phí mua sách giao khoa tại nước này. Tại Nga, học sinh ở các trường công cũng được phát sách giáo khoa miễn phí ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, sách không thuộc sở hữu của học sinh mà phải trả lại để khóa sau tiếp tục sử dụng.

Ở Mỹ, các trường cũng có SGK. Tuy vậy, giáo viên chủ yếu dựa vào khung chương trình, ít sử dụng sách giáo khoa. Mỗi trường, cụm trường hay quận dùng những bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc lựa chọn sách gì, giáo trình của công ty nào là do kết quả làm việc giữa từng trường hoặc học khu với công ty xuất bản SGK. Chi phí sách giáo khoa do trường chi trả. Các em học sinh thường dùng sách tại trường mà không mang về nhà.

Tại nước ta, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH 13 về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông theo chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Vậy nên, ngoài việc khuyến khích các tổ chức, các nhân biên soạn SGK, Nghị quyết số 88/2014/QH 13 cũng nêu rõ, Bộ Giáo dục & Đào tạo được giao biên soạn một bộ SGK chung của cả nước nhưng đến nay, Bộ này vẫn chưa thực hiện nội dung này theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Về vấn đề này, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho rằng, nếu quay về thực hiện đúng theo Nghị quyết 88 sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn hiện nay về vấn đề SGK; do đó, rất cần thiết biên soạn một bộ SGK của nhà nước, thậm chí là càng biên soạn sớm càng tốt. Khi Nhà nước có một bộ SGK, những lộn xộn liên quan đến nội dung, hình thức, đặc biệt là giá cả SGK sẽ được dẹp bỏ.

Theo ông Đặng Tự Ân, việc có thêm một bộ SGK của nhà nước không gây ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình mới; vẫn tồn tại nhiều bộ sách trên thị trường. Bộ sách của nhà nước đi sau tất nhiên sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại của các bộ sách hiện có, từ đó tối ưu hóa tính chuẩn mực. Dù là bộ SGK của nhà nước nhưng các bộ sách vẫn bình đẳng. Việc chọn lựa SGK sẽ do chính nhà trường, thầy cô quyết định căn cứ quá trình tìm hiểu, so sánh của mình.

Đồng quan điểm trên, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) Hoàng Ngọc Vinh nêu ý kiến, “Bộ GD&ĐT nên chủ trì biên soạn một bộ SGK tiêu chuẩn cốt lõi”. SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn được tiêu chuẩn hóa đảm bảo một chương trình giảng dạy nhất quán giữa các trường và lớp học trên cả nước. Điều này giúp duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất và giảm sự chênh lệch về kết quả học tập.

"SGK của Bộ có thể phù hợp với các đánh giá được tiêu chuẩn hóa, giúp việc kiểm tra, đánh giá tiến bộ của học sinh khách quan, công bằng trên diện rộng dễ dàng hơn. Đây là điều mà việc thực hiện nhiều bộ sách xã hội hóa như hiện nay không có được", nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) Hoàng Ngọc Vinh phân tích./.

Theo VOV.VN

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận