Thiếu cơ quan chuyên trách, ô nhiễm không khí vẫn là việc 'cha chung'

Có nhiều cơ quan, đơn vị cùng được giao quản lý các nguồn phát thải gây ô nhiễm khác nhau, tuy nhiên sự phối hợp còn nhiều bất cập khiến hiệu quả chưa cao.

 

 

Những biến cố về ô nhiễm không khí tại các đô thị dường như vô hình nhưng lại tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và người già hay những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời.

Trong khi đó, có nhiều cơ quan, đơn vị cùng được giao quản lý các nguồn phát thải gây ô nhiễm khác nhau, tuy nhiên sự phối hợp giữa các cơ quan này còn nhiều bất cập, hiệu quả quản lý chưa cao. Thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý ô nhiễm không khí ở cấp trung ương và địa phương liệu có cải thiện được tình hình hiện nay?

Ô nhiễm không khí tại các thành phố đang là vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay, người dân ngày càng quan tâm hơn đến các chỉ số ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, có nhiều số liệu về ô nhiễm không khí được công bố bởi các tổ chức khác nhau, trong khi có nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý nguồn phát thải ô nhiễm không khí nên nhiều người dân không tránh khỏi băn khoăn.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện chất lượng chính sách Tài nguyên môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên môi trường là đơn vị được giao quản lý về các vấn đề môi trường, là cơ quan trưc tiếp xây dựng những cơ chế, chính sách về quản lý môi trường.

Tuy nhiên, đối với vấn đề quản lý thực thi lại thuộc vào vấn đề kỹ thuật và địa bàn trực tiếp, ví dụ như Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến khí phát thải phương tiện, đăng kiểm; ngành xây dựng quản lý các nội dung liên quan đến vấn đề bụi của các công trình xây dựng…

Hiện nay, ở Việt Nam mới có cơ quan đầu mối về quản lý môi trường, chưa có cơ quan chuyên trách quản lý về môi trường, PGS TS Phạm Thế Chinh nhấn mạnh: “Đầu mối quản lý chung dựa trên nguyên tắc của chính sách ban hành từ hiến pháp cho đến văn bản của ngành dọc giữa Bộ, Sở và các cơ quan quản lý môi trường. Tôi cho rằng một đầu mối chung thì chính là các sở quản lý chung”.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay công tác kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng chưa được thực thi hiệu quả là do thiếu sự quyết tâm và có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý ô nhiễm không khí. TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng hiện nay có rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý khí thải. Ví dụ như giao thông vận tải là nguồn gây bụi rất nhiều, quản lý do ngành giao thông và Sở GTVT. Các bên liên quan nhưng chúng ta chưa có sự phối hợp tốt”.

Bà Đỗ Vân Nguyệt - Giám đốc Chương trình không khí Sạch Live and learn cho rằng, ngoài việc Việt Nam chưa có một cơ quan chuyên trách về quản lý ô nhiễm không khí thì hiện nay nguồn nhân lực phụ trách về lĩnh vực này hiện đang rất thiếu, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong thời gian tới, theo bà Nguyệt, bên cạnh việc hoàn thiện về các hệ thống quy định pháp luật, các chính sách liên quan, cũng cần đầu tư vào con người và thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý về ô nhiễm không khí có những cơ chế phối hợp khẩn cấp các ngành khác nhau trong những trường hợp xảy ra những sự cố về ô nhiễm không khí. Bà Nguyệt đề xuất:

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, Hà Nội cũng như các thành phố có khu công nghiệp thì nên có bộ phận chuyên trách về ô nhiễm không khí, hiểu về chuyên môn, những vấn đề quan trắc và những mô hình để đo đạc xem chất lượng ô nhiễm không khí có xu hướng khác nhau ra sao, xác định được các nguồn và đưa ra những thông tin, những chính sách về mặt quyết định, quy định để đưa ra những ứng xử phù hợp. Cái này cần có sự quản lý khoa học dựa trên số liệu, dữ liệu và phối hợp liên ngành giữa cơ quan môi trường và cơ quan khác nữa”.

Ô nhiễm không khí gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho con người.Bà Nguyệt dẫn chứng kinh nghiệm của Thái Lan, nước này có một cơ quan chuyên trách chuyên nghiên cứu, thường xuyên đo đạc và công bố thông tin cho người dân. Vào đầu năm 2019, khi chỉ số ô nhiễm ở mức báo động, cơ quan này có cơ chế yêu cầu các bên liên quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp như yêu cầu đóng cửa các trường học, một số cửa ngõ giao thông và hàng trăm các nhà máy để cải thiện tình hình. Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu Cơ quan Tạo mưa Hoàng gia và Hàng không Nông nghiệp Thái Lan sử dụng máy bay tạo mưa nhân tạo để giảm ô nhiễm.

Trong khi đó, tại Đức, việc phân cấp cho từng cơ quan quản lý riêng lẻ theo từng nguồn phát thải ô nhiễm cũng được thực hiện. Tuy nhiên, các đô thị vẫn có một cơ quan quản lý chung về ô nhiễm không khí, cơ quan này chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống quan trắc cung cấp các chỉ số ô nhiễm theo thời gian thực, không bên nào có thể can thiệp tác động vào kết quả quan trắc, không ai điều chỉnh máy đó.

Thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý về ô nhiễm không khí chỉ phát huy hiệu quả nếu có những quy định, chính sách cụ thể và kế hoạch hành động rõ ràng.

Theo Hải Hà/VOVGiaothong

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận