Cụ thể hóa chủ trương về thu hút nhân tài

  • 04/12/2023 02:30:00
  • VOV Giaothong.vn
  • Xã hội
  • 0

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo với NĐ quy định chính sách trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Trong đó, đề xuất các tiêu chí, điều kiện công nhận người có tài năng, cùng những chính sách trọng dụng người có tài...

Dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định thu hút và trọng dụng người có tài năng) gồm 6 chương, 22 điều: Những quy định chung; Nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, thẩm quyền và quy trình lựa chọn, công nhận người có tài năng; Chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng; Tổ chức thực hiện; Điều khoản thi hành.

Trong đó, Điều 3 quy định: Người có tài năng là người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội;…

Tiêu chí, điều kiện xem xét, xác định người có tài năng được quy định tại Điều 7 và Điều 8 của dự thảo Nghị định. Trong đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Có thời gian công tác liên tục từ 5 năm trở lên; Được cơ quan có thẩm quyền đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục trong 3 năm gần nhất; Được người đứng đầu cơ quan sử dụng xác nhận đạt tiêu chí người có tài năng;…

Với người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Thành thạo và nắm vững chuyên môn nghiệp vụ; Chủ động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao; Luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ;…

Với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong ít nhất 3 năm liên tục và đạt thành tích có tác động, ảnh hưởng tích cực; Có năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện; Bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;…

Còn đối với các đối tượng được thu hút, người có tài năng được xác định là: Người có tư duy, năng lực sáng tạo vượt trội; Am hiểu sâu sắc chuyên môn; Có thời gian làm việc trong ngành, lĩnh vực chuyên môn từ 3 năm trở lên; Tạo ra những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, được tổ chức trong nước hoặc quốc tế công nhận;…

Dự thảo Nghị định thu hút và trọng dụng người có tài năng đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Dự thảo sẽ được gửi, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

THU HÚT NHÂN TÀI VÀO CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Dự thảo Nghị định thu hút và trọng dụng người có tài năng đề xuất những chính sách nào để thu hút nhân tài vào làm việc, cống hiến tại các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập? PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ - đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định.

PV: Ông có thể chia sẻ những điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị định?

Ông Nguyễn Tuấn Ninh: Thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo Nghị định.

Chúng tôi cũng có thuận lợi là vừa qua, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899 về Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu những cơ chế của các quốc gia phát triển và các quốc gia tương đồng Việt Nam để áp dụng đảm bảo phù hợp.

Một là dự thảo Nghị định xác định rõ thế nào là người có tài năng, đồng thời đưa ra các tiêu chí, điều kiện để xác định, công nhận.

Thứ hai, tìm kiếm, phát hiện người có tài năng để thu hút vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; được triển khai trên đối tượng rất rộng, trong tất cả lĩnh vực, phạm vi, cả trong nước và nước ngoài.

Thứ ba là việc tiến cử, giới thiệu, thẩm quyền, quy trình lựa chọn, công nhận người có tài năng.

Thứ tư, quy định các chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, nổi bật là các chính sách tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ, tài năng.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng đề cao vai trò của cấp ủy, người đứng đầu, có trách nhiệm phát hiện, tiến cử, giới thiệu và tạo nguồn cán bộ công chức, viên chức có tài năng.

Ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ (Ảnh: Vnexpress)PV: Xin ông cho biết cụ thể về những chính sách trọng dụng người có tài năng được đề cập trong dự thảo Nghị định?

Ông Nguyễn Tuấn Ninh: Thứ nhất, chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc. Thứ hai, chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm. Người có tài năng có thể được ưu tiên, xem xét, lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực công tác mà không phụ thuộc vào số năm công tác.

Trường hợp đối tượng được thu hút không đáp ứng điều kiện tuyển dụng công chức, viên chức thì được ưu tiên ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ để bổ nhiệm vào vị trí điều hành, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba, chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi. Một số đãi ngộ về khoản tiền khuyến khích hằng tháng với người có tài năng, ưu tiên xét bậc lương trước thời hạn, hoặc xét nâng ngạch công chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Được ưu tiên thuê nhà ở công vụ hoặc vay tiền mua nhà ở trả góp theo bảo lãnh của cơ quan, tổ chức, từ ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

Được hỗ trợ về nhà ở, điều kiện sinh hoạt khi được luân chuyển, biệt phái đến nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn. Khi đến tuổi hưu trí, nếu còn đủ sức khỏe, có nguyện vọng và cơ quan, đơn vị có nhu cầu thì được xem xét kéo dài thời gian làm việc và được giữ nguyên các chức vụ, chức danh đang đảm nhận.

Thứ tư, chính sách về tôn vinh, khen thưởng. Thứ năm, các chế độ khác theo quy định của các bộ, ngành, địa phương. Đây là nghị định khung, trên cơ sở nghị định này thì các bộ, ngành, địa phương sẽ có những quy định cụ thể để phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn.

PV: Xin cảm ơn ông!

CÁC CHÍNH SÁCH CÓ HẤP DẪN?

Chính sách trọng dụng người có tài năng cần được để cập và thực thi thế nào để thực sự thu hút nhân tài vào các vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Ngô Thành Can, nguyên Phó trưởng Khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia về nội dung này.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của dự thảo Nghị định này?

PGS. TS. Ngô Thành Can: Không phải bây giờ chúng ta mới chú ý, mà ngay từ khi lập nước chúng ta đã thu hút, động viên được rất nhiều người tài năng ở trong nước và ngoài nước về để phục vụ đất nước.

Thực tiễn cho thấy bên ngoài, tình hình quốc tế có nhiều thay đổi: toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo,… đòi hỏi những người đi tiên phong, những người giỏi để triển khai.

Các văn bản, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Đại hội XIII, Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai thực hiện. Tóm lại, đây là chính sách rất cần thiết, ban hành càng sớm càng tốt.

PV: Ông có đánh giá thế nào về tiêu chí, điều kiện công nhận người có tài năng được đề cập trong dự thảo Nghị định?

PGS. TS. Ngô Thành Can: Các tiêu chí này đã bao phủ được, nhưng nếu áp dụng vào từng cơ quan, tổ chức thì nó vẫn còn chung chung. Ví dụ, thế nào là những người có năng lực vượt trội? Thế nào là thành công tầm cỡ quốc gia hay tầm cỡ tổ chức? Có lẽ là những tiêu chí này từng bước cần được các đơn vị cụ thể thêm.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta đề cập, đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi đánh giá cao bước đầu chúng ta đã đưa ra được những nhóm tiêu chí tương đối rõ ràng.

PGS. TS. Ngô Thành Can, nguyên Phó trưởng Khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia (Ảnh: VOV)

PV: Theo ông, những chính sách trọng dụng được đề cập liệu đã đủ sức thu hút nhân tài vào các vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập?

PGS. TS. Ngô Thành Can: Đánh giá chung là đã đảm bảo những yếu tố cần thiết để thu hút họ về, thúc đẩy họ làm việc và giữ họ ở lại.

Hệ thống chính sách cần có sự phân biệt nhất định: một nhóm là tài năng về quản lý nhà nước, một nhóm là triển khai thực thi các chuyên môn cụ thể: công nghệ tin học, nghiên cứu về môi trường, phát triển hệ thống giao thông, xây dựng, v…v…

Những chính sách này khi về các đơn vị cần cụ thể hơn, tạo những điều kiện ngoài phần mà Nghị định đã chỉ rõ. Đó là sự công nhận, là những hỗ trợ để họ sẵn sàng ở lại lâu dài với tổ chức như: công việc, gia đình, việc học tập của con cái,…

Đặc biệt là mối quan hệ giữa người tài năng và người quản lý họ, giữ được mối quan hệ cân bằng để sử dụng được tài năng của họ.

Một lưu ý thêm nữa là sự tham gia đóng góp của các tổ chức trong hệ thống chính trị để làm sao đi suốt quá trình này, kể cả việc giám sát, theo dõi, kiểm tra, thực thi chính sách để đạt kết quả tốt.

PV: Theo ông, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành thì sẽ có tác động xã hội như thế nào?

PGS. TS. Ngô Thành Can: Trước hết, nó tạo ra một phong trào, cách làm, cách tuyển dụng người có năng lực. Những người có năng lực làm ở đâu đó thì họ sẽ nghĩ đến khu vực công, họ được đóng góp trực tiếp và phục vụ nhân dân.

Người ta thấy người tài được trọng dụng, sẽ giới thiệu, tiến cử những người khác, nhất là những người có năng lực, có tài năng đang ở nước ngoài.

Một phần nữa là tạo ra được niềm tin vào các chính sách của nhà nước ngày càng hướng tới người dân. Chúng ta sẽ đảm bảo được hai khối công việc là xây dựng thể chế tốt và phát triển đội ngũ nhân lực tốt.

Hệ thống thể chế tốt sẽ đưa xã hội tốt lên, kéo theo đội ngũ nhân sự tốt lên. Và khi đội ngũ nhân sự tốt lên thì nó quay lại định hướng, làm công tác thể chế tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông.

Góp ý thêm vào dự thảo Nghị định thu hút và trọng dụng người có tài năng, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng:

Vấn đề nhân tài, sử dụng nhân tài là vấn đề chung, thời đại nào cũng đặt ra. Bây giờ chúng ta triển khai với tất cả mối quan tâm của nhà nước, có thể có những tổng kết rất rõ: tại sao bao nhiêu trí thức đã về rồi mà họ không tồn tại được, không duy trì nhiệt huyết ban đầu? Rất nhiều người đi nước ngoài, họ không trở về và không tham gia vào bộ máy nhà nước. Có những chính sách Bộ Nội vụ không thể can thiệp được, ví dụ chính sách về cán bộ chẳng hạn.

Những trí thức, người có tài họ mong có môi trường hoạt động để có thể cống hiến một cách tốt nhất, không bị ràng buộc, nhưng chức vụ cũng là một công cụ quan trọng để người ta phát huy được năng lực. Những trí thức không có điều kiện vào Đảng thì người ta rất khó đóng góp. Vì thế, chúng ta phải nghiên cứu những cái chưa thành công để khắc phục nó.

Trọng dụng hiền tài là truyền thống văn hiến của dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, phát huy nhân tố con người càng được đề cao, và được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Dự thảo Nghị định thu hút và trọng dụng người có tài năng vừa là sự tiếp nối truyền thống, vừa là sự cụ thể hóa chiến lược của Đảng, khắc phục các bất cập trong thu hút sử dụng người tài trong thời gian qua../.

Minh Hiếu/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận