Vì sao thí sinh vẫn thờ ơ với ngành sư phạm?

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành sư phạm tăng 30% nhưng số thí sinh đăng ký lại giảm. Liệu nó có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo?

 

 

Nhu cầu tăng, thí sinh đăng ký lại giảm

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay: Qua tổng hợp số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học năm 2019 của thí sinh trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 20/4, cả nước có 115.311 nguyện vọng đăng ký xét tuyển ngành sư phạm, trong đó có 39.789 nguyện vọng 1 ngành sư phạm. So với năm 2018, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển ngành này giảm gần 8%.

Đáng chú ý, trong khi số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ngành sư phạm giảm, thì tổng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm năm 2019 lại tăng 30% so với năm 2018. Cụ thể, năm 2019, tổng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm của các trường trên cả nước là 46.285 sinh viên (trong khi năm 2018, tổng chỉ tiêu ngành này là 35.590 sinh viên). Số chỉ tiêu xét theo kết quả thi trung học phổ thông Quốc gia là 29.690 sinh viên (tăng gần 22% so với năm 2018); số chỉ tiêu còn lại dành cho các phương thức xét tuyển khác của các nhà trường.

Lý giải chỉ tiêu sư phạm tăng, bà Phụng thông tin, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Cục Nhà giáo phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2018 đến 2025. Theo đó, tất cả các tỉnh thành phải cân đối nhu cầu đào tạo giáo viên mà tỉnh mình cần bổ sung trong giai đoạn đó. So với năm ngoái, nhu cầu đào tạo giáo viên các tỉnh đưa lên tăng so với năm trước cho nên chỉ tiêu đào tạo sư phạm của năm nay tăng.

“Nếu như tính đúng, các tỉnh sẽ phải tính số giáo viên đang sử dụng, độ tuổi của họ ra sao, bao nhiêu người sẽ về hưu, cần bổ sung bao nhiêu vì những lý do như chuyển ngang..., từ đó tính ra số giáo viên cần tuyển rồi đề xuất lên. Bộ sẽ dựa theo đó để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh đó, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm cũng dựa trên cơ sở năng lực của các trường…”- bà Phụng cho biết.

Ngành sư phạm  không hút học sinh giỏi do việc làm, thu nhập và sự tôn vinh.

 

Không hút được người giỏi, lo ngại chất lượng

Câu chuyện ngành sư phạm “ế” thí sinh, “vét” thí sinh luôn "nóng" mỗi mùa xét tuyển. Thực tế, vài năm gần đây nhiều trường sư phạm dù điểm chuẩn cao hay thấp, vẫn không có người học. Mùa tuyển sinh năm 2017, ngành sư phạm gây lo lắng cho xã hội khi điểm đầu vào của nhiều trường đại học, cao đẳng thấp. Ví dụ, Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 6/14 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn là 15,5, bằng mức sàn. Đặc biệt khối cao đẳng sư phạm, có trường chấp nhận thí sinh được 3 điểm mỗi môn. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT đã gấp rút yêu cầu giải quyết chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp.

mùa tuyển sinh 2018, để khắc phục sự “xuống dốc” của các trường sư phạm, ngành sư phạm giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh, còn 35.000, giảm 17.000 so với năm trước. Bộ GD-ĐT đã quy định mức điểm sàn riêng. Theo đó, thí sinh đăng ký vào các trường đại học sư phạm phải đạt từ 17 điểm, cao đẳng sư phạm từ 15 điểm trở lên. Tuy nhiên, với mức điểm sàn này, nhiều trường sư phạm đã không tuyển được thí sinh. GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho hay các trường hiện chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, do đó tạo nên sự dư thừa. Việc quy hoạch các trường dù đã tiên lượng được hậu quả nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi. GS Minh cho hay chất lượng đào tạo sư phạm quyết định sự thành bại của đổi mới, trong đó phụ thuộc vào chất lượng đầu vào; chương trình đào tạo và cách thức đào tạo.... Nếu không đủ điều kiện đảm bảo đó rất khó có thầy giỏi.

Theo một số lãnh đạo trường sư phạm, có 3 yếu tố khiến học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm là việc làm, thu nhập, sự tôn vinh và cơ hội thăng tiến. Cô Nguyễn Thu Hà ( Quận 3, TP.HCM) cho hay: “Tôi đã dạy học 18 năm nhưng lương chỉ hơn 7 triệu, lo cho 2 đứa con học mẫu giáo, ăn uống trong gia đình tháng nào hết tháng đó. Đã vậy công việc thì bù đầu, hồ sơ sổ sách thì phải làm nhiều đến phát sợ, áp lực từ ngành giáo dục, áp lực từ phụ huynh... Nếu thời gian quay lại được, tôi sẽ không bao giờ chọn ngành giáo dục”. Vấn đề cốt lõi hiện tại là giao chỉ tiêu ngành sư phạm phù hợp thực tế, xóa nạn chạy chọt, nâng cao mức lương, đãi ngộ cho giáo viên, lúc ấy tự khắc người giỏi sẽ tìm đến sư phạm./.

 
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019, tổng chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học trên cả nước là hơn 467.000 sinh viên, tăng gần 6% so với năm 2018. Tổng chỉ tiêu của các trường cao đẳng, trung cấp năm 2019 cũng tăng mạnh so với năm 2018, trong đó các trường cao đẳng có tổng chỉ tiêu hơn 16.000 sinh viên, tăng 54%; các trường trung cấp có tổng chỉ tiêu hơn 5.500 sinh viên, tăng hơn 108%.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận