Xe hợp đồng vì sao vẫn ngang nhiên vi phạm?

  • 14/07/2020 10:00:00
  • Quách Đồng - Trần Thị An
  • Xã hội
  • 0

Vi phạm của xe hợp đồng diễn ra từ lâu, tại nhiều thành phố lớn trên cả nước và các cơ quan chức năng vẫn loay hoay xử lý.

 

Sinh sống tại đường Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tuấn gặp rất nhiều bất tiện khi hằng ngày có hàng chục lượt xe chở khách dạng hợp đồng tấp nập hoạt động.

Tương tự, chị Trần Thị Viên (ở Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng không ít lần muộn giờ làm, muộn giờ đón con vì xe hợp đồng dừng đỗ vô tội vạ trên con phố trước nhà: "Đường này không rộng mà xe vẫn cố đi vào. Hai chiếc xe cùng đón, trả khách là lập tức tắc đường. Người đi bộ, xe máy phải dừng lại để chờ đợi. Ùn tắc giao thông, không thể đi được".

Còn chị Nguyễn Thị Vân Anh (ở Đống Đa, Hà Nội) lại bức xúc với xe hợp đồng chở khách vì sự an toàn của mình và gia đình, bởi nhà chị ngay gần văn phòng của một nhà xe vận tải hành khách theo hợp đồng: "Văn phòng này chuyên có xe đi từ Hà Nội về Thái Nguyên, hay đón trả khách ở mặt đường luôn. Nó dừng xong thì đi rất là nhanh nên nhiều khi cũng gây nguy hiểm cho người đi đường".

Mặc dù người dân rất bức xúc trước tình trạng xe hợp đồng luồn lách khắp các tuyến phố, dừng đỗ vô tội vạ, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông, song do một số hành khách vẫn sử dụng dịch vụ này, khiến xe hợp đồng vẫn còn đất sống:

"Nhà tôi không ở gần bến xe nên là khó khăn trong việc đi đến bến xe, khi người ta đến đón thì nó sẽ tiện cho việc di chuyển".

"Tôi thì thấy tiện lợi khi có thể đón được tôi ở nhà và có thể đưa tôi đến tận điểm đến của tôi".

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 1.038 trường hợp, phạt tiền gần 2 tỷ đồng, tạm giữ 24 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe với 198 trường hợp. Những vi phạm chủ yếu của xe hợp đồng gồm: Vi phạm dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định; Vi phạm liên quan đến hợp đồng vận chuyển…

Vi phạm của xe hợp đồng diễn ra từ lâu, tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Ảnh: Báo Giao thông

Đánh giá về việc dù kết quả xử phạt gia tăng, song vi phạm vẫn diễn ra tương đối phổ biến, đại diện lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng, thủ tục cấp phù hiệu xe hợp đồng đơn giản và dễ dàng hơn so với các loại hình kinh doanh vận tải khác. Do đó, chưa có cơ sở pháp lý để khống chế loại hình này nở rộ. Bên cạnh đó, còn có sự “tiếp tay” của chính những hành khách đi trên xe khi đồng sy với thỏa thuận của nhà xe, tự nhận là một nhóm đi theo diện hợp đồng trong khi thực tế là khách lẻ, gây khó khăn cho công tác xử lý:

"Việc kiểm tra, xử lý vi phạm với các xe này cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng bởi theo quy định xe hợp đồng loại dưới 10 chỗ không bị hạn chế đi vào phố nên các xe này vẫn dừng, đỗ đón, trả khách tại khu vực không cấm dừng, đỗ xe. Việc kiểm tra hợp đồng, danh sách hành khách theo xe thì các nhà xe đã đối phó ghi chép đầy đủ theo quy định nên lực lượng chức năng không thể xử lý vi phạm của loại hình này theo đúng bản chất của sự việc", ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Thực tế cũng cho thấy, vi phạm của xe hợp đồng diễn ra từ lâu, tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Song, do vướng về cơ sở pháp lý, cùng với nhiều cách lách luật của các nhà xe khiến nỗ lực của các cơ quan chức năng chỉ “như muối bỏ bể”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận