Nỗ lực giảm thiểu hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • 19/10/2023 04:21:15
  • Lê Thị Lan Hương
  • Xã hội
  • 0

Tại nhiều trường Phổ thông dân tộc bán trú và trong đồng bào DTTS và miền núi, việc tuyên truyền về tảo hôn, HNCHT đã được triển khai sâu rộng.

 

Hiện nay, việc giải quyết tận gốc tình trạng hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn đang là bài toán khó. Tại nhiều trường Phổ thông dân tộc bán trú và trong đồng bào DTTS và miền núi, việc tuyên truyền về tảo hôn, HNCHT đã được triển khai sâu rộng bằng các hình thức phong phú, đa dạng.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Pố Lồ (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng nhằm tuyên truyền về tảo hôn, HNCHT cho học sinh của trường. Cuộc thi nhằm tạo điều kiện thúc đẩy cho các em học sinh có sân chơi bổ ích, nắm bắt được các chính sách pháp luật và quan điểm của Nhà nước ta về Luật Hôn nhân và Gia đình; đặc biệt là những tác hại của nạn tảo hôn, HNCHT. Cuộc thi thu hút sự tham gia của 19 thầy cô giáo và 271 em học sinh. Buổi truyền thông tạo được hào hứng và ý nghĩa to lớn cho toàn thể học sinh trong việc nâng cao nhận thức về những hệ lụy và góp phần xóa bỏ nạn tảo hôn, HNCHT trên địa bàn.

Tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, UBND, Hội LHPN xã Tri Lễ và Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tri Lễ tổ chức Chương trình Giáo dục Kỹ năng sống và An ninh học đường, tuyên truyền phòng chống tảo hôn, HNCHT và Luật Hôn nhân gia đình cho hơn 300 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9… Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT; giúp các em học sinh nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Tuyên truyền phòng chống hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS.

UBND xã Tà Long (huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị) cũng tổ chức thành công Hội thi Tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và HNCHT. Tham dự hội thi có 5 đội thi đến từ 6 thôn trên địa bàn xã gồm: Trại Cá, Pa Hy, Ly Tôn, Tà Lao, Chai, Xi Pa. Các đội thi phải trải qua 2 phần thi gay cấn gồm: Tiểu phẩm tuyên truyền, phần thi tìm hiểu kiến thức: trả lời câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Hội thi thu hút đông đảo bà con nhân dân đến xem và cổ vũ.

Hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS. Ông Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch cho biết, hiện nay, tỷ lệ kết hôn cận huyết thống trong vùng DTTS qua các năm có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, phổ biến vẫn là hình thức kết hôn giữa con cô - con cậu; con dì - con già; con chú - con bác. "HNCHT không được ủng hộ bởi những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe các thế hệ con cháu. Ngoài ra, HNCHT là vi phạm các điều kiện về Luật hôn nhân. Mặc dù tỷ lệ HNCHT không cao như tảo hôn nhưng hậu quả lại rất nặng nề”, ông Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Những đứa trẻ sinh ra có tuổi thọ không cao, sức đề kháng kém, có thể sống mòn vì những di chứng từ hôn nhân cận huyết... Những hệ lụy này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống mà còn làm suy giảm sức khỏe của thế hệ con cháu, gây suy thoái giống nòi, ảnh hưởng xấu tới quy mô và chất lượng dân số; gia tăng tỷ lệ bệnh tật, đói nghèo, thất học; gây ra những khó khăn nhiều mặt cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo, tỷ lệ tử vong ở thế hệ sau của những cặp vợ chồng cùng huyết thống là rất cao, gấp 3 lần so với những người bình thường; tỷ lệ trẻ em bị dị tật còn cao hơn nữa, gấp khoảng 5 - 6 lần.

Trước thực trạng đó, ông Trần Hữu Sơn cho rằng, để ngăn chặn những hậu quả xấu do hôn nhân cận huyết gây ra, cần phải tăng cường sự chỉ đạo, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các cấp. Nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề HNCHT trong vùng đồng bào DTTS; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống HNCHT. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Xây dựng các mô hình điểm hướng tới mục tiêu không HNCHT để học tập, nhân rộng, thu hút người dân tham gia thực hiện. “Đặc biệt, xử lý nghiêm các vi phạm về HNCHT trên địa bàn. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu trong việc phòng, chống HNCHT đảm bảo kịp thời, không né tránh, không bao che, không ngại va chạm".

Hiện nay, việc giải quyết tận gốc tình trạng HNCHT vẫn đang là bài toán khó. Nhưng tin rằng, với sự nỗ lực qua công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu sát và lâu dài của các cơ quan quản lý Nhà nước, tình trạng này sẽ dần giảm thiểu và được đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận