Camera giám sát sát hạch GPLX có thể khắc phục 'điểm mù' trong quản lý?

  • 10/12/2019 02:00:00
  • Kiều Tuyết - Quách Đồng
  • Xã hội
  • 0

Xây dựng nhiều tầng nấc giám sát cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

 

Tuy vậy, đó cũng chỉ là giải pháp về công nghệ, trong khi vấn đề chính cần khắc phục là con người.

Từ năm 2020, toàn bộ quá trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc sẽ được truyền trực tuyến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để lưu trữ, giám sát trực tuyến. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hạn chế các tiêu cực như học qua loa, bao đỗ như trước đây.

Vậy việc giám sát được thực hiện như thế nào? Giải pháp công nghệ này có giúp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe?

Theo quy định tại Thông tư 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp giấy phép lái xe, ngoài việc giám sát thời gian học lý thuyết, số km lái xe trên đường của học viên, từ 1/1/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe lắp đặt camera giám sát ở phòng sát hạch lý thuyết và sân sát hạch và truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ để các cơ quan quản lý như: ban ATGT các địa phương, công an có thể truy cập trực tiếp giám sát quá trình sát hạch.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngoài việc giám sát và lưu trữ hình ảnh, dữ liệu tại các trung tâm đào tạo, cơ sở sát hạch, dữ liệu của thí sinh tại các vị trí sân sát hạch lái xe như: vị trí xuất phát, vị trí dừng và khởi hành xe trên dốc, vị trí qua vệt bánh xe, vị trí qua ngã tư, vị trí ghép xe vào nơi đỗ và các vị trí cần thiết khác cũng được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ công tác đào tạo và sát hạch lái xe. Ông Thống cho biết: "Trước đây chỉ công khai trên màn hình ở trung tâm, nhưng giờ các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát trực tiếp quá trình sát hạch để kịp thời phát hiện vi phạm thì chấn chỉnh".

Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề, sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho biết, việc lắp đặt camera giám sát thi lý thuyết và thực hành và lưu trữ thông tin đã được đơn vị thực hiện từ lâu. Việc truyền dữ liệu giám sát quá trình thi sát hạch về Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ thêm một lần giám sát để nâng cao chất lượng đào tạo.

Học viên cũng đồng tình với giải pháp tăng cường giám sát trong quá trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

"Nó sẽ đem lại sự công bằng cho tất cả thí sinh dự thi, làm sao có được kỹ năng lái xe tốt nhất khi đi ra ngoài đường. Ngoài việc giám sát các học viên việc giám sát giáo viên và giám thị coi thi cũng tốt hơn".

" Tuy vậy, ngay với người trong cuộc, một số ý kiến cũng băn khoăn về hiệu quả của giải pháp này. Ông Nguyễn Trung Anh, một giáo viên dạy lái xe lâu năm trên địa bàn Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là ý thức của học viên khi đi học, tham gia sát hạch để lấy bằng, còn giải pháp giám sát ở góc độ nào đó còn tác động tâm lý lên học viên.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, trong một ngày có hàng chục trung tâm tổ chức sát hạch nên không thể đủ nhân lực giám sát. Nếu lấy con người ra không thể giám sát hết được.

"Vấn đề là anh giám sát như thế, nay mai nhỡ có gì đó tiêu cực thì trách nhiệm lại thuộc về cơ quan giám sát. Người ta sẽ nói: Quá trình tôi làm công khai hết, anh không thổi còi, anh không dừng ngay, anh không chỉ rõ vi phạm thì lúc đó trách nhiệm lại thuộc cơ quan giám sát".

Các ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, việc truyền dữ liệu các kỳ sát hạch là cần thiết, song xây dựng quy chế tự động phân tích lỗi của các đơn vị sát hạch, tổng hợp để các cơ quan chuyên môn tiến hành hậu kiểm, xử phạt các đơn vị vi phạm.

Qua thiết bị di động thông minh, cơ quan quản lý theo dõi được trực tuyến việc dạy, học, sát hạch của các cơ sở đào tạo, sát hạch trong toàn quốc. Ảnh: Vietnamnet.vn

Camera có thể khắc phục “điểm mù” trong quản lý?

Xây dựng nhiều tầng nấc giám sát cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Tuy vậy, dưới góc nhìn của VOVGT, đó cũng chỉ là giải pháp về công nghệ, trong khi vấn đề chính cần khắc phục chính là con người, là chính sách để vận hành quy trình thì công nghệ không thể thay thế nếu cũng con người đó cố tình tìm cách “lách luật”.

Sau khi phát hiện các “lỗ hổng” dẫn đến tiêu cực, vài năm gần đây và đặc biệt là từ cuối năm ngoái đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và ngành giao thông nhiều địa phương đã liên tục có các động thái chấn chỉnh hoạt động này, theo hướng siết chặt các điều kiện, tăng tính minh bạch, bổ sung thêm công cụ phục vụ giám sát trực tiếp và hậu kiểm.

Chương trình đào tạo cũng tường bước được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn thay đổi của giao thông. Từ chỗ giấy khám sức khỏe có thể mua được tràn lan, giờ đã giảm hẳn. Từ chỗ lý thuyết dễ dàng “bao đậu”, giờ gần như không còn. Và ghép dọc ghép ngang, sát hạch đường trường bằng xe chip, cấm tiệt học viên dùng điện thoại trong quá trình sát hạch…

Đó là những tín hiệu đáng mừng, ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt và nỗ lực tìm giải pháp từ phía cơ quan quản lý.

Việc bắt buộc các trung tâm đào tạo, sát hạch truyền dữ liệu camera trong quá trình học và thi GPLX để phục vụ giám sát, cũng là một trong các động thái này, với kỳ vọng, các “mắt thần” sẽ mang lại hiệu quả tích cực như trong lĩnh vực giám sát vi phạm giao thông, vi phạm an ninh trật tự.

Nhưng trên thực tế, ô tô vi phạm vẫn dễ dàng qua mắt camera khi chỉ cần che một phần biển số. Xe tai nạn vẫn khó xác định nguyên nhân khi thiết bị giám sát hành trình đột ngột mất tín hiệu vào đúng thời điểm cần nhất. Và trẻ em vẫn có thể bị bạo hành ở những góc khuất, điểm “mù” của camera ngay tại trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em. Những điều đó hoàn toàn có thể xảy ra với hệ thống camera truyền tín hiệu từ cơ sở đào tạo, sát hạch về cơ quan quản lý giao thông.

Giám sát trực tuyến lúc thi - đã khó; hậu kiểm lại càng khó hơn, với dữ liệu khổng lồ mà con người thì có hạn. Camera trang bị khắp nơi, có thể gây áp lực khiến những người “bị giám sát” phải nghiêm túc hơn. Song cũng có thể dẫn tâm lý ức chế không đáng có cho họ, do cảm giác bị nghi ngờ, bị theo dõi, khiến chấp hành đối phó, hoặc thậm chí cố tích tìm ra cách để… làm ngược lại. Chưa kể, an ninh, an toàn của hệ thống dữ liệu được quản lý như thế nào, ai chịu trách nhiệm, cũng là một vấn đề chưa được quy định rõ ràng.

Với những lý do trên, có thể thấy, việc yêu cầu các trung tâm đào tạo, sát hạch truyền dữ liệu camera về cơ quan quản lý để giám sát là cần thiết nhưng chỉ mang tính tình thế, chứ không thể coi là giải pháp bền vững, lâu dài.

Các cơ sở đào tạo, sát hạch sẽ “sợ” mất uy tín, sợ mất học viên, sợ khách hàng quay lưng hơn là sợ các mức phạt vi phạm hành chính từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Và họ sẽ mất uy tín, khi vi phạm bị phát hiện, bị “bêu” trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Họ cũng không thể yên tâm “rung đùi” khi vi phạm của họ có thể bị truy cứu bất cứ lúc nào, chứ không phải “trót lọt” đến lúc học viên nhận bằng là xong. Đó là khi cơ quan chức năng có thể kiểm tra ngẫu nhiên “sản phẩm đầu ra” của các trung tâm này, từ đó xác định xem họ đã thực sự làm gì trong quá trình đào tạo, sát hạch, và truy đến cùng trách nhiệm, buộc phải bồi thường, khắc phục nếu cung cấp dịch vụ chưa tới nơi tới chốn.

Thị trường đào tạo lái xe chỉ phát triển làm mạnh khi các cơ sở cạnh tranh nhau bằng “chất lượng sản phẩm đầu ra”, chứ không phải bằng mức giá khuyến mại đầu vào. Và công tác sát hạch chỉ trở nên nghiêm túc hơn khi cái giá của sự gian dối quá đắt so giá “bao đậu”.

Muốn làm được điều này, đương nhiên, không thể “ỷ” vào hệ thống camera dù hoàn hảo đến đâu, mà cần sự quản lý chặt chẽ đối với con người ở các cơ sở đào tạo sát hạch, cùng với một hệ thống các quy định hoàn chỉnh trong cơ chế chịu trách nhiệm của các chủ thể có liên quan./.

 Kiều Tuyết - Quách Đồng (VOVgiaothong.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận