'Dầu lẫn vào nguồn nước mà không có thiết bị lọc rất khó xử lý'

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, dầu một khi phân tán vào nước sẽ tạo mùi khó chịu. Việc lọc nước bị nhiễm dầu khó hơn so với lọc các loại vật chất khác.

 

Trước vụ việc hàng nghìn hộ dân tại Hà Nội sử dụng nước sinh hoạt từ Nhà máy nước sạch sông Đà trong những ngày qua phản ánh về nước có mùi lạ, mùi khét rất khó chịu, sáng 14/10, trả lời phóng viên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết, Tổng cục Môi trường trực tiếp trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và có những thông tin về nguyên nhân ban đầu.

“Cụ thể, theo Sở TN&MT Hòa Bình, ở vùng thượng lưu Sông Đà nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy xử lý nước sạch cung cấp cho Hà Nội có con suối Trâm chảy ra kênh nơi dẫn nước vào nhà máy xử lý nước thải, tuy nhiên theo phản ánh của người dân phát hiện có 1 xe tải 2,5 tấn lớn đã đổ trộm dầu thải vào khu vực này thuộc địa bàn xã Phúc Tiến, Phú Minh” - ông Thức thông tin.

Ngay sau đó, nhà máy xử lý nước thải đã phát hiện trên mặt kênh dẫn vào nhà máy có lớp váng dầu và đã thuê công nhân vớt dầu loang trên mặt kênh dẫn, hiện tại đã được thu gom và lấy mẫu nước kiểm tra phân tích.

Con suối Khại dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị nhiễm bẩn do dầu thải đổ vào đầu nguồn.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, dù là dầu thải gì thì cũng đều là chất độc, và khi ảnh hưởng vào nước sạch thì cần phải có biện pháp xử lý. Theo PGS Thịnh, việc dầu lẫn vào trong nguồn nước mà không có thiết bị lọc, xử lý dầu thì nó sẽ tồn tại mãi. “Dầu một khi phân tán vào nước sẽ tạo ra mùi cực kỳ khó chịu, rất khó có thể xử lý" - PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Cũng theo PGS Thịnh, việc dùng hệ thống lọc nước không phải là giải pháp. Bởi hệ thống lọc nước cũng chỉ xử lý được ở một mức giới hạn. “Ngay cả khi dùng hệ thống lọc nước thì nước vào cũng phải là nước sạch. Với nước ô nhiễm, thì hệ thống lọc nước cũng không thể xử lý được hết ô nhiễm. Tất nhiên việc dùng hệ thống lọc nước cũng sẽ đảm bảo chất lượng nước tốt hơn nhưng đấy không phải là giải pháp. Giải pháp căn cơ là đơn vị cung cấp nước phải xử lý triệt để” - PGS Thịnh nhấn mạnh.

Ông Thịnh phân tích, dầu bản thân là hoạt chất khó xử lý, xử lý bằng phương pháp hóa học cũng khó, mà phải dùng biện pháp hấp thụ mới tách được. Tuy nhiên, phương pháp này khá đắt, tốn kém.

“Dầu là một chất lạ đối với cơ thể người, nên khi sử dụng chất lạ vào cơ thể sẽ không an toàn. Người dân nên dừng sử dụng nước có mùi lạ, đợi đến khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ rồi mới có thể sử dụng” - ông Thịnh khuyến cáo.

Trước đó như VOV.VN đã đưa, từ ngày 8, 9/10 tại khu vực rộng lớn phía Tây Hà Nội đã phát hiện nước sinh hoạt bốc mùi khó chịu. Đến chiều 11/10, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu nước tại một số điểm trên trục cấp nước sạch Sông Đà như Trạm Tây Mỗ, khu vực Công viên Hòa Bình… để mang đi xét nghiệm, nhưng đến hôm nay vẫn chưa công bố kết quả khiến người dân hoang mang.

Trước hiện tượng nước bốc mùi khó chịu, ngày 11/10, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty CP Viwaco đều xác nhận có sự việc này.

Theo Minh Khánh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận