Người dân còn mất cảnh giác với 'giặc lửa'

  • 04/10/2019 02:35:00
  • Nguyễn Ngân
  • Xã hội
  • 0

Cơ quan quản lý còn nể nang trong xử lý vi phạm, người dân còn mất cảnh giác với 'giặc lửa' dẫn đến số người chết và số vụ cháy tăng cao.

 

Chính quyền còn nể nang trong xử lý vi phạm

Theo thống kê trong 9 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 3.059 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 99 người; thiệt hại về tài sản khoảng 1.171,24 tỷ đồng. Xảy ra 16 vụ nổ, làm chết 6 người, bị thương 15 người, thiệt hại về tài sản 388 triệu đồng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC trực tiếp tham gia CNCH 2.380 vụ tai nạn, sự cố; tìm kiếm, cứu nạn được 413 nạn nhân và 214 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do một số nơi người đứng đầu chưa nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác PCCC.

“Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đầu tư và thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC dẫn đến việc quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác PCCC và CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; mạng lưới đội chữa cháy chưa bảo đảm theo quy định, bán kính hoạt động quá rộng làm hạn chế hiệu quả công tác cứu chữa và CNCH”, Đại tá Khương cho hay.

Cán bộ quản lý cơ sở chưa làm hết trách nhiệm, còn nể nang trong việc xử lý vi phạm về PCCC. Ý thức, trách nhiệm cũng như kiến thức PCCC của người dân, người lao động chưa cao, còn nhiều bất cập chưa tự tìm hiểu, học tập kiến thức PCCC và kiến thức xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra; còn vi phạm quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.. như san, nạp gas trái phép, tàng trữ chất cháy, nổ, tổ chức kinh doanh sai quy định cho phép;

Nhiều đơn vị, cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC như không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, trong khi theo quy định phải có; nguồn nước phục vụ chữa cháy thiếu; lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, khi xảy ra cháy lúng túng không biết cách xử lý; chữa cháy không được, để cháy lan, cháy lớn mới báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC, dẫn đến khó khăn cho công tác chữa cháy; trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở đối với công tác PCCC chưa cao.

Trang thiết bị chữa cháy còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác chiến đấu. Cụ thể, quần áo chữa cháy mỏng nên khả năng bảo vệ chiến sĩ chữa cháy trước tác động của nhiệt độ, các vật sắc nhọn rất kém và hoàn toàn không có khả năng bảo vệ trước tác động của hóa chất. Do đó, cán bộ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các vụ sự cố, tai nạn và cháy nổ; kích thước, trọng lượng của mũ, giày; chất liệu của ủng chữa cháy cũng không phù hợp với hình thể, sức khỏe của người Việt Nam… nên gây ra nhiều khó khăn và hạn chế trong việc di chuyển và thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, thậm chí rất dễ bị bỏng, bị thương…

Vụ cháy lớn tại Công ty Rạng Đông vào tối 29/8/2019.

Người dân còn mất cảnh giác với “giặc lửa”

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương hiện nay còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa quan tâm, lơ là, mất cảnh giác, xem nhẹ công tác PCCC và CNCH. “Nhiều vụ cháy gây thiệt hại rất đáng tiếc về người và tài sản là do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn; phát hiện, báo cháy chậm; tổ chức chữa cháy ban đầu không hiệu quả… Nhiều doanh nghiệp chỉ lo sản xuất kinh doanh để tăng lợi nhuận mà không có những biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng; thậm chí khoán trắng công tác PCCC cho lực lượng Cảnh sát PCCC”, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho hay.

“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đưa được kiến thức PCCC vào nhà trường, trang bị cho những công dân tương lai kiến thức, kỹ năng cơ bản để tránh được những rủi ro do cháy nổ, tai nạn do cháy nổ, tai nạn, sự cố gây ra. Tiếp tục công khai danh tính các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm quy định an toàn PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đẩy mạnh việc biểu dương để nhân rộng và lan tỏa những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nói./.

Nguyễn Ngân/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận