Không vào lớp 10 công lập, vẫn còn 'cửa sáng'

Kỳ thi vào lớp 10  năm nào cũng được  đánh giá là căng thẳng. Năm nay, nhiều thí sinh đã không thi mà chọn cho mình lối rẽ khác…

 

Nhiều lối rẽ phù hợp

Mặc dù thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 của các trường công lập ở Hà Nội tràn ngập trên các báo, nhưng chỉ tiêu của các trường THPT ngoài công lập khá khó tìm.

Theo thống kê của TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Tổng giám đốc Công ty Giáo dục FPT, cho biết: Tổng chỉ tiêu lớp 10 cho 94 trường THPT ngoài công lập Hà Nội năm học 2019-2020 là gần 21.825 giảm 4% so với năm 2018. Chỉ tiêu lớp 10 của trường ngoài công lập ở Hà Nội chiếm 25% tổng chỉ tiêu. Đây là một con số rất lớn (4 học sinh có 1 học ngoài công lập) trong bối cảnh tỷ lệ học sinh THPT ngoài công lập cả nước chưa đến 10%. Top 3 trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất 2019 là Lương Thế Vinh, THPT FPT và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, với số lượng lần lượt là 585, 540 và 540. Gần 50% số trường THPT tư thục ở Hà Nội có chỉ tiêu dưới 200. Ngoài ra, tại các trường THPT công lập tự chủ trong năm học này, một số trường có lượng tuyển sinh trên 300 chỉ tiêu như THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, THPT Hoàng Cầu, THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Khoa học giáo dục, THPT Lâm Nghiệp,…

Lý giải về việc năm nay chỉ có khoảng  hơn 90.000/101.453  học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi vào lớp 10, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, cũng như các năm trước, năm nay Hà Nội sẽ chỉ tuyển khoảng 62% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT công lập. Gần 40% học sinh còn lại sẽ vào các trường ngoài công lập, học nghề, học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên… Hơn nữa, đây là năm thứ hai Hà Nội áp dụng quy định mới với việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT đó là không bắt buộc phải lấy kết quả thi tuyển của Sở như các năm trước. Các trường này được tự chọn theo 2 phương thức: Xét tuyển căn cứ trên điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020; hoặc dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS.

Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng trong thực tế, không phải 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập. Những năm gần đây, nhiều học sinh đã tự chọn cho mình con đường học tập phù hợp ngay ban đầu như du học, học trường tư, học nghề, học GDTX... Với những học sinh không học trường công lập thì có thể lựa chọn  những con đường khác như: học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau.

Nhiều trường dạy nghề cam kết học sinh, sinh viên ra trường có việc làm

Chọn nghề sát với nhu cầu thị trường

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, TP.HCM đang tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS. Lộ trình từ năm 2015 đến 2020, TP.HCM phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề. Vì vậy, thành phố sẽ giảm dần tỉ lệ học sinh vào học lớp 10 công lập với mục tiêu đến năm 2020 còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 công lập. Để đạt được mục tiêu này, trước hết là phải nâng cao công tác tuyên truyền, vận động để học sinh, phụ huynh nói riêng, xã hội nói chung chuyển dần nhận thức từ việc học để có bằng cấp sang học để có nghề nghiệp.

Vài năm gần đây, một số người đã có cái nhìn thay đổi về hệ thống các trường trung cấp, trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh hệ trung cấp. Trước hết, do bản thân các trường này đang nỗ lực cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp  đào tạo, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau khi ra trường. Theo TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cả học sinh và phụ huynh đã có những thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề nghiệp, sát với nhu cầu thị trường. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp sau khi học nghề lại rất thấp. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều sự lựa chọn, có thể học liên thông thẳng lên đại học, có thể tự tìm việc làm và được nhà trường giới thiệu, cam kết việc làm cho từng học sinh, sinh viên với mức lương khởi điểm từ 5 đến 7 triệu đồng trở lên, chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế thu nhập 10 triệu đồng... ./.

BOX “Ngành giáo dục cần đẩy mạnh phân luồng từ học sinh THCS. Sau đó đến học THPT, chúng ta tiếp tục phân luồng làm sao có khoảng 30% vào đại học, còn lại là vào học nghề và đào tạo nghề để củng cố chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, nước ta đang rơi vào tình trạng đào tạo thầy quá nhiều mà thợ quá ít. Tôi cho rằng phải đặt các trường tư, các trung tâm dạy nghề, trung cấp nghề... ngang bằng với trường công và Nhà nước phải coi đó là cơ hội để chúng ta xã hội hoá, không nhất thiết cứ phải trường công...”-  Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội

Box: " Năm học trước em đậu NV1 với số điểm khá cao nhưng em đã không học lớp 10 công lập mà chọn con đường học nghề. Em nghĩ học trong môi trường nào cũng vậy, quan trọng là mình. Em học lớp cơ điện tử của trường nghề tại TP.HCM. Em không nghĩ học nghề là sự lựa chọn cuối, có thể là mở đầu cho mục đích đã được định hướng trước nên không hề mặc cảm hay nuối tiếc. Hiện tại em vẫn học cho đảm bảo chương trình, học nghề và trau dồi vốn tiếng Anh, tiếng Nhật... ", Em Huỳnh Tấn Hưng (huyện Hóc Môn).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận