Tiền Giang: Môi trường ô nhiễm từ vườn cây thanh long

  • 13/11/2018 12:00:00
  • Nhật Trường
  • Xã hội
  • 0

Để cây thanh long phát triển tốt, năng suất cao, hầu hết nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang đã sử dụng phân gia súc, gia cầm tươi bón cho thanh long

Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 8.000ha vườn trồng cây thanh long, tập trung nhiều ở các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước. Tại các xã: Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Tân Thuận Bình, Quơn Long, huyện Chợ Gạo,… nhà vườn thường xuyên sử dụng phân gia súc, gia cầm chưa hoai mục, chưa qua xử lý bón cho cây gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Những ngày này, nhiều hộ dân ở ấp Lương Phú C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo phải sống trong bầu không khí ngột ngạt bởi mùi hôi thối bốc lên từ vườn thanh long. Sau các cơn mưa to, kéo dài, tình trạng ô nhiễm từ vườn thanh long càng thêm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Hai, nông dân ở xã Phú Kiết cho biết: "Việc nhà vườn bón phân tươi gây ô nhiễm môi trường sống khiến hàng xóm bức xúc nhưng họ nể tình nghĩa xóm giềng mà không dám nói. Tôi thường mua phân gia cầm về để trên sân, trộn chế phẩm tricodama rồi ủ một thời gian cho hết hôi mới đem sử dụng, vừa tốt cho cây mà không gây ô nhiễm môi trường”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ nhà vườn trồng thanh long có thói quen sử dụng phân gia súc, gia cầm tươi bón cho cây thanh long là do phân này giá rẻ, thích hợp với cây thanh long. Cây thanh long được bón loại phân này sẽ tăng trưởng nhanh, trái to, năng suất cao. Vì thế họ mải “chạy” theo lợi nhuận mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Vả lại, vườn cây thanh long cần một lượng phân lớn; trong khi đó phân hoai mục không đủ đáp ứng nhu cầu của nhà vườn. Một số hộ dân còn “tập kết” phân gia súc, gia cầm bên lề đường, nơi công cộng hay góc vườn… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống cộng đồng.

Trước tình trạng này, UBND huyện Chợ Gạo đã có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc sử dụng phân gia súc, gia cầm tại các vườn thanh long. Tuy nhiên, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà chưa có biện pháp xử phạt nên nhà vườn vẫn vi phạm.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm từ vườn cây thanh long, chính quyền, ngành chức năng địa phương cần có chế tài xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời có chính sách “mời gọi” các nhà đầu tư, các doanh nghiệp triển khai xây dựng các nhà máy chế biến phân bón sinh học, phân hữu cơ, cơ sở xử lý, chế biến phân gia súc, gia cầm đạt vệ sinh… cung cấp cho nhà vườn. Có như thế mới bảo vệ được môi trường sống và trái thanh long mới đạt tiêu chuẩn sạch để xuất khẩu.

Bình luận

    Chưa có bình luận