Hà Nội xây dựng 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu

UBND TP.HN vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư.

 

TP Hà Nội đã đưa thêm 14 tuyến buýt mới vào hoạt động, nâng tổng số tuyến toàn mạng lên 124 tuyến. Hiện nay mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận - huyện - thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn, đạt 78%. Cùng với sự phát triển mạng lưới xe buýt Hà Nội, hệ thống điểm dừng, nhà chờ cũng được xây dựng ngày càng nhiều, nhưng lại đang tồn tại không ít bất cập.

Nói về thực tế này, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco cho biết: “Trong số các điểm dừng và nhà chờ xe buýt chỉ có 385 trong số 3.000 điểm dừng có nhà chờ. Với điều kiện giao thông ở Hà Nội như hiện nay sự thiếu hụt các điểm dừng có nhà chờ là một bất tiện lớn. Sở GTVT và TP.Hà Nội đã có chỉ đạo tăng số nhà chờ để đảm bảo tiện ích cho hành khách”.

Hiện nay, tại Hà Nội, nhiều điểm dừng, nhà chờ xe buýt trong tình trạng thiếu mái che, do đó hành khách muốn đi xe buýt phải chờ đợi giữa trời bất kể nắng mưa khiến nhiều người ngần ngại lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển chính.

Bên cạnh đó, nhiều điểm dừng, nhà chờ xe buýt tại khu vực nội thành bị chiếm dụng làm nơi để hàng quán kinh doanh, thậm chí trở thành điểm tập kết rác thải, vật liệu xây dựng... gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Nội thành đã vậy, những tuyến đường càng xa trung tâm thành phố lại càng khan hiếm những điểm dừng xe buýt có nhà chờ, ghế ngồi, mái che. Tần suất các chuyến xe ít, thời gian chờ đợi lâu trong khi nhiều tuyến đường lại thiếu cây xanh che phủ cho nên hành khách đứng chờ xe buýt rất vất vả.

Một hành khách bày tỏ ý kiến:

“Muốn chất lượng xe buýt đáp ứng được nhu cầu của người dân thì phải hoàn thiện từ chỗ điểm đón xe. Chứ nghĩ tới việc đứng chờ không chỗ ngồi, không mái che là đã muốn đi xe máy cho nhanh”.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP.HN vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư.

Theo đó, dự án xây dựng lắp mới 600 nhà chờ xe buýt (trong đó 235 nhà chờ lắp đặt mới, thay thế 365 nhà chờ hiện có theo lộ trình); lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m. Lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo.

Hệ thống nhà chờ được xây dựng theo hướng hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn Thành phố; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Ngoài ra, thực hiện dự án, thành phố sẽ sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường bảo đảm khoa học, đồng bộ, hiện đại, văn minh.

Địa điểm lắp đặt được bố trí trên các tuyến đường đủ điều kiện thuộc phạm vi 12 quận nội thành Hà Nội gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông.

Nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm.

Hà Nội đang thiếu nhà chờ xe buýt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Đại học GTVT cho rằng, hiện trạng nhà chờ và hạ tầng xe buýt phục vụ cho hành khách hiện nay cả về số lượng và chất lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Trên thực tế, Hà Nội gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng nhà chờ xe buýt do vỉa hè hẹp không cho phép, đặc biệt là sự không ủng hộ của các các đơn vị và người dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán ở trên vỉa hè, lề đường. Bên cạnh đó là khó khăn về vốn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng xe buýt bao gồm việc xây dựng các nhà chờ có chất lượng. Do đó, chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các nguồn đầu tư, tư nhân cùng chung sức đầu tư vào hệ thống nhà chờ xe buýt là rất đúng đắn.

“Chúng ta có thể xem xét cho nhà đầu tư khai thác một phần không gian cho việc quảng cáo và không gian có thể bố trí những dịch vụ bổ sung cho họ. Những không gian này về mặt cơ bản không ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng cũng như khả năng tiếp cận của cả phương tiện và hành khách. Nên việc xã hội hóa và kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng hệ thống này tôi nghĩ đó là một chủ trương đúng đắn góp phần cải thiện chất lượng hệ thống, nâng cao chất lượng phục vụ cho hành khách" - ông Tuấn nêu ý kiến.

Để tạo thuận lợi cho hành khách cùng với việc đầu tư xe buýt mới phục vụ khai thác những tuyến buýt chất lượng cao, việc xây dựng, quy hoạch, thiết kế hợp lý hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt có mái che sao cho dễ tiếp cận, an toàn cũng là một giải pháp quan trọng nhằm thu hút người dân đến với loại hình vận tải công cộng này./.

Hoàng Anh/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận