Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án BT

UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức buổi làm việc kiểm điểm công tác đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công và dự án BT 7 tháng đầu năm 2020.

 

Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh Bắc Giang có 23 dự án (DA) cấp tỉnh quản lý dự kiến khởi công mới, với tổng kế hoạch vốn giao 455,6 tỷ đồng (02 DA sử dụng vốn ngân sách trung ương và 21 DA sử dụng vốn ngân sách tỉnh). Đến nay, có 8 DA đã khởi công, 01 DA đã ký hợp đồng xây lắp và chuẩn bị khởi công, 01 DA dừng triển khai và điều chuyển vốn, còn lại 13 DA đang thực hiện các bước lựa chọn nhà thầu, thiết kế và chuẩn bị khởi công. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 11 DA đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư 3.883 tỷ đồng; 01 DA đã cơ bản hoàn thành (DA Xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu, tổng mức đầu tư 1.163 tỷ đồng); 4 DA đã lựa chọn xong nhà đầu tư và đang thi công, tổng mức đầu tư 1.554 tỷ đồng; 3 DA đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư, khởi công công trình, tổng mức đầu tư 572 tỷ đồng; 01 DA đang chuẩn bị đầu tư, chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư 258 tỷ đồng và 01 DA đề nghị chuyển từ đầu tư BT sang đầu tư công.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, đến nay, tiến độ thực hiện nhiều DA còn chậm, đối với các DA đang thi công vướng mắc chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB). Các DA đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư chậm chủ yếu do chất lượng tư vấn yếu trong khi UBND các huyện được giao chuẩn bị DA không sát sao, đôn đốc. Các DA đối ứng dự án BT tiến độ thực hiện đều chậm do các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, xin ý kiến Bộ Xây dựng về chấp thuận đầu tư, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Cùng với đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Một số DA sử dụng vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách Trung ương, do nguồn vốn năm 2020 hạn hẹp nên việc triển khai thực hiện các DA được chủ đầu tư và nhà thầu thi công cầm chừng theo kế hoạch vốn được giao…

Bên cạnh đó, một phần do năng lực, trách nhiệm của một số chủ đầu tư, Ban QLDA chưa cao, thiếu quyết liệt trong giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc... dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân một số DA chậm. Công tác bồi thường GPMB chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, dẫn đến việc triển khai GPMB ở các DA trọng điểm còn chậm; chưa có các biện pháp quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DA.

Dự án xây dựng Trạm Biến áp 220kV Quang Châu, Bắc Giang.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn yêu cầu trong thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần quán triệt các chỉ đạo, kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể; người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản. Tập trung rà soát, nắm chắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA; có biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các DA chậm tiến độ. Rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao chất lượng việc lập, thẩm định, phê duyệt DA, thiết kế đầu tư, nghiệm thu, tạm ứng, thanh toán, quyết toán. Tập trung vận động tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong công tác bồi thường GPMB; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình gây khó khăn, cản trở trong GPMB. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác đầu tư xây dựng, xử lý kịp thời các vi phạm ngay trong quá trình thực hiện, không để phát sinh các vi phạm lớn về quản lý chất lượng, chi phí, tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng tuần, tháng, quý, nhất là đối với các DA trọng điểm./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận