Người Hà thành với nhất chi mai

Vài năm gần đây, thú chơi nhất chi mai đang sống lại mạnh mẽ với nhiều người dân Hà Thành vào dịp tết đến xuân về...

 

 

 

 

 

 

Hoa mai- nguồn thi hứng dồi dào

Theo quan niệm của người xưa, hoa mai đã được chọn là biểu tượng cho sức sống của mùa xuân. Đặc biệt, ở vùng đất kinh kỳ xưa và nay, vào dịp Tết không thể thiếu loài hoa mai trắng. Vậy loài hoa này có sức hấp dẫn như thế nào khiến người xưa say mê thưởng thức?

Không giống như các loài hoa khác, mai có hồn là do màu hoa chạy theo cung bậc thời gian. Khi còn là nụ hoa thì có màu đỏ cờ, sau đó nở bông trắng tinh khiết, đặc biệt hoa mai lúc lìa cành sắc hoa chuyển tím hồng rồi mới rụng, trông vẫn đẹp lạ thường. Cây nhất chi mai tuy mảnh dẻ nhưng cứng cáp, thuần khiết, bông hoa đẹp trong trẻo, mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo.

Vì vậy mà nhất chi mai đã trở thành nguồn thi hứng dồi dào, là hình tượng đẹp trong văn chương. Người xưa lấy cái khí phách của mai ví như người quân tử. Còn vóc dáng của hoa thì được ví như người con gái quyền quý, khuê các. Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) thì xem mai hoa như một biểu tượng của đạo đức và khí tiết: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Truyện Kiều). Nguyễn Du đã so sánh sắc đẹp của nàng Kiều có vóc dáng thanh mảnh như cây mai và có lòng trắng trong như tuyết đầu mùa. Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Sơn, một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam - Cao Bá Quát đã viết: Thập tải luân giao cầu cổ kiến/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. Tức là: Mười năm đi tìm gươm báu/ Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai. Cao Bá Quát cúi đầu trước hoa mai là cúi đầu trước người quân tử, trung thành vì nghĩa lớn, cúi đầu trước vẻ đẹp quá đỗi thanh tao kiên cường của loài hoa này.

Còn thiền sư Mãn Giác thời Lý (1052-1096), viết:“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, (Cáo tật thị chúng). Tạm dịch: “Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai”.

Cầu kỳ, tao nhã một thú chơi

Trong một khu vườn rộng trưng bày hàng trăm cây mai trắng, ông Đỗ Văn Lan, làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), người có 20 năm kinh nghiệm trồng mai trắng cho biết: “Thú chơi nhất chi mai sâu đậm vào văn hóa người Việt. Ngày xưa, ở những gia đình làm quan, nhà nho quyền quý mới có điều kiện chơi cây mai. Đặc biệt, nhất chi mai chỉ có miền Bắc, càng ở những vùng sơn cước giá lạnh cây càng cho hoa đẹp. Hơn nữa, ngày xưa dân ta chưa có kỹ thuật giâm cành nhân giống nên cây mai càng quý hiếm…”

Theo ông Lan, cây mai rất hay là nó “có hồn”, bởi nếu trồng đúng cách thì cây mai nở 2 độ hoa. Để có cây nhất chi mai đẹp, phải đủ điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… nó mới có hồn. Nghĩa là, khi mai mới ra nụ thì đài bên ngoài màu vỏ đỗ xanh tươi, trong là nụ hoa màu đỏ cờ, màu này tồn tại 3 ngày rồi bung ra chuyển thành màu trắng tinh khiết; khi bắt đầu tàn, cánh hoa xuất hiện màu tím từ trong nhụy bay dần đến ngày thứ 7 thì màu tím tới ra mép ngoài cánh hoa. Thời tiết càng đẹp, rét càng sâu thì độ ngân của hoa càng thắm. Còn với những cây không đủ điều kiện ánh sáng, nhiệt độ mà phải mang vào nhà để “kích hoạt” thì hoa chỉ trắng bông như tuyết. Người sành chơi mai không bao giờ chọn loại mai này.

Biến tấu cùng nhất chi mai

Do sự phát triển của xã hội nên thú chơi mai cũng phong phú, muôn hình, muôn vẻ. Theo ông Đỗ Văn Lan, ngày trước các cụ vẫn chơi mai theo kiểu dáng thuận thiên, nghĩa là để cây phát triển tự nhiên, không uốn, không tỉa. Và ông Lan vẫn giữ cách chơi đó, hạn chế thấp nhất sự can thiệp của con người. “Hiện nay nhiều người thích chơi dáng cây tự nhiên để dễ cảm nhận cái đẹp thuần khiết của mai. Cây mai quý nhất là các vấu ở gốc cũng cho hoa. Các cụ xưa ví von “Lão mai sinh quý tử”.

Do trồng mai phải cầu kỳ, tỉ mẩn và nguồn giống lại khan hiếm nên cả làng Nhật Tân chỉ có khoảng chục người trồng được loại hoa này. Nhu cầu của khách mỗi năm một tăng, năm nay ông Lan đã nhân được hàng vạn cây mai giống. “Nếu mình tiêu thụ tốt thì 500-700 cây không khó. người mua đến vài ba chục cây mai, vừa để bày xung quanh nhà, vừa để biếu. Có những khách ruột gắn bó từ 15-20 năm nay như bạn bè…”- ông Lan cho biết.

Bên cạnh kiểu dáng truyền thống, ngày nay cây mai còn được tạo dáng bonsai. Ông Trần Tiến Dũng, làng Nhật Tân, chuyên trồng nhất chi mai dáng bonsai cho biết: “Hiện nhà tôi có khoảng 100 gốc mai bonsai được tạo dáng theo phong cách của Nhật như dáng: trực thẳng, trực xiên, thác đổ… Để tạo dáng bonsai, tôi phải tự mày mò vừa học vừa làm cả chục năm nay, giờ nhìn “phôi” là định hình uốn dáng kiểu gì đẹp. Thú chơi mai cũng muôn hình muôn vẻ, tùy sở thích người chơi và không gian để hoa, nhưng dáng thác đổ được mọi người ưa chuộng hơn cả vì khi hoa nở ra nhìn dáng cây như một con công xòe đuôi, hoa trắng muốt từ dưới gốc lên tới đỉnh vô cùng đẹp.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, bông mai dày nhất sẽ có khoảng 60 cánh, bông trung bình có 40-45 cánh. Người biết chơi khi thấy những bông gần tàn có màu hơi tim tím sẽ vặt đi, để đợt hoa thứ 2 tiếp tục lên.

Một số chủ vườn trồng mai cũng cho biết, để chọn được cây mai thật ưng ý đón Tết, nhiều khách hàng kỹ tính lên tận vườn từ trước rằm để chấm cây, định giá. Giá một cây mai có thể từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân Hà Thành lại “săn lùng” nhất chi mai như ý với mong muốn bước sang năm mới có nhiều niềm hân hoan, hạnh phúc./.

Ông Dũng đang tạo dáng bonsai

"Bông mai ngày Tết phải có hồn, cánh trắng, thân như cột nhà cháy, vì vậy sức xuân toát ra rất mạnh mẽ. Phụ thuộc vào nhiệt độ, thời tiết mai lớn lên từ đỏ cờ đến trắng tinh, nếu rét thì chuyển màu tím hồng. Bông hoa có hồn là màu nó sẽ chạy theo cung bậc thời gian. Đợt một hoa thường nở từ 25 thánh Chạp đến rằm tháng Giêng. Sau đó một tuần, cây nở tiếp độ hoa thứ hai” - ông Đỗ Văn Lan.

 

 

 

 

 

 

 

                                                                                                                                                    

 

Bình luận

    Chưa có bình luận