Thanh Hóa: Vị thế một cực tăng trưởng mới

Thanh Hóa sẽ sớm nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Đây là điều có thể khẳng định khi nhìn vào nền tảng vững chắc của tỉnh.

 

Nền tảng đó là những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong 5 năm qua cùng với những mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn.

Những kết quả toàn diện

Những kết quả đầy tự hào, là nền tảng quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tự tin bước vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với thế và lực mới.

Là tỉnh có diện tích lớn, địa bàn phân bố rộng, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi nên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) luôn được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII với kết quả toàn diện; dự kiến có 26/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội (12%), gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 131.199 tỷ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa.

Xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, Thanh Hóa luôn xác định lấy đó làm cơ sở để phát triển kinh tế. Đến nay, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển toàn diện; tích tụ, tập trung đất đai đạt kết quả bước đầu; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả tích cực, đã có các dự án quy mô lớn được triển khai thực hiện; tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành bình quân hàng năm dự kiến đạt 3%, vượt kế hoạch; giá trị sản xuất năm 2020 dự kiến đạt 29.173 tỷ đồng, gấp 1,16 lần năm 2015. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chú trọng triển khai thực hiện; đã có 42 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả cao; toàn tỉnh hiện có 8 đơn vị cấp huyện, 313 xã và 740 thôn, bản hoàn thành xây dựng NTM; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 65,75%, vượt mục tiêu Đại hội; bình quân đạt 17,01 tiêu chí/xã, tăng 4,71 tiêu chí so với năm 2015; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, bình quân hàng năm dự kiến tăng 20,1%, vượt kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay; năm 2020 dự kiến đạt 144.532 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Thanh Hóa đã hoàn thành và đưa vào hoat động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (1 trong 3 DA công nghiệp lớn nhất cả nước); triển khai xây dựng một số dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và sản xuất tiểu thủ công nghiệp được quan tâm phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được 249 dự án (35 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 47.427 tỷ đồng và 3.300 triệu USD; nâng tổng số dự án thu hút vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp lên 606 dự án (57 dự án FDI), tổng vốn đăng ký 147.459 tỷ đồng và 13.246 triệu USD.

Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho KT-XH phát triển. Thanh Hóa là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố...

Khẳng định vị thế

Có thể khẳng định, chưa bao giờ Thanh Hóa có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đây là cơ sở, điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước tiến lên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, Thanh Hóa đặt ra nhiều mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 11% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,8%, dịch vụ chiếm 30,5%, thuế sản phẩm chiếm 9,8%.  GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200USD trở lên. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỷ USD. Sản lượng lương thực hàng năm ổn định ở mức 1,5 triệu tấn. Số doanh nghiệp thành lập mới 5 năm đạt 15.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt 40% trở lên. Đến hết năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 8% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 dưới 30%.  Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2025 đạt trên 95%...

Mô hình trồng hoa lan Công ty mía đường Lam Sơn.

Đặc biệt, Thanh Hóa tiếp tục tập trung thực hiện một số Chương trình trọng tâm và các khâu đột phá như: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; Chương trình phát triển KT-XH khu vực miền núi và Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ. Về các khâu đột phá, Thanh Hóa tập trung thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng; Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, sát thực tiễn như: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng mới với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đẩy mạnh phát triển đô thị và xây dựng NTM; tạo chuyển biến rõ nét khu vực đô thị theo hướng hiện đại, văn minh; chỉnh trang khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thanh Hóa nhanh và bền vững. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đưa dịch vụ y tế trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng…

Với nền tảng vững chắc là những kết quả đạt được trong 5 năm qua, cùng mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ sát thực tiễn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thanh Hóa sẽ sớm nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - khẳng định vị thế một cực tăng trưởng mới./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận