Tài xế nói gì khi Bộ Công an lại đề xuất siết giờ lái xe

Bộ Công an tiếp tục đề xuất tài xế xe tải, xe khách không được lái xe liên tục quá 3 giờ vào ban đêm, giữa 2 lần phải dừng nghỉ tối thiểu 30 phút.

 

Điều này đang nhận được sự quan tâm của dư luận bởi nếu được thông qua sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là các lái xe đường dài.

Theo đề xuất của Bộ Công an, từ 6h - 22h, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng; thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với lái xe taxi, xe buýt và 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ, các loại hình kinh doanh vận tải còn lại.

Cũng theo đề xuất này, từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 tiếng; thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải khác.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Công an, anh Vi Thế Tài, một lái xe đường dài cho biết, nếu lái xe vào ban ngày khoảng 2-3 giờ đồng hồ liên tục sẽ gây cảm giác mệt mỏi, các tài xế cũng thường xuyên phải chia nhỏ chặng đường để nghỉ ngơi giúp đảm bảo tinh thần tỉnh táo.

Còn vào ban đêm, việc lái xe quá lâu và cung đường dài sẽ dẫn đến cảm giác hoa mắt, buồn ngủ, do đó chỉ 1 vài giây chợp mắt, mất tập trung trong lúc lái xe cũng có thể dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Anh Vi Thế Tài chia sẻ: “Như ban đêm, thời gian từ 10h đêm đến 6h sáng hôm sau rất buồn ngủ, nếu như có nơi có thể dừng đỗ như cây xăng hoặc trạm dung nghỉ trên cao tốc thì bản thân mình sẽ tìm điểm đỗ. Những lúc buồn ngủ chỉ cần chợp mắt 10-15 phút là cảm giác khỏe hẳn ra và có thể tiếp tục được.

Tuy nhiên nếu dự thảo luật này được đưa vào thực tế thì cũng có 1 số khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Ví dụ như vận tải xe khách hoặc xe đầu kéo có tài xế chuyên nghiệp chở hàng bắc-nam người ta cũng phải di chuyển trên đường liên tục còn việc nghỉ ngơi thế nào là do các lái xe tự bố trí cho nhau thôi”.

Tuy nhiên theo tài xế Phạm Ngọc Thực, nếu đề xuất quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô được thông qua sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Trong đó người chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ là các tài xế bởi thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ bị chậm lại, có thể dẫn đến hỏng hàng hóa và kéo theo nhiều chi phí phát sinh.

Đó là chưa kể, nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ ở nước ta thiếu nơi đủ điều kiện dừng đỗ xe đảm bảo ATGT cho các tài xế.

“Có nhiều tuyến đường cao tốc đang chạy không thể dừng đỗ để nghỉ ngơi được, trên cao tốc không phải chỗ nào cũng có trạm dừng nghỉ để chúng tôi nghỉ. Vấn đề lái không quá 4 tiếng thay vì 8 tiếng sẽ trì hoãn rất nhiều thứ liên quan đến việc thời gian cung ứng hàng hóa cho khách hàng thì doanh nghiệp cũng không thể sai hẹn mà có nhiều mặt hàng không thể chậm trễ được.

Mà có các doanh nghiệp không thể nào thuê được 2 tài xế để thay đổi nhau chạy. Khiến cho doanh nghiệp và các lái xe gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa, phương tiện”, tài xế Phạm Ngọc Thực cho biết

Anh Nguyễn Thái Hùng, một chủ xe container phân tích, hiện nay giá cước vận tải của một chuyến hàng container khá sát với chi phí. Đơn cử, giá cước một chuyến container từ Hải Phòng- Sài Đồng (Hà Nội) là 5,4 triệu đồng, sau khi trừ đi xăng xe, phí đường bộ, chi phí lái xe, chủ xe còn lại khoảng trên dưới 1 triệu đồng.

Nếu siết quy định về thời gian lái xe ban đêm sẽ gây khó cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Bởi đây là lĩnh vực có đặc thù riêng là phụ thuộc vào thời gian, nhu cầu của chủ hàng và đa phần hoạt động vào ban đêm.

Các lái xe container, lái xe đường dài cũng có thói quen, chế độ giờ giấc sinh hoạt mang tính đặc thù nên dù có đổi lái xe lúc ban đêm theo quy định thì lái xe cũng rất khó để ngủ lại.

Anh Nguyễn Thái Hùng cho biết thêm: “Thay đổi về giờ giấc, các doanh nghiệp vận tải hành khách có thể đáp ứng được nhưng các doanh nghiệp vận tải chở hàng hóa không thể đáp ứng được. Bởi vì xe tải chở hàng hóa giờ giấc không cụ thể, không ổn định, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Mỗi một chuyến hàng cung đường khác dài ngắn khác nhau, cung đường khác nhau, nếu mà đưa ra quy định chặt như thế rất khó. Nếu thay đổi về thời gian lái xe như thế thì rất nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ dừng lại”.

Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics, đối với từng ngành hàng, chi phí logistic chiếm tỷ lệ khác nhau trong giá thành sản phẩm. Quy định về giới hạn thời gian lái xe liên tục chắc chắn sẽ làm tăng chi phí logistic của các doanh nghiệp vận tải, từ đó tác động tới các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Do đó, cần phải thận trọng, tiến hành khảo sát trước khi ban hành quy định mới về thời gian làm việc của người lái xe:

“Một số địa phương có quy định xe tải không được chạy ban ngày hoặc cấm giờ, họ lại phải chạy ban đêm, đặc biệt là xe đầu kéo, container. Logistic ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và các doanh nghiệp sản xuất bởi vì nó tham gia trực tiếp vào quá trình lưu thông hàng hóa.

Cần phải làm khảo sát, căn cứ thực tế các lái xe, các nước trong khu vực có lao động tương đương, phải có khảo sát trong cộng đồng các doanh nghiệp mới chính xác”

Trao đổi với PV Kênh VOV Giao thông, ông Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Về lâu dài, việc giảm giờ làm việc cho lái xe là hoàn toàn phù hợp. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng quy định này đối với tài xế và đã đạt hiệu quả nhất định. Việc quy định giờ làm việc cho các lái xe trước tiên sẽ nâng cao mức an toàn cho lái xe, hành khách cũng như giảm thiểu những thiệt hại về tài sản cho các doanh nghiệp.

Sau Bộ GTVT thì mới Bộ Công an tiếp tục đề xuất tài xế xe tải, xe khách không được lái xe liên tục quá 3 giờ vào ban đêm - Ảnh minh họa

“Mình cũng rất đồng tình với đề xuất này, theo quy định chung của VN lâu nay và thế giới người ta đã quy định thế mình cũng cho là hợp lý đối với sức khỏe của người VN mình. Tuy nhiên các doanh nghiệp không đồng ý vì thích xe của họ đi không phải dừng nghỉ gì hết, sớm được bao nhiêu tiếng thì người ta thích.

Còn các lái xe cũng không biết mình đang bị bóc lột sức lao động, đang bị sức ép dồn để đảm bảo chỉ tiêu chạy theo giờ, kịp chuyến cho doanh nghiệp. Còn việc đường quốc lộ ngày xưa không có dừng nghỉ thì đó là tồn tại của nhiều năm nay. Nhưng mà đã đi đường cao tốc thì chính xác 50km sẽ có trạm dừng nghỉ”, ông Quyền nói.

Trước đó, lý giải về đề xuất quy định giờ làm việc cho lái xe, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, theo thống kê, từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau là khoảng thời gian xảy ra các vụ tai nạn giao thông nhiều nhất, chiếm hơn 60%. Ban đêm là thời điểm thay đổi chu kỳ sinh học của con người, việc lái xe vào khoảng thời gian này rất dễ xuất hiện sự mệt mỏi, buồn ngủ. Thêm vào đó, tầm quan sát bị hạn chế, nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông vô cùng cao.

Trước lo ngại nhiều tuyến đường hiện nay đang thiếu trạm dừng nghỉ, tài xế không có chỗ để đỗ xe an toàn, tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 25 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32 năm 2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, trạm dừng nghỉ phải nằm trong thành phần dự án đường cao tốc.

Do đó, hiện nay bất kỳ đường cao tốc nào cũng sẽ phải có trạm dừng nghỉ để cho các lái xe nghỉ ngơi khi cần.

Hải Bằng/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận